Từ chỗ chỉ biết copy, Trung Quốc đã tiến bước trở thành cường quốc công nghệ như thế nào?

27/05/2019 10:00 AM | Công nghệ

Từ chỗ một kẻ sao chép, Trung Quốc đang trở thành một cỗ máy sáng tạo toàn cầu, khiến nhiều công ty toàn cầu học tập từ họ.

Cách đây không lâu, Trung Quốc thường được xem như một bí ẩn trong mắt các quỹ đầu tư mạo hiểm và các doanh nhân. Quốc gia này thường được xem kẻ chuyên đi sao chép công nghệ, vay mượn ý tưởng và sáng tạo từ các công ty khác, không chỉ trong lĩnh vực trò chơi điện tử, mà còn cả mạng xã hội và kiến trúc. Và trong vòng kìm kẹp chặt chẽ của Nhà nước, không gian công nghệ Trung Quốc thường bị bên ngoài xem như thiếu hệ sinh thái để phát triển.

Tuy nhiên, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các doanh nhân lại xem Trung Quốc như một cơ hội hồi sinh cho họ.

Theo một báo cáo gần đây của New York Times, khoảng cách công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thu hẹp lại đáng kể, khi Trung Quốc củng cố vị thế của mình như một lãnh địa công nghệ toàn cầu.

Nếu bạn chưa tin vào điều đó, cứ nhìn qua danh sách Midas List (danh sách của Forbes về các nhà đầu tư mạo hiểm thành công nhất) của năm nay sẽ thấy. Một con số kỷ lục các nhà đầu tư Trung Quốc đã lọt vào danh sách này, và 6 trong số 10 thương vụ đầu tư kỳ lân hàng đầu giúp thúc đẩy giá trị của các nhà đầu tư Midas là các công ty Trung Quốc.

Rõ ràng, ngành công nghệ và các quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu đang được các công ty Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng điều gì dẫn đến bước chuyển mình của Trung Quốc, để từ một kẻ sao chép trở thành một cỗ máy sáng tạo toàn cầu?

Một thị trường trẻ, đầy năng động luôn nhanh chóng chấp nhận công nghệ mới

Trung Quốc là nhà của một lượng khổng lồ những người tiêu dùng trẻ, trong độ tuổi lao động và đang tăng trưởng nhanh chóng không ngừng. Theo hãng McKinsey, đến năm 2030, người tiêu dùng Trung Quốc dự kiến sẽ đóng góp khoảng 12 cent cho mỗi USD trong chi tiêu của người tiêu dùng thành thị trên toàn thế giới.

Lượng dân số trong độ tuổi lao động không chỉ tăng trưởng nhanh chóng – họ còn là những người đam mê công nghệ. Theo báo cáo của McKinsey, Trung Quốc có 731 triệu người dùng internet trong năm 2016 – nhiều hơn cả Mỹ và châu Âu cộng lại – và 1/5 người dùng internet dùng hoàn toàn trên di động, trong khi đó con số ở Mỹ chỉ là 1/20.

Từ chỗ chỉ biết copy, Trung Quốc đã tiến bước trở thành cường quốc công nghệ như thế nào? - Ảnh 1.

Các thành phố đông đúc của Trung Quốc đã tạo nên tiền đề cho việc phát triển công nghệ.

Mức độ thâm nhập cao của di động khiến người tiêu dùng dễ dàng thử nghiệm và nhanh chóng chấp nhận các sáng tạo mới, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ.

Ví dụ điển hình là lĩnh vực thanh toán di động. McKinsey nhận ra rằng, thanh toán di động đang được sử dụng bởi 68% người dùng internet Trung Quốc - vượt xa so với Mỹ. Việc sử dụng thanh toán di động trên quy mô lớn đã tiếp sức cho thị trường thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, dẫn đầu là các sàn giao dịch như PaiPai của JD.com và Taobao cùng Tmall của Alibaba.

Không chỉ vậy, mật độ dày đặc của các đô thị trung tâm tại Trung Quốc đã mở ra nhiều cơ hội cho một nền kinh tế việc làm tự do mới – hay Gig Economy. Hơn nữa, các đô thị với mật độ cao càng khiến số lượng điểm đến thực tế tương đối thấp so với quy mô dân số, tạo ra nhiều lợi thế kinh tế hơn cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa và dịch vụ.

