Tư duy cũ đang hạn chế sáng tạo

20/04/2019 16:01 PM | Xã hội

Dù các chỉ tiêu kinh tế đạt được trong quý I/2019 là rất khả quan nhưng Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là trong kinh tế vĩ mô từ quý II cho đến hết năm 2019.

Dự báo trên được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại hội thảo "Kinh tế vĩ mô Việt Nam kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định", tổ chức ngày 19-4 ở Hà Nội.

Bước nhanh nhưng mỗi bước quá ngắn!

Bức tranh tổng quan nền kinh tế trong quý I được đánh giá là khởi sắc khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,79%. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 10,8 tỉ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ những năm gần đây. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 58,86 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ 2018. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM), cho biết tình hình sản xuất - kinh doanh quý I của các doanh nghiệp (DN) chế biến, chế tạo đã giảm sút trong những tháng vừa qua, gây ra không ít lo lắng.

Quý I/2019 chứng kiến 14.761 DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn, cao hơn 20,8% so với năm ngoái. Đây là con số được TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đưa ra và đặt câu hỏi tại sao Chính phủ, các bộ - ngành cắt giảm thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh mà số lượng DN đóng cửa vẫn nhiều như vậy? Ông Cung cho rằng đây là điểm bất hợp lý, cho thấy sự mâu thuẫn, giữa chính sách và thực tiễn hoạt động của DN là khác xa nhau. Cải cách hành chính chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho DN, đặc biệt khối DN vừa và nhỏ.

Ông Cung dẫn chứng về việc trước đây, thủ tục chuyên ngành phải kiểm tra trước khi thông quan, nay chuyển sang sau thông quan. Tuy nhiên, kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, cán bộ còn có áp lực để thúc đẩy giải quyết nhanh, tránh tồn đọng. "Bây giờ kiểm tra chuyên ngành sau thông quan, ít áp lực hơn nên cán bộ làm các thủ tục chuyên ngành chậm hơn, DN gặp khó hơn" - ông Cung nhận định và khẳng định phải có một "cú hích" thật lớn thì những cải cách về chính sách mới đi vào thực tiễn.

TS Nguyễn Đình Cung nhận định vẫn chưa có các ngành kinh tế mới, sản phẩm mới để thúc đẩy tăng trưởng, tạo giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế là do những hạn chế về chính sách, cách điều hành, quản lý. Theo ông, tư duy cũ đang hạn chế sự sáng tạo khi phải "làm theo quy định, tiến theo quy trình", chưa phát huy được các nguồn lực.

Ông Nguyễn Anh Dương đánh giá tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện. "Ngay cả với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hướng dẫn và sửa đổi luật liên quan còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và DN kỳ vọng khá nhiều" - ông Dương nói.

GS-TS Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng vừa qua Việt Nam đã có những cải cách về hành chính, thể chế, môi trường kinh doanh nhưng chưa triệt để. "Trước đây, chúng ta đã từng tụt hậu nhưng cố gắng vươn lên. Bây giờ, không bứt phá sẽ tụt hậu lần thứ hai. Khác với các nước, chúng ta bước khá nhanh nhưng mỗi bước đi lại quá ngắn" - ông Thái đánh giá.

 Tư duy cũ đang hạn chế sáng tạo  - Ảnh 1.

Môi trường kinh doanh vẫn chưa thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp

Sức ép từ giá xăng dầu

Trong những quý tiếp theo của năm 2019, CIEM dự báo chỉ số tiêu dùng (CPI) có thể chịu áp lực tăng từ các yếu tố, chẳng hạn điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế và tăng lương tối thiểu vùng...

Theo ông Nguyễn Anh Dương, những diễn biến khó lường về giá xăng dầu thế giới, giá điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ tháng 3 cùng với những bất lợi từ thị trường trong nước do yếu tố dịch bệnh (dịch tả heo châu Phi)… có thể tác động đến mặt bằng giá chung, gây sức ép lên lạm phát. Đặc biệt, nếu tính cả 2 kỳ điều hành gần đây nhất, giá xăng đã tăng tới 17%.

Ở quý I, CPI bình quân tăng 2,63%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng do giá điện tăng vào cuối tháng 3 nên chưa tác động ngay đến CPI như báo cáo nêu.

CIEM cũng đưa ra nhiều cảnh báo về việc hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật nhiều hơn ở thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP. Bên cạnh đó, thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa - chính trị…, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn vào - ra Việt Nam. CIEM dự báo mức tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 đạt 6,88%, trong đó tăng trưởng xuất khẩu ở mức 9,02%, thặng dư thương mại quanh mức 3,1 tỉ USD và mức tăng giá tiêu dùng cả năm khoảng 3,71%.

Kỷ luật hành chính chưa nghiêm

Báo cáo của CIEM chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến kết quả cổ phần hóa DN nhà nước không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có vướng mắc về thủ tục đất đai và tài chính. Bên cạnh đó là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch cổ phần hóa. Việc thực thi kỷ luật hành chính chưa nghiêm và cơ chế xử lý vi phạm không rõ ràng dẫn đến việc cổ phần hóa còn nhùng nhằng, kéo dài.

Theo Minh Chiến

Cùng chuyên mục
XEM