Từ FTA nghĩ về đặc khu

07/06/2018 17:21 PM | Kinh tế vĩ mô

Quốc hội đang có nhiều ý kiến về Dự án Luật các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) mà theo các đại biểu Quốc hội: phải coi đặc khu là "phòng thí nghiệm" về thể chế.

Thể chế không chỉ là ưu đãi mà còn là mô hình tổ chức, vận hành và... minh bạch. Tuy vậy, theo TS Phạm Sỹ Thành, cần so sánh mô hình phát triển của đặc khu với các FTA thế hệ mới.

Trong bối cảnh những thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là “đặc khu - SEZ”) đang diễn ra tại Việt Nam, có một câu hỏi quan trọng được đặt ra là phải chăng khi môi trường bên ngoài đã thay đổi, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế và có độ mở kinh tế rất lớn - đồng nghĩa với việc thực hiện nhiều hơn các cam kết quốc tế - thì mô hình thí điểm SEZ phải thế nào cho phù hợp? Với kinh nghiệm phát triển của hơn 4000 đặc khu trên thế giới, đa phần các đặc khu đều hướng đến việc: Thứ nhất, sản xuất để xuất khẩu và thứ hai, điểm mấu chốt gây tranh cãi: để thí điểm chính sách mới. Trong bối cảnh bùng nổ các Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương, hai mục tiêu trên có thể đạt được thông qua các SEZ mang tính “làm để thử”.

Khi lợi thế xuất khẩu không nằm ở SEZ

Nghiên cứu năm 2015 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mang tên “Một cái nhìn mới về SEZs ở châu Á” chỉ ra rằng “số lượng các SEZ trong một nền kinh tế có tương quan mạnh mẽ đến hiệu quả của hoạt động xuất khẩu hàng hoá”. Nhưng khi các FTA được ký kết ngày càng nhiều, lợi thế xuất khẩu nhờ ưu đãi trong SEZ không còn nhiều ý nghĩa.

Hãy tưởng tượng một doanh nghiệp chuyển đến đặc khu tại địa phương B, ít nhất hai loại ưu đãi mà doanh nghiệp sẽ nhận được để xuất khẩu là giảm hay miễn thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp có động lực chuyển từ địa phương A sang địa phương B để hưởng ưu đãi. Nhưng khi hai doanh nghiệp sản xuất cùng một hàng hoá từ hai địa phương A và B cùng xuất khẩu sang một nước thì mức thuế nhập khẩu mà hai doanh nghiệp đó phải chịu là như nhau. Do đó, SEZ đóng vai trò phân bổ lại nguồn lực giữa các địa phương trong một quốc gia nhiều hơn là tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp khi hướng ra thị trường bên ngoài.

Trong khi đó các nỗ lực đàm phán FTA đã đem lại cho Việt Nam một mức thuế nhập khẩu hàng hoá bị áp thấp hơn khi chưa có FTA - miễn là chứng minh được xuất xứ (C/O). Tức là FTA đem lại lợi ích cho mọi doanh nghiệp - điều mà SEZ không đem lại được. Cho đến nay Việt Nam đã “có được” 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều hơn cả số FTA của Trung Quốc. Nhưng tỷ lệ tận dụng lợi ích từ FTA của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp, chỉ dao động từ 30 – 50%. Vì vậy, nếu cần làm gì để thúc đẩy xuất khẩu thì Việt Nam cần tập trung cải thiện tỷ lệ tận dụng FTA chứ không nhất thiết phải xây dựng thêm SEZ... SEZ có thể khiến nguồn lực của Việt Nam chạy từ nơi đáng lẽ cần được tập trung sang các nơi thiếu thuyết phục, gây lãng phí.

Các ưu đãi không cần thiết tạo thêm bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước

Để đón “phượng hoàng” về, Việt Nam đang phải hy sinh quá nhiều ưu đãi, trong đó có những ưu đãi quá mức, không cần thiết. Chẳng hạn ưu đãi về thuế. Tại Việt Nam, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp có vốn FDI chiếm tới 45,9% lợi nhuận toàn bộ các loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp này lại đóng số thuế thấp nhất (theo số liệu Tổng cục thống kê công bố tháng 2/2017, Việt Nam). Vấn đề của Dự luật đặc khu là dường như Việt Nam đang phải trả những cái giá quá lớn (ưu đãi thuế, đất đai, ý nghĩa địa chính trị của vùng đất) cho những lợi ích vừa vừa khiêm tốn vừa chưa rõ ràng.

Vì vậy, trong một báo cáo mới nhất, Oxfam đã khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ cẩn trọng xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế (từ điều 40 đến điều 43) của dự thảo về đặc khu, với ba lý do sau: Thứ nhất, các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo là không cần thiết. Thứ hai, các chính sách ưu đãi thuế có thể làm trầm trọng hóa vấn đềthất thu thuế từ hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp. Thứ ba, các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo luật đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận (profit-based incentive) mà nhiều quốc gia đang phát triển đã không sử dụng nữa.

