Từ chuyện Quảng Nam hụt thu ngân sách 3.000 tỷ đến những "ông lớn" tư nhân tác động đến nền kinh tế Việt Nam ra sao?

07/07/2017 09:33 AM | Kinh tế vĩ mô

Ô tô Trường Hải sụt giảm lượng bán, ngân sách tỉnh Quảng Nam 6 tháng đầu năm hụt 3.000 tỷ đồng và dù làm nhiều cách thì tỉnh cũng không thể bù đắp được khoản hụt đó. Nhưng cũng từ câu chuyện đó, nhiều người có thể nhìn rõ hơn vai trò của những tập đoàn tư nhân lớn như Trường Hải, Vingroup, Masan... với nền kinh tế Việt Nam.

Khi ông lớn hắt hơi, địa phương cảm cúm

Đại diện tỉnh Quảng Nam mới đây đã chia sẻ nguy cơ hụt thu ngân sách tỉnh lên đến 3.000 tỷ đồng do lượng ô tô bán ra của Trường Hải (Thaco) - doanh nghiệp lớn trên địa bàn không như kế hoạch.

Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2017, mỗi tháng Thaco bán ra khoảng 5.000 xe nhưng kể từ tháng 3, lượng xe giảm còn 4.000 rồi xuống còn 3.000 chiếc.

Dự báo cũng cho thấy từ giờ đến cuối năm, số xe bán ra tiếp tục giảm do tâm lý của người tiêu dùng chờ đợi thuế suất về 0% vào năm 2018 mới mua xe.

Do đó, số tiền mà Thaco nộp ngân sách 6 tháng năm 2017 chỉ khoảng 6.700 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch (trong kế hoạch là 9.600 tỷ đồng). Điều này khiến cho ngân sách tỉnh hụt khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đại diện tỉnh cho biết dù có thực hiện các phương án điều chỉnh thu gồm: tăng thu các khoản khác kết hợp với tiết kiệm chi ngân sách thì vẫn thiếu 1.600 tỷ đồng ,tức không bù đắp được phần khuyết thiếu do Thaco để lại.

Năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ước đạt 19.450 tỷ đồng, riêng Thaco đóng góp 14.500 tỷ đồng, chiếm 74,6%.

Trên thực tế, Quảng Nam không phải là địa phương duy nhất mà mỗi biến chuyển của 1 – 2 ông lớn có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế địa phương.

Năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt hơn 6.600 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay của địa phương. Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong số thu ngân sách, sản phẩm chủ lực có thế mạnh đóng góp là ô tô của Tập đoàn Hyundai Thành Công.

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Tập đoàn Thành Công luôn là đơn vị đứng top đầu trong nộp ngân sách của tỉnh. Từ khi được triển khai xây dựng từ cuối năm 2007 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn), đơn vị này đã tạo dựng việc làm cho gần 8.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tư nhân đang dần thể hiện được tiếng nói

Mặc dù sự ảnh hưởng của Trường Hải (Thaco) đối với tỉnh Quảng Nam là đáng tiếc về ngân sách nhưng nó cho thấy sức mạnh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Như chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhận xét, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang hoạt động hiệu quả, ngày càng mang tầm vóc lớn, có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trường Hải, Vingoup, Vinamilk, Masan... là những cái tên được bà dẫn ra.

Chuyên gia Chi Lan cho rằng thành công của khối doanh nghiệp này nói chung và từng doanh nghiệp lớn này nói riêng sẽ có vai trò đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển cùng.

"Đó chính là cách tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển, đất nước thực sự cần những tập đoàn như vậy", bà nói.

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2005 – 2015, kinh tế tư nhân Việt Nam có mức tăng trưởng cao, từ mức doanh thu chỉ là 343.883 tỷ đồng năm 2005 đã tăng thành 1.202 triệu tỷ đồng.

Còn báo cáo của Vietnam Report 2016 cho biết trong bản xếp hạng 1.000 nộp thuế lớn nhất tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp tới gần 30% của 90.000 tỷ đồng.

Ví dụ, trong năm 2016, Tập đoàn Hòa Phát đạt 33.885 tỷ đồng doanh thu và 6.606 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 34% và 89% so với năm 2015, vượt tương ứng 21% và 106% kế hoạch năm 2016, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 3.435 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2015 và nằm trong Top 30 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Hay như Vingroup, với khởi đầu làm bất động sản, sau đó phát triển các dịch vụ thương mại bán lẻ, giáo dục, y tế… tạo thành một tập đoàn tư nhân kinh doanh đa ngành. Trong năm 2016, Vingroup đã nộp ngân sách nhà nước 6.187 tỷ đồng tiền thuế, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp là 2.265 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 3.208 tỷ đồng, các loại thuế khác là 714 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 đã khẳng định, thực tiễn sau 30 năm tổi mới, xu hướng hiện nay đã chứng minh một cách thuyết phục kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, Chính phủ khuyến khích và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tuyên bố và hành động sau đấy của Thủ tướng đã luôn nhất quán, vì sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, giúp cho khối này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo N Dương

Cùng chuyên mục
XEM