Từ chỗ chỉ biết copy, Trung Quốc đã tiến bước trở thành cường quốc công nghệ như thế nào? - Ảnh 2.

Nhân viên giao hàng của Meituan-Dianping.

Với mức độ thâm nhập cao của internet trên di động cũng như mật độ của các thành phố tại Trung Quốc, không quá ngạc nhiên tại sao giờ đây Trung Quốc chiếm đến gần một nửa lượng giao dịch thương mại điện tử trên toàn cầu, và di động chiếm đến 70% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử – theo như báo cáo mới nhất của Mary Meeker tại Internet Trends.

Công nghệ Trung Quốc lại khiến thế giới thèm muốn

Sự khao khát công nghệ mới của người dùng Trung Quốc đã kéo theo sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới và phương tiện biểu đạt sự sáng tạo. Cuối cùng trong nhiều trường hợp, điều này đã dẫn tới một nghịch lý: nhiều công ty trên thế giới sau khi bị Trung Quốc sao chép, giờ đây lại lấy cảm hứng từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

WeChat của Tencent và TikTok của ByteDance là hai ví dụ gần đây về việc tạo ra các tính năng vui vẻ, dễ sử dụng kết hợp với khả năng thanh toán và âm nhạc trên mạng xã hội của mình. Những tính năng này đã thành công đến mức chúng buộc người khổng lồ về mạng xã hội trên toàn cầu – Facebook – phải chú ý đến mình.

Gần đây Facebook đã ra mắt Lasso, một đối thủ cạnh tranh của TikTok khi cho phép người dùng tạo ra các đoạn video ca nhạc ngắn, vui vẻ và giới thiệu các tính năng thanh toán mới cũng như một chat bot trong ứng dụng Messenger, tương tự như những đặc điểm của WeChat.

Trung Quốc cũng là người đi tiên phong trong việc vận tải không cảng (dock-less). Ý tưởng từ việc chia sẻ xe đạp của các công ty Trung Quốc như Mobike đã trở thành nguồn gốc cho việc lập nên các công ty chia sẻ xe điện và xe đạp như Bird, Lime và JUMP. Crunchbase ước tính có gần 50 công ty như vậy trên toàn cầu, 8 trong số chúng có trụ sở tại Mỹ.

Tương tự như vậy, mức độ ứng dụng mã QR tại Trung Quốc đã nhanh chóng vượt xa Mỹ vào năm 2013. Mỗi ngày, hàng triệu người tiêu dùng Trung Quốc lại sử dụng mã QR để thuê xe đạp, trả tiền hàng hóa tại các cửa hàng thực, chia sẻ danh bạ liên lạc với bạn bè, và nhiều ứng dụng khác. Nhiều công ty lớn bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả Facebook, Snap, Spotify và Venmo, giờ đây mới áp dụng công nghệ tương tự như vậy.

Từ chỗ chỉ biết copy, Trung Quốc đã tiến bước trở thành cường quốc công nghệ như thế nào? - Ảnh 3.

Thanh toán qua mã QR rất phổ biến tại Trung Quốc.

Không chỉ vậy, các thử nghiệm của Alibaba về tầm nhìn mới về bán lẻ, thông qua các siêu thị Lianhua và cửa hàng bách hóa Intime đã lan ra thế giới. Gần đây Amazon đã có động thái tương tự khi thâu tóm chuỗi cửa hàng Whole Foods và ra mắt các cửa hàng tự động. Những ví dụ khác về việc học tập mô hình của Alibaba còn có các công ty như Warby Parker và Bonobos.

Những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã đóng góp ngược lại cho hệ sinh thái trong nước

Các quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là những quỹ đến từ Mỹ, đang nhìn vào Trung Quốc với con mắt mới mẻ hơn và sẵn sàng mở ví. Nhưng sự tăng trưởng của hệ sinh thái công nghệ ở Trung Quốc phần lớn nhờ vào chính bản thân họ.

Những người sáng lập của hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Ant Financial, Baidu và Tencent đã giúp các công ty trong nước tăng trưởng bằng cách đầu tư vào những startup Trung Quốc đang trên đà mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ mạng xã hội cho đến thương mại điện tử, ví dụ Didi-Chuxing, Meituan-Dianping, NIO và Pinduoduo. Chính họ đã thúc đẩy tổng mức đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc trong năm 2018.