Sáng tạo thể chế cần được điều phối ở cấp cao nhất

Một mục tiêu quan trọng là đặc khu sẽ là nơi thí điểm các chính sách đột phá để đi đến mục đích cuối cùng là có một thể chế ưu việt hơn các địa phương khác. Có nhiều điểm cần xem xét kỹ. Trước hết, ba đặc khu hành chính - kinh tế cấp Huyện liệu có phải là cấp hành chính phù hợp để thí điểm các chính sách đột phá, và cấp đơn vị tương đương cấp huyện như vậy thì đột phá được mạnh dạn đến đâu? Hay như việc tuân thủ luật quốc tế có xung đột với việc tạo biệt đãi trong nước hay không? Khu thương mại tự do (FTZ) Thượng Hải (Trung Quốc) là không thành công trong việc muốn tạo ra các đột phá cải cách mang tính cấu trúc mà lại gò bó vào một địa hạt nhỏ bé - mặc dù Thượng Hải là thành phố thuộc trung ương.

Những gì mà Trung Quốc đang cố gắng làm để cải cách các lĩnh vực mang tính nền tảng và tạo ra đột phá mạnh mẽ là dựa vào một cấu trúc quyết sách hoàn toàn khác trước. Từ năm 2012 - 2017, Trung Quốc thiết lập thêm 29/83 Tiểu ban lãnh đạo (LSG) cho mọi lĩnh vực. Chỉ trong vòng 3 năm, hai LSG quan trọng nhất về cải cách kinh tế đã ban hành 286 văn bản cải cách - nhiều hơn bất kỳ số đề xuất chính sách của một SEZ hay FTZ nào tại Trung Quốc đưa ra. Rõ ràng, để có đột phá, cần có sự điều phối với sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ ở trung ương.

Mô hình phát triển: hãy nghĩ mà xem

Khi thảo luận về bài học thất bại trong chuyển đổi kinh tế của Đông Âu với kinh nghiệm thành công của Trung Quốc và Việt Nam, các nhà kinh tế như G.Roland đã chú ý đến ba yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa hai bên. Đó là tốc độ chuyển đổi là theo liệu pháp sốc hay thí điểm; độ lớn của chuyển đổi là mọi lĩnh vực đều làm hay chỉ làm một số lĩnh vực; độ sâu của chuyển đổi là làm triệt để hay chỉ làm một phần. Nếu nhìn vào mô hình SEZ, sẽ thấy rằng chúng tương phản mạnh mẽ so với FTA (nhất là FTA thế hệ mới) về cả ba chiều kích này. Câu hỏi không phải là, cách làm như SEZ còn khả thi không mà điều quan trọng hơn cả, hãy tìm kiếm những cơ hội từ FTA để phát huy những tiềm năng riêng có của SEZ.

Tìm cơ hội hoàn thiện thể chế

Theo kinh nghiệm của các nước, đặc khu phải là "phòng thí nghiệm thể chế" để đưa ra áp dụng những thể chế mới mà chưa có điều kiện áp dụng rộng rãi cho toàn quốc. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, thể chế mới mà Việt Nam muốn thí nghiệm ở đây là gì? Trong bối cảnh Việt Nam đang cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật để thích ứng với những cam kết trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đã có.

Nhiều cam kết trong Hiệp định đối tác và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTAs và hiệp định khác đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi Luật cho phù hợp với các hiệp định này. Có những hiệp định, Việt Nam phải thực hiện các cam kết ngay lập tức, nhưng có những hiệp định tạo điều kiện Việt Nam thực hiện các cam kết cuối cùng, sau 10 năm. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện nói chung bắt đầu ngay khi các hiệp đình này đi vào thực hiện. Ví dụ như CPTPP, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua, Newzealand cũng chuẩn bị thông qua, khả năng 6 nước thông qua thực hiện CPTPP trong năm nay là rất cao. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng sớm đi vào thực hiện.

Khi tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng mới. Lợi ích đầu tiên đó là cơ hội mới cho phát triển xuất khẩu. Như với AEC, các doanh nghiệp, hàng hoá của Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường của cả 10 nước ASEAN với 620 triệu người tiêu dùng. Hay như Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ giúp nâng mức tăng xuất khẩu lên 21%/năm, giúp xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong năm 2020 tăng thêm 16 tỉ USD so với trường hợp không có EVFTA. Cho đến nay, 70% nhập khẩu của Việt Nam đến từ khu vực Đông Á và hơn 50% xuất khẩu là vào khu vực này. Trong khi đó, xuất khẩu lại là động lực chính của tăng trưởng GDP. Vì vậy, Việt Nam có nhu cầu cân bằng lại thị trường, dẫn đến việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, Liên minh Hải quan và Hoa Kỳ.

Đặc biệt, các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế theo hướng cải thiện cơ chế điều hành kinh doanh, tạo ra một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới, thuận lợi, thông thoáng hơn, minh bạch hơn và dễ dự đoán hơn trước đây. Việc hoàn thiện môi trường kinh doanh, kết hợp với những cơ hội mới được mở ra trên thị trường xuất khẩu sẽ giúp thúc đẩy một yếu tố nữa không kém phần quan trọng là đầu tư, cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài, giúp tạo ra năng lực sản xuất mới cho doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng GDP tốt hơn.

Không chỉ thế, với những tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử bình đẳng, các FTA thế hệ mới như FTA với Liên minh Châu Âu, với các nước TPP, sẽ giúp Việt Nam kiện toàn hơn nữa bộ máy nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc – VEPR (VCES)

Cùng chuyên mục
XEM