Từ 1/8: Trạm thu phí để xe ùn tắc sẽ bị phạt 70 triệu đồng

28/06/2016 09:31 AM | Kinh tế vĩ mô

Nếu đơn vị tổ chức thu phí đường bộ không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng.

Đó là mức phạt được ghi rõ trong Nghị định 46-NĐ/CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8 tới, thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, Khoản 6, Điều 15 của Nghị định quy định phạt tiền từ 8-10 triệu đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ có một trong các vi phạm:

- Để số lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100-150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) từ 750 m đến 1.000 m;

- Để thời gian đi qua trạm thu phí của một ôtô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10-20 phút.

Mức phạt sẽ trong khung từ 10-20 triệu đồng nếu lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí 150-200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng 1.000 m đến 2.000 m; Để thời gian đi qua trạm thu phí của một ôtô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20-30 phút.

Mức phạt từ 30-40 triệu đồng nếu số lượng ôtô xếp hàng chờ hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng hơn 2.000m, thời gian đi qua trạm thu phí của một ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.

Mức phạt từ 50-70 triệu đồng nếu đơn vị tổ chức thu phí đường bộ có các vi phạm nói trên không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí.

Thực tế, thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông dịp cao điểm xảy ra ở nhiều trạm thu phí trên quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân. Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu phải tạm dừng thu phí, mở cổng để phương tiện lưu thông nhanh hơn cho đến khi hết ùn tắc mới tổ chức thu phí trở lại.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tại cuộc họp mới đây về BOT do Bộ Giao thông tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cho hay, do việc thu phí bằng tiền mặt tại các trạm BOT dẫn tới tình trạng ùn tắc.

"Điều này được thấy rất rõ ở tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong thời gian vừa qua khiến xã hội đã có câu: “Thu thì tắc, thả thì tiếc”.

Theo quy định nếu ùn tắc 1 km trở lên, trạm thu phí phải mở cửa, không thu phí để giải phóng phương tiện. Tuy nhiên, quy định này thường không được thực hiện khiến lái xe phải chờ đợi vì phương tiện ùn ứ, tạo nên tâm lý rất bức xúc", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đưa ra những bất cập hiện nay liên quan đến việc đầu tư các dự án BOT. Đó là việc không ít trạm thu phí đặt không đúng vị trí, không theo quy định khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm phải là 70 km.

Thực tế có nhiều trạm thu phí được bố trí quá gần nhau, quá manh mún, người dân và doanh nghiệp không có quyền lựa chọn.

Ông Thanh lấy ví dụ: Tuyến đường Hà Nội - Thái Bình dài 100km phải đi qua 4 trạm, hết 7-8 lít xăng tương đương với khoảng 120.000 đồng nhưng tiền phí một lượt lên đến 150.000 đồng. Tiền phí cao hơn cả tiền xăng xe làm đảo lộn chi phí vận tải.

Từ đó, ông Thanh kiến nghị: "Đối với những hệ thống đường bị xuống cấp, nhà đầu tư nhất định không được thu phí. Tổng cục Đường bộ phải giám sát chặt chẽ việc này. Để mặt đường xuống cấp thì nhà đầu tư phải dừng thu phí trong thời gian bao nhiêu ngày theo quy định hoặc phải bị tước quyền thu phí. Không thể cứ bắt người dân đi đường xấu mà vẫn phải chịu phí cao...".

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM