img
TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 1.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 2.

Giữa tháng 12, lần lượt World Bank và ADB đã đưa ra những dự báo mới, khác với trước đó, cho rằng GDP Việt Nam có thể đạt được 6,7%. Điều này củng cố thêm vào mục tiêu Chính phủ đề ra trước đó.

Phương Ánh
Kiên Trần - Đỗ Mạnh Cường
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ22/12/2017

Nền kinh tế những ngày cuối năm cũng liên tiếp đón nhận các tin vui như thu hút vốn FDI đạt kỷ lục trong 10 năm với việc thu hút 33 tỷ USD (Số liệu Cục đầu tư nước ngoài, tính chung 11 tháng) hay xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt được 400 tỷ USD (số liệu Tổng cục Hải quan) được xem là điều thần kỳ kể từ khi gia nhập WTO 10 năm trước.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, năm 2017 cũng là năm thành công của thị trường chứng khoán. Một loạt các con số được tổng kết bằng "kỷ lục": vốn hoá thị trường kỷ lục, dòng vốn ngoại kỷ lục, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn lên sàn đạt mức kỷ lục... Vì vậy