Từ chiếc iPhone 7 đến suy nghĩ trẻ là phải hưởng thụ hết mình của một bộ phận giới trẻ Việt

28/03/2017 15:25 PM | Sống

"Sự thịnh vượng của một thế hệ tương lai tùy thuộc vào những hy sinh của thế hệ hiện tại", ông Kim Woo Chung - nhà sáng lập tập đoàn Daewoo từng chia sẻ.

Chuyện về chiếc iPhone 7

Cầm chiếc iPhone 7 mới cóng trên tay, A hí hửng khoe với cô bạn đồng nghiệp đang đi cùng thang máy. A cũng giống như nhiều cô gái công sở khác có cùng sở thích selfie bằng điện thoại sang chảnh và đều là những thượng đế được cưng chiều của Thế giới di động hay FPT Shop.

Những ông lớn ngành điện máy này còn đưa ra chính sách bán hàng trả góp, lãi suất 0% khi biết A sẵn sàng sở hữu một "em iPhone" gấp đôi mức lương tháng chỉ xấp xỉ chục triệu đồng. Chẳng thế mà năm 2016, iPhone 6 luôn giữ vững vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng của FPT Shop.

Không chỉ dân công sở, nhiều sinh viên chưa có thu nhập cũng muốn chứng minh bằng bạn bằng bè nhờ iPhone. Thậm chí có cậu sinh viên năm nhất sau khi đỗ đại học được bố cho hơn 20 triệu, để vừa mua được xe, vừa giải quyết khâu oai nên quyết định mua iPhone chợ trời.

Nên chẳng lạ khi năm 2015, tờ báo chuyên về công nghệ lớn của Mỹ từng có bài phóng sự phản ánh độ sùng bái iPhone của người Việt. Họ gọi đó là "cơn cuồng iPhone" trong giới trẻ Việt Nam. Trước đó năm 2014, tạp chí Fortune cũng từng xướng danh Việt Nam là thị trường nóng nhất của hãng Apple. Và việc ra mắt iPhone 7 đỏ rực mới đây của Apple hứa hẹn sẽ lại gây bão tại Việt Nam.

"Những chiếc iPhone, iPad được xem là biểu tượng đẳng cấp cao tại Việt Nam đặc biệt là giới trẻ", Ryan Lai, một chuyên gia phân tích công nghệ tại Malaysia nhận định.


Cơn cuồng iPhone trong phóng sự báo Tây. Ảnh: Cnet

Cơn cuồng iPhone" trong phóng sự báo Tây. Ảnh: Cnet

Một phần của hiện tượng này có lẽ đến từ bệnh sĩ của người Việt như câu đúc kết của dân gian "con gà tức nhau tiếng gáy". Nhưng nguyên do khác là sự mở cửa, hội nhập của nền kinh tế.

Điều này cũng từng được nhà sáng lập tập đoàn Daewoo Kim Woo Chung chỉ ra từ cách đây gần 30 năm tại Hàn Quốc. Ông lo lắng về khuynh hướng của một số người, những người với thói quen sống hoang phí mới học được, ứng xử cứ như thể họ sinh ra trong một quốc gia kinh tế phát triển.

Hiện tượng xã hội kèm theo được ông chỉ ra là thanh niên Hàn Quốc lúc bấy giờ dường như không thích từ "hy sinh," và xu hướng này bị ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân phương Tây và một không khí xã hội đòi hỏi một đời sống tốt hơn ngay khi đất nước vừa có dấu hiệu kinh tế cải thiện.

Tuổi trẻ là phải hưởng thụ hết mình?

Có lẽ cũng giống thanh niên Hàn 30 năm trước, giới trẻ Việt ngày nay cũng không thích từ "hy sinh" và thay vào đó là tư tưởng sống tận hưởng hết mình, ưu tiên đời cá nhân theo tư tưởng các nước phương Tây.

Với góc độ là người thế hệ trước, ông từng phê phán gay gắt điều này. Ông cho rằng: Sự thịnh vượng của một thế hệ tương lai tùy thuộc vào những hy sinh của thế hệ hiện tại; trên thực tế, có thể không đạt được thịnh vượng nếu không có sự hy sinh như vậy.

Ở cấp độ cá nhân hơn, hạnh phúc của trẻ em tùy thuộc vào những hy sinh của cha mẹ. Mồ hôi và nước mắt của một thế hệ tạo ra niềm vui cho thế hệ tiếp theo. Vì lẽ đó, những ông bố bà mẹ lười nhác, vô trách nhiệm sẽ góp phần tạo ra tương lai kém tươi sáng cho chính con cái mình.

Điều này đúng với mọi quốc gia thịnh vượng: Sự thịnh vượng được tạo dựng từ những hy sinh của cả một thế hệ. Ông lấy dẫn chứng tinh thần tiên phong hy sinh tồn tại qua nhiều thế hệ trong quá trình tạo dựng nên sự phồn thịnh của nước Mỹ, và Nhật Bản chính là kết quả của những hy sinh trong thời kỳ Phục hưng Minh Trị. Từ đâu nước Anh thành cường quốc? Chính là những người hy sinh bản thân sống như nô lệ trong những xí nghiệp khắc nghiệt thời Cách mạng Công nghiệp.

Ngày nay không hiếm người trẻ tầm 20-30 thường chê bố mẹ hay ông bà mình không biết tận hưởng cuộc sống như họ, theo cách nghĩ của họ gọi là "ki bo". Nhưng hiếm người hiểu rằng họ là những người trải qua thời kỳ bao cấp, khó khăn và hy sinh nhiều để có được thành tựu kinh tế như hiện tại cho thế hệ sau.

Một đứa trẻ hái quả trên cái cây do ông mình trồng. Nếu không có cái cây, không có gì cho đứa trẻ đó hái. Nếu cả một thế hệ chỉ nghĩ cho mình thì còn gì để lại? Câu hỏi này liệu có khiến giới trẻ giật mình nghĩ lại để suy nghĩ nhiều hơn cho thế hệ tương lai của chính họ sau này.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM