Từ chi tiết vụ bố ném con gái xuống sông: Có 1 'công tắc' vô cùng quan trọng ở mỗi người

19/02/2022 09:07 AM | Xã hội

Chuyên gia hàng đầu thế giới về trí thông minh tin rằng "khả năng tự chủ" thậm chí còn quan trọng hơn trí thông minh xuất chúng.

Vụ án Trần Văn Viên (30 tuổi, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) ném con gái 5 tuổi xuống sông Trường Giang khiến bé tử vong đã gây phẫn nộ toàn xã hội. Mặc dù những thông tin ban đầu cho thấy, hành vi này của Viên có thể đã diễn ra trong trạng thái ghen tuông và giận dữ (với vợ), nhưng điều đó không thể biện minh cho sự ác độc của đối tượng.

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an) cũng cho rằng: "Dưới bất cứ một góc độ nào về pháp lý, đạo đức xã hội thì hành vi tàn ác của người bố đó đều không thể chấp nhận được... Hành vi tàn ác của người bố này cần phải bị trừng trị một cách thích đáng với mức án cao nhất".

Từ chi tiết về "cơn nóng giận" nêu trên, nhìn rộng ra ngoài xã hội thì có thể thấy nhiều vụ việc khác đã xảy ra với hậu quả đáng tiếc do đối tượng thực hiện hành vi sai trái khi ở trong trạng thái tâm lý này. Điều đó không có nghĩa kẻ phạm tội có thể biện minh hay thoát tội nhờ "cơn nóng giận" - như trường hợp của Đào Văn Viên nêu trên: Không thể lấy sự "mất kiểm soát cảm xúc" ra biện minh.

Dù vậy, chi tiết "cơn nóng giận" trên cũng gợi ra một vấn đề để cộng đồng quan tâm hơn về một kỹ năng mà đôi khi chúng ta không để ý, một số bậc cha mẹ khi dạy con trưởng thành cũng chưa thật sự thấy rõ tầm quan trọng của việc đó. Đó là kỹ năng làm chủ cảm xúc.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA "LÀM CHỦ CẢM XÚC"

"Làm chủ cảm xúc nghĩa là gì?" là câu hỏi được đặt ra tại một hội nghị liên ngành, tổ chức tại Centre for the History of Emotions (tạm dịch: Trung tâm Lịch sử Cảm xúc), Queen Mary, Đại học London vào tháng 6 năm 2011.

Tại hội nghị, rất nhiều nghiên cứu được đưa ra tập trung vào những người không thể làm chủ cảm xúc của bản thân, đặc biệt là đối tượng nam giới lấy lý do "bạn đời không chung thuỷ" khiến họ mất kiểm soát và rơi vào trạng thái "sương mù đỏ".

Trạng thái "sương mù đỏ" ("red mist") được miêu tả là trạng thái cực kỳ tức giận, bị khiêu khích hoặc kích động mạnh, làm suy giảm khả năng phán đoán hoặc kiểm soát), có thể dẫn đến các vụ án giết người.

Từ chi tiết vụ bố ném con gái xuống sông: Có 1 công tắc vô cùng quan trọng ở mỗi người - Ảnh 1.

Áp phích tại một hội nghị liên ngành mang tên "Mastering the Emotions: Control, Contagion and Chaos, 1800 to the Present Day" (tạm dịch: "Làm chủ cảm xúc: Kiểm soát, lây lan và hỗn loạn, từ năm 1800 đến nay"). Ảnh: sophiapol.hypotheses.org

Con người thường phải đối mặt với cảm giác khó chịu, thất vọng và tức giận khi ở trong mối quan hệ nhiều ghen tuông và nghi ngờ vô cớ. Trong hầu hết trường hợp, chủ thể có thể kiểm soát hành động của mình ở mức độ tương đối; song trên thực tế, có không ít vụ việc như thế này đã kết thúc bằng hành vi bạo lực, thậm chí là để lại hậu quả ảnh hưởng đến tính mạng.

Theo bài viết trên trang Scientific American, bạo lực, dưới mọi hình thức, là một đặc điểm chung của các xã hội loài người trong suốt lịch sử. Có nhiều lý thuyết về các yếu tố nguyên nhân - hệ quả liên quan đến bạo lực, nhưng một trong những lý thuyết phổ biến nhất là "Thuyết căng thẳng chung" (hay General Strain Theory - GST) về tội phạm, do Tiến sĩ Robert Agnew, nhà tội phạm học hàng đầu tại Đại học Emory phát triển.

Theo "Thuyết căng thẳng chung", tội phạm, bao gồm cả tội phạm có hành vi bạo lực, được cho là hệ quả của căng thẳng tâm lý trong cuộc sống. Mất đi một thứ gì đó có giá trị, chẳng hạn như sự nghiệp hoặc hôn nhân, hoặc không đạt được thứ gì đó có giá trị, chẳng hạn như ổn định tài chính hoặc mục tiêu giáo dục đều có thể gây ra căng thẳng.

Căng thẳng cũng có thể là hệ quả của việc các mối quan hệ cá nhân bị rối loạn, tạo ra những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, trầm cảm, lo lắng hoặc tức giận, từ đó rất dễ dẫn đến hành vi phạm tội, đặc biệt là các hành vi bạo lực. Tuy nhiên, rõ ràng điều này không có nghĩa cứ căng thẳng rồi tức giận là sẽ có hành vi phạm tội.

Điểm mấu chốt của "Thuyết căng thẳng chung" là giữa cơn tức giận và hành vi phạm tội có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ với nhau.

Nghiên cứu chỉ ra rằng có một số cảm xúc nhất định có mối liên quan đặc biệt đến hành vi phạm tội. Đó thường là những cảm xúc bản năng có thể dẫn đến đến bạo lực như lòng tự tôn, oán giận, dục vọng, và cả ghen tuông. Tuy nhiên, cảm xúc thường dẫn đến hành vi bạo lực nhất là tức giận.

Từ chi tiết vụ bố ném con gái xuống sông: Có 1 công tắc vô cùng quan trọng ở mỗi người - Ảnh 2.

Hình ảnh Trần Văn Viên (30 tuổi) ném con gái 5 tuổi xuống sông được camera an ninh ghi lại

Theo Tiến sĩ tội phạm học Scott A. Bonn, giận dữ có thể dẫn tới đến nhiều hành vi bạo lực bao gồm giết người, hành hung, cưỡng hiếp, bạo lực gia đình, ngược đãi trẻ em, bắt nạt, tra tấn và thậm chí là khủng bố.

Khi xem xét mối quan hệ giữa việc giết người và tức giận, số vụ do nóng giận rồi dẫn tới giết người diễn ra (hay còn được gọi là ngộ sát tự nguyện) nhiều hơn hẳn số những vụ giết người được thực hiện có tính toán.

Sự khác biệt đáng kể về số vụ án mạng cũng được cho thấy khi xem xét đến yếu tố giới tính của tội phạm. Cũng theo Tiến sĩ Scott A. Bonn, nữ giới có nhiều khả năng phản ứng với căng thẳng dưới dạng trầm cảm hơn trong khi nam giới thường phản ứng mạnh với cơn tức giận.

Hơn nữa, nam giới dường như có xu hướng bộc phát sự tức giận bằng bạo lực thể xác hơn nhiều so với nữ giới. Vì vậy, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà gần 90% tất cả các vụ giết người là do đàn ông gây ra.

ĐIỀU GÌ BIẾN TỨC GIẬN HÀNH ĐỘNG?

Trong hầu hết trường hợp, cơ chế kiểm soát nhận thức, hay dễ hiểu hơn là khả năng làm chủ bản thân chính là "công tắc" để "tắt" (kiềm chế, hóa giải) hoặc "bật" tức biến cơn tức giận thành hành động.

Giáo sư tâm lý xã hội Richard Nisbett của Đại học Michigan, người được coi là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về trí thông minh, từng chia sẻ rằng ông muốn đứa con của mình có khả năng tự chủ nhiều hơn là trí thông minh xuất chúng.

Ông cho rằng tự chủ là chìa khóa để giữ cuộc sống trong tầm kiểm soát, vì bộ não khiến chúng ta nhạy cảm với tất cả các loại tác động từ bên ngoài. Khi xem phim có cảnh bạo lực, hay ngay cả khi chỉ nghe những lời hùng biện bạo lực, khiến chúng ta có xu hướng hành động bạo lực hơn.

Trớ trêu thay, chính những tế bào thần kinh gương (hay neuron gương) giúp chúng ta đồng cảm lại đặc biệt thôi thúc ta phải làm theo những gì người khác làm, trong nhiều trường hợp thì bao gồm cả các hành vi bạo lực.

Từ chi tiết vụ bố ném con gái xuống sông: Có 1 công tắc vô cùng quan trọng ở mỗi người - Ảnh 3.

Trần Văn Viên sẽ phải trả giá đắt cho hành vi đối tượng này gây ra.

Đó là lý do tại sao cơ chế kiểm soát nhận thức đóng một vai trò quan trọng trong việc điều khiển các neuron gương. Cảm xúc lan truyền như virus thông qua quá trình hoạt động của neuron gương, cho dù muốn hay không thì ta đều tiếp nhận cảm xúc từ việc tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Vậy tại sao chúng ta không luôn luôn bắt chước hành động của người khác?

Lý giải được đưa ra là có những hệ thống trong não giúp chúng ta chỉ thầm bắt chước trong suy nghĩ, mục đích là để làm giảm hoạt động của các neuron gương, cho phép chúng ta đồng cảm với những người khác mà không công khai bắt chước họ.

Khoa học thần kinh đã khám phá ra rằng cách hành xử bạo lực do mất kiểm soát xảy ra ở những cá nhân có vấn đề ở cơ chế kiểm soát nhận thức.

Thực ra, họ không gặp bất cứ vấn đề nào với việc kiểm soát cảm xúc, mà chính xác hơn, cơ chế kiểm soát nhận thức của họ có vấn đề, dẫn đến việc thực hiện các hành vi sai trái.

CĂN NGUYÊN CỦA CƠN TỨC GIẬN

Theo quan điểm của Tiến sĩ Scott A. Bonn, nỗi sợ hãi mới thực sự là căn nguyên của mọi cơn tức giận. Trên thực tế, những tội phạm bạo lực nhất ông từng phỏng vấn đều cho thấy là những người có nỗi sợ hãi tiềm ẩn về việc bị bỏ rơi, thua kém người khác, hay sự thất bại.

Trong trường hợp người đàn ông nhẫn tâm ném con gái 5 tuổi xuống sông vì nghi ngờ vợ ngoại tình trong cơn thịnh nộ ghen tuông, cơn thịnh nộ của người đàn ông có thể bắt nguồn từ nỗi sợ hãi bị từ chối, bị bỏ rơi và sự phản bội của bạn đời.

Ví dụ với trường hợp của kẻ giết người hàng loạt khét tiếng David Berkowitz, hay còn được gọi là Son of Sam.

Qua cuộc phỏng vấn với Berkowitz vài năm trước, Scott A. Bonn kết luận rằng Berkowitz đã có cảm giác thiếu thốn và sợ hãi sâu sắc từ thời thơ ấu khi biết rằng mình bị mẹ ruột bỏ rơi và bị cha mẹ nuôi che giấu sự thật đó. Đây được xem là trường hợp điển hình cho việc từ sợ hãi, chuyển hóa thành tức giận rồi đi đến hành vi bạo lực.

Từ chi tiết vụ bố ném con gái xuống sông: Có 1 công tắc vô cùng quan trọng ở mỗi người - Ảnh 4.

Chân dung tên giết người hàng loạt người Mỹ David Berkowitz, kẻ đã nhận tội trong tám vụ xả súng bắt đầu ở thành phố New York vào ngày 29 tháng 7 năm 1976. Ảnh: esquire.com

Chỉ ra nguyên nhân của bạo lực là do tức giận, và tức giận lại bắt nguồn từ nỗi sợ hãi tiềm ẩn không phải là để biện minh hay giảm thiểu tội ác của kẻ giết người hay bất kỳ hình thức tội ác nào.

Ngược lại, con người luôn phải tăng cường cơ chế kiểm soát nhận thức, làm chủ mọi lựa chọn của mình dù trong bất kể trạng thái cảm xúc nào và cần nhận thức rằng chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cho hành động của mình.

Theo Hải Linh

Cùng chuyên mục
XEM