Từ câu hỏi "Bạn chọn tiết kiệm rất lâu, hay vay tiêu dùng để mua ngay điện thoại", sếp FPT Retail vạch chiến lược giúp đem về 1,6 triệu USD mỗi tháng

27/12/2017 10:44 AM | Doanh nghiệp công nghệ

"Nhu cầu mua điện thoại ở Việt Nam bây giờ rất lớn. Thông thường chúng ta sẽ có 2 lựa chọn. Hoặc tiết kiệm rất lâu, rất nhiều để mua một chiếc điện thoại bằng tiền mặt. Hoặc các bạn có thể mua sắm theo hình thức vay tiêu dùng đang rất phổ biến hiện nay. Vậy các bạn sẽ chọn hình thức nào?".

Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu diễn ra ở Hà Nội cách đây không lâu, ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc FPT Retail đã có những chia sẻ liên quan tới chiến lược tăng trưởng của công ty trong 3 năm sắp tới.

Một trong số những chiến lược được ông Việt Anh nhấn mạnh, đó là việc FPT Retail đang triển khai chương trình F.Friends dành cho các công nhân, nhân viên, dân văn phòng, người làm công ăn lương trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Theo ông Việt Anh, F.Friends được gọi là Chương trình bạn đồng hành cùng FPT Shop, mang tới cho khách hàng đặc quyền "tiêu dùng trước, trả tiền sau" - đánh vào nhu cầu vay tiêu dùng đang tăng trưởng rất mạnh tại Việt Nam.

Lãnh đạo FPT Retail cho hay: "Nhu cầu mua điện thoại ở Việt Nam bây giờ rất lớn. Thông thường chúng ta sẽ có 2 lựa chọn. Hoặc tiết kiệm rất lâu, rất nhiều để mua một chiếc điện thoại bằng tiền mặt. Hoặc các bạn có thể mua sắm theo hình thức vay tiêu dùng đang rất phổ biến hiện nay. Vậy các bạn sẽ chọn hình thức nào?".

Do đó, F.Friends ra đời nhằm kích cầu hoạt động mua sắm của người tiêu dùng tại FPT Shop. Nhưng thay vì gọi là "trả góp", phía công ty này đưa ra khái niệm "trả chậm".

Ông Việt Anh lấy ví dụ, thành viên tham gia chương trình F.Friends có thể là bất kì ai - nhân viên nhà máy, xí nghiệp, cán bộ, công nhân viên... miễn là có nhận lương hàng tháng, thì đều có đặc quyền mua sản phẩm, mà không cần trả tiền ngay.

Việc của họ là cầm điện thoại về nhà sử dụng, và kí một thỏa thuận cho phép trừ tiền vào tài khoản lương. Sau một tháng, FPT Shop mới thu tiền. Nhưng không phải là thu toàn bộ giá trị. Ví dụ, một chiếc điện thoại 6 triệu đồng, FPT Shop sẽ thu mỗi tháng 1 triệu, trong vòng 6 tháng. Lãi suất 0%, là do FPT Retail và các đơn vị chịu cho người dùng tiêu dùng.

Từ câu hỏi Bạn chọn tiết kiệm rất lâu, hay vay tiêu dùng để mua ngay điện thoại, sếp FPT Retail vạch chiến lược giúp đem về 1,6 triệu USD mỗi tháng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc FPT Retail

Song hành với đó, FPT Retail còn tung ra chương trình F.Friends Credit - chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua bất cứ các dòng điện thoại, laptop, máy tính bảng, phụ kiện có giá trị từ 3 triệu đồng trở lên tại FPT Shop, sẽ được giảm ngay 2% trên giá niêm yết.

Nhà bán lẻ này sẵn sàng hỗ trợ người tiêu dùng trả góp 0% lãi suất trong 6 tháng, không bị mất phí chuyển đổi trả góp khi thay đổi từ hình thức ghi nợ sang trả góp qua thẻ tín dụng, và đặc biệt là có nhiều phần quà kèm theo.

Ví dụ, khi mua Galaxy S8 Plus tại FPT Shop thông qua F.Friends Credit, khách hàng được giảm ngay 2% trên giá niêm yết 20,49 triệu đồng, trả góp 0% lãi suất với khoản trả trước là 0 đồng, tặng thêm kính Gear VR 2017 New, và được trợ giá đến 8 triệu đồng...

Nói về tiềm năng của chương trình F.Friends, ông Việt Anh cho biết, khoảng 30% doanh thu của FPT Retail đến từ trả góp. F.Friends đã được bắt đầu thử nghiệm từ tháng 10/2016, mất khoảng 3 tháng xây dựng hệ thống quản lý và kết nối ngân hàng, và chính thức tung ra từ tháng 1/2017.

Tới nay, đã có gần 1.700 doanh nghiệp kí hợp đồng F.Friends với FPT Retail, số thành viên đăng kí lên tới gần 200.000 người, cho ra khoảng 20.000 đơn hàng mỗi tháng, doanh thu hàng tháng đạt khoảng 1,6 triệu USD.

Trong đó, đối tác của FPT Retail sẽ là các ngân hàng HSBC, Shinhan Bank, Citibank, Standard Chartered, Sacombank, TP Bank, VIB, Techcombank, VPBank và VietinBank.

Từ câu hỏi Bạn chọn tiết kiệm rất lâu, hay vay tiêu dùng để mua ngay điện thoại, sếp FPT Retail vạch chiến lược giúp đem về 1,6 triệu USD mỗi tháng - Ảnh 2.

Chiến lược F.Friends - bạn đồng hành cùng FPT Shop

Tất nhiên, vị lãnh đạo này không phủ nhận, hoạt động cho vay tiêu dùng luôn tồn tại rủi ro là có nợ xấu. Hiện tại, F.Friends do FPT Retail triển khai đang duy trì nợ xấu khoảng 0,4%.

Giải pháp dành cho nợ xấu mà ông Việt Anh đưa ra, đó là sàng lọc thật kĩ khách hàng tham gia chương trình F.Friends. "Chúng tôi không cho người ta tham gia bừa bãi. Công nợ chỉ dành cho người làm công ăn lương, có việc làm ổn định. Như vậy F.Friends mới lành mạnh", Phó Tổng Giám đốc FPT Retail khẳng định.

Bên cạnh đó, một giải pháp khác cũng được ông Việt Anh chia sẻ, đó là sử dụng phần mềm cài đặt sẵn trên điện thoại để kiểm soát. Nghĩa là, khi người tiêu dùng mua các sản phẩm trong diện F.Friends, sản phẩm sẽ được cài phần mềm. Quá thời hạn trả tiền, máy sẽ bị khóa lại, ngắt kết nối, ngắt quyền sử dụng, buộc người tiêu dùng phải hoàn tất nghĩa vụ tài chính của mình.

Lãnh đạo này kì vọng, triển khai F.Friends có thể giúp đem về 2 triệu thành viên - 2 triệu khách hàng thân thiết, có thu nhập ổn định về cho FPT Retail. Khi đó, nhà bán lẻ này có thể thỏa sức mở rộng sang các ngành hàng, dịch vụ khác, ví dụ như: điện máy, bảo hiểm, hay nói rộng ra là bất kì dịch vụ nào mà người tiêu dùng cần.

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM