Từ giờ đến cuối năm, mỗi người Việt sẽ phải gánh thêm hơn 4 triệu đồng nợ công
Từ giờ đến cuối năm, tổng nợ công có thể lên đến 3 triệu tỷ đồng và mỗi người Việt sẽ gánh thêm 4 triệu đồng tổng nợ công.
“Tổng nợ công” được hiểu bao gồm vay nợ trực tiếp của Chính phủ, vay nợ của chính quyền địa phương và các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh.
Theo số liệu cập nhật gần đây của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2015 bằng 62,2% GDP. So với con số GDP cập nhật của Tổng cục thống kê năm 2015, con số tổng nợ công tuyệt đối của Việt Nam vào cuối năm qua là hơn 2,6 triệu tỷ đồng.
Trong một báo cáo chuyên đề tháng 8/2016 về nợ công Việt Nam thì ước tính nợ công có thể đạt 64,4% GDP vào cuối năm nay, qua đó sẽ áp sát mức trần nợ công Quốc hội cho phép đến năm 2020.
Tổng số nợ sẽ tăng thêm 385.375 tỷ đồng, đạt gần 3 triệu tỷ đồng. Chia trung bình, từ giờ đến cuối năm, mỗi người Việt sẽ gánh thêm hơn 4 triệu đồng nợ công nữa.
Kết quả này được tính từ quyết định số 1011/QĐ-TTg về kế hoạch vay, trả nợ cho đến hết năm 2016 do Thủ tướng chính phủ ban hành. Theo quyết định này, Chính phủ dự định sẽ vay thêm 452.000 tỷ đồng để trang trải cho nợ nần. Trong đó, số tiền trả cho vay đảo nợ là 95.000 tỷ đồng và trả cho bảo lãnh là hơn 85.000 tỷ đồng.
Có thể nói, áp lực gia tăng tổng nợ công đến từ nhiều nguồn. Ngoài phát sinh do thâm hụt ngân sách, nợ công tăng còn có thể do các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của Chính phủ, do các khoản Chính phủ đi vay để cho vay lại và các khoản bảo lãnh của Chính phủ.
Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách vẫn là tác nhân chính dẫn đến nợ công. Con số dư báo cho năm 2016 này cho thấy nợ công gia tăng do thâm hụt ngân sách có thể lên đến 197.350 tỷ đồng, chiếm đến 51% tổng áp lực ròng gia tăng tổng nợ công.
Con số có thể cao là vậy nhưng các nhà phân tích nhận định rằng tình hình có thể lạc quan hơn nếu như mức tăng trưởng GDP 6.3% hoặc 6,5% được nhắc đến trong kết quả phiên họp thường kỳ Chính phủ vào tháng 7 vừa qua thành hiện thực.
Nếu những con số này là sự thật, tỷ lệ nợ công/GDP có thể thấp hơn vào cuối năm 2016, bằng 64,1% (với tăng trưởng 6,3%) hoặc 63,9% (với tăng trưởng 6,5%). Tuy nhiên, theo truyền thống các năm là thâm hụt ngân sách trên thực tế thường cao hơn so với dự toán, tỷ lệ nợ công/GDP vẫn có thể vượt trần cả khi hai kịch bản kinh tế trên có thể xảy ra.
Được biết, nhờ thực việc thực hiện tốt kế hoạch huy động vốn trên thị trường trái phiếu, Chính phủ có thể sẽ có thế chủ động trong kế hoạch vay nợ trong năm nay. Tuy nhiên, ngay cả khi đó thì theo quyết định 1011, Chính phủ vẫn cần huy động thêm tổng cộng tới 86.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm xã hội và tổng công tỷ đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).