Từ chỗ chỉ biết copy, Trung Quốc đã tiến bước trở thành cường quốc công nghệ như thế nào? - Ảnh 4.

Được sự hỗ trợ từ các ông lớn, Didi Chuxing cuối cùng cũng đánh bật được Uber ra khỏi Trung Quốc.

Các tài năng Trung Quốc cũng gia tăng nhanh chóng, cả trong và ngoài Trung Quốc. Các sinh viên khi học tại Mỹ và nhiều nơi khác đã quay trở lại nước – trong năm 2017, gần 80% sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài trở về nước – và số lượng sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đã tăng từ 1 triệu lên 17 triệu trong hơn 15 năm qua.

Đáng chú ý, chính phủ Trung Quốc đã coi việc phát triển công nghệ Trung Quốc là một chiến lược quốc gia, nhằm tận dụng sự trỗi dậy của các sáng tạo công nghệ. Trong năm 2017, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã phát hành bản "Kế hoạch Trí tuệ Nhân tạo Thế hệ mới", coi việc dẫn đầu trong AI có tầm quan trọng cấp quốc gia.

Kết quả là các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu AI, và các công ty như Toutiao (do ByteDance phát triển) đã tạo ra các nền tảng AI đột phá.

Các công ty công nghệ Trung Quốc được tiếp sức và ưu tiên để IPO

Sự trỗi dậy của những người khổng lồ công nghệ và các yếu tố vĩ mô đằng sau đà tăng trưởng của Trung Quốc trở thành một siêu cường công nghệ, đã thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư mạo hiểm trên toàn thế giới. Và họ cũng sẵn sàng tham gia.

Theo Pitchbook, trong năm 2018 Trung Quốc chiếm đến 30% tổng lượng đầu tư mạo hiểm toàn cầu, so với chỉ 4% trong năm 2013 – và theo McKinsey, Trung Quốc là nhà của 1/3 các kỳ lân công nghệ trên toàn cầu. Trong năm 2018, 5 trên 10 vụ IPO lớn nhất là ở Trung Quốc, so với con số không trong năm 2013. Và theo CB Insights, tổng giá trị tại thời điểm IPO của năm 2018 gấp hơn 7x lần so với năm 2013.

Dòng chảy vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đã giúp thúc đẩy tăng trưởng cho các hãng công nghệ Trung Quốc, để thực hiện hàng loạt thương vụ IPO khổng lồ. Năm ngoái, chứng kiến một loạt thương vụ IPO của các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm iDreamSky, iQiyi Inc, Meituan-Dianping, Mogu, NIO, Pinduoduo, Ping An, dịch vụ stream nhạc của Tencent, Tuanche, Weidai và Xiaomi.

Mặt trái cho tăng trưởng của ngành công nghệ Trung Quốc

Tốc độ phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc đã phá vỡ nhiều kỳ vọng trên toàn thế giới. Nhưng nó không phải không tiềm ẩn nhiều rủi ro bên trong và các mặt trái từ sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường công nghệ.

Từ chỗ chỉ biết copy, Trung Quốc đã tiến bước trở thành cường quốc công nghệ như thế nào? - Ảnh 5.

Phần lớn lo ngại từ những nhà quan sát bên ngoài là sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc đối với tăng trưởng của toàn khu vực. Như báo cáo của New York Times cho biết, mọi thứ tưởng chừng như một cuộc chơi công bằng ở Trung Quốc – chừng nào còn tuân theo ý muốn của chính phủ.

Đối với các công ty công nghệ, điều đó nghĩa là tuân theo các yêu cầu về kiểm duyệt của Nhà nước, cũng như phát triển công nghệ nhận diện gương mặt và công nghệ theo dõi. Thêm vào đó, dù chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đầu tư vốn cho các công ty công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng, tiền của họ luôn đi kèm với ràng buộc nhất định.

Dù sao đi nữa, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại gia tăng Mỹ - Trung Quốc, vẫn cần phải xem các công ty công nghệ sẽ đối phó như thế nào, đặc biệt là những công ty vốn phụ thuộc nặng nề vào mức độ tiêu dùng khổng lồ trong các đô thị Trung Quốc.

Nhưng công bằng mà nói sự trỗi dậy lịch sử của Trung Quốc và rủi ro của nó cũng sẽ là điểm sáng cho các nhà đầu tư và các nhà quan sát ngành công nghệ trong những năm tới đây.

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM