Từ đế chế gần 1.000 tiệm nail của người Việt tại Mỹ, đến giấc mơ đưa thợ cắt tóc Việt chinh phục quý ông thế giới!

28/11/2018 08:07 AM | Kinh doanh

Câu chuyện của "ông hoàng ngành nail" Charlie Tôn Quý - doanh nhân gốc Việt sở hữu gần 1.000 tiệm nail trên đất Mỹ đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. "Tôi thấy người Việt khá có lợi thế trong những bộ môn cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Ngoài nail thì người Việt có thể làm gì?", Nguyễn Huy Hoàng băn khoăn, rồi anh chọn ngành cắt tóc. Xingkeduo - một startup cắt tóc tại Trung Quốc với số lượt cắt/tháng chưa bằng phân nửa 30Shine mới đây đã huy động vốn series B thành công với 14 triệu USD…

Lần đầu tiên Việt Nam có một thương hiệu cắt tóc nam xây dựng thành chuỗi và ôm giấc mơ tiến ra thị trường nước ngoài. Chuỗi 30Shine do Nguyễn Huy Hoàng giữ cương vị đồng sáng lập kiêm CEO đã tiến đến con số 52 cửa hàng trong tháng 11 và lên kế hoạch tiến sang thị trường láng giềng vào cuối năm sau.

52 cửa hàng, 1.700 nhân viên, đón 250.000 lượt khách/tháng tính đến năm 2018 là những con số khá ấn tượng của một startup cắt tóc nam ở đất nước mà GDP/người chỉ ở mức xấp xỉ 2.400 USD/năm.

Khi đức tính khéo léo, tỉ mỉ của người Việt chinh phục thị trường nail nước Mỹ

Từ đế chế gần 1.000 tiệm nail của người Việt tại Mỹ, đến giấc mơ đưa thợ cắt tóc Việt chinh phục quý ông thế giới! - Ảnh 1.

Charlie Tôn Quý sở hữu hơn 900 tiệm mang thương hiệu Regal Nails, được tôn là "ông hoàng ngành nail".

"Tôi thường xuyên nhận được câu hỏi tại sao lại chọn ngành này? Và tại sao chọn ngành tóc để làm chuỗi?", Hoàng chia sẻ.

Hoàng cho biết anh được truyền cảm hứng từ câu chuyện kinh doanh của những người Việt làm nghề nail trên đất Mỹ.

"Tôi được biết phải đến 95% người làm nail ở Mỹ là người Việt, tức người Việt độc chiếm hoàn toàn ngành nail ở Mỹ với số lượng tham gia đâu đó lên đến 400.000 người", Hoàng kể.

Ngành cắt tóc ở nước bạn "không ăn thua" được với các thợ Việt Nam ở mọi phương diện: Chất lượng không bằng, công nghệ cao nhất mới chỉ dừng lại ở bảng Excel, trong khi giá cao hơn nhiều lần

Trong đó, người được tôn là "ông hoàng ngành nail" - Charlie Tôn Quý sở hữu hơn 900 tiệm mang thương hiệu Regal Nails, chiếm 1,5% thị phần của thị trường nail 20 tỷ USD trên đất Mỹ, theo công bố trên Doanh nhân Sài Gòn vào tháng 8/2017.

Doanh nghiệp của doanh nhân gốc Việt này từng được cố TS. Alan Phan nhận xét rằng: "Mức lời của công ty dịch vụ thường cao gấp đôi công ty sản xuất nên nếu Regal Nails niêm yết trên sàn HOSE, đây sẽ là một cổ phiếu blue chip "hot" nhất vì lý do thứ hai: Regal Nails gần như không có nợ".

"Có vẻ như người Việt mình khá có lợi thế trong những ngành nghề đòi hỏi sự khéo léo, tận tâm, tỉ mỉ. Ngoài nghề nail thì người Việt còn có thể làm gì?", Hoàng tự vấn. Và rồi Hoàng lựa chọn ngành cắt tóc nam.

Bản thân các đồng sáng lập cũng khảo sát thị trường ở nhiều nước và đi đến kết luận rằng: Ngành cắt tóc ở nước bạn "không ăn thua" được với các thợ Việt Nam ở mọi phương diện: Chất lượng không bằng, công nghệ áp dụng cao nhất mới chỉ dừng lại ở bảng Excel, trong khi giá cao hơn gấp nhiều lần.

"Với đặc tính khéo léo của người Việt, cắt tóc là một hướng phát triển doanh nghiệp bền vững. Hơn nữa, lựa chọn ngành này, startup có thể vươn ra nước ngoài. Trong khi ở chiều ngược lại, khó có chuyện doanh nghiệp nào của Mỹ có thể xâm nhập vào cạnh tranh tại thị trường Việt Nam", Hoàng phân tích.

Nhật có QB House, Trung Quốc có Xingkeduo, Việt Nam có 30Shine!

Từ đế chế gần 1.000 tiệm nail của người Việt tại Mỹ, đến giấc mơ đưa thợ cắt tóc Việt chinh phục quý ông thế giới! - Ảnh 3.

Một cửa tiệm QB House tại Singapore. Ảnh: Nikkei.

Nhắc đến ngành cắt tóc phải kể "đế chế 10 phút" QB House của Nhật Bản với hơn 640 tiệm trải dài trên 5 quốc gia. QB House là viết tắt của từ Quick Beauty House với châm ngôn hoạt động được đưa vào cả logo - chỉ cắt tóc trong 10 phút, với giá ban đầu chỉ 1.000 yen, tương đương một tô phở.

Reuters cho biết, tháng 6/2017, doanh nghiệp 22 năm tuổi của Nhật Bản đã tiến sang Mỹ sau khi phủ sóng tại Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và Hongkong. Sau 17 tháng tiến quân sang Mỹ, QB House đang bước những bước đầu dè dặt với 3 cửa tiệm, giá công khai ở mức 20 USD/lần cắt.

Xingkeduo ít tên tuổi hơn, là một startup tại Trung Quốc sở hữu chuỗi 100 cửa tiệm cắt tóc. Xingkeduo ra đời năm 2015 bởi sáng lập viên người Hongkong Vincent Wong, hoạt động với mô hình tương tự QB House - doanh nghiệp đang sở hữu 56 cửa hàng tại Hongkong kể từ khi tiến vào lãnh thổ này năm 2005.

Theo Deal Street Asia, Xingkeduo mới đây đã huy động vốn thành công series B với số vốn 14,4 triệu USD. Startup này hiện đang đón 100.000 lượt khách/tháng, chưa bằng phân nửa của startup cắt tóc Việt Nam 30Shine.

Từ đế chế gần 1.000 tiệm nail của người Việt tại Mỹ, đến giấc mơ đưa thợ cắt tóc Việt chinh phục quý ông thế giới! - Ảnh 4.

"Chúng tôi tin mình sẽ thành công", Bùi Quang Hùng - Giám đốc Marketing của 30Shine - khẳng định. Hùng phân tích, QB House và Xingkeduo nhắm tới 2 yếu tố cơ bản trong ngành dịch vụ cắt tóc là Nhanh và Rẻ.

Trong khi đó, mô hình cắt tóc Nhanh và Rẻ ở Việt Nam đã tồn tại từ bao đời nay bên… gốc cây vỉa hè. Một loạt bác thợ với đồ nghề vẻn vẹn có gương, ghế nhựa, lược - kéo - tông đơ là những "QB House Việt Nam" với mức giá chỉ 3 chục ngàn đồng. Với mức giá Việt Nam ấy, nếu một doanh nghiệp cắt tóc nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường này mà chỉ nhắm tới tiêu chí Nhanh và Rẻ, trừ phi "phá giá" xuống 20.000 đồng/lần cắt mới mong cạnh tranh được với các bác thợ Việt, trong khi đó về độ khéo léo, tinh tế, chưa chắc đã bằng.

Thực tế, Hoàng cho biết đã có một mô hình nước ngoài tương tự như vậy thâm nhập vào TPHCM, với mức giá đưa ra là 88.000 đồng/lần cắt nhưng đã thất bại và rời khỏi thị trường vài năm trước.

30Shine nhắm tới những giá trị khác. Một mặt, ứng dụng công nghệ trong quản trị và phục vụ, với các công cụ đặt lịch hẹn, xem lại lịch sử cắt tóc, đánh vào tâm lý "cắt cho anh kiểu cũ" của khá nhiều khách nam hiện nay. Một mặt, liên tục cập nhật các kiểu tóc thời trang trên thế giới với cộng đồng thợ cắt tóc đông đảo gần 1.000 thợ. Hiện 30Shine đón trung bình 250.000 lượt khách/tháng, 86% trong số đó là khách quen.

Từ đế chế gần 1.000 tiệm nail của người Việt tại Mỹ, đến giấc mơ đưa thợ cắt tóc Việt chinh phục quý ông thế giới! - Ảnh 5.

Tính trung bình, chuỗi 30Shine đón 250.000 lượt khách/tháng.

Từ đế chế gần 1.000 tiệm nail của người Việt tại Mỹ, đến giấc mơ đưa thợ cắt tóc Việt chinh phục quý ông thế giới! - Ảnh 6.

"Nhiều người nghĩ ngành này không làm chuỗi được, nhưng chúng tôi cho rằng người Việt vốn có lợi thế về tính khéo léo. Nghề nail ông Charlie còn mở 900 cửa hàng được, mà nail đâu khác tóc, có lý gì mình lại không làm được? Tôi rất có niềm tin mình sẽ làm tốt".

"Dự kiến cuối năm 2019, 30Shine sẽ đạt 100 cửa hàng ở Việt Nam, đồng thời thử tiến sang thị trường Indonesia", Hoàng chia sẻ.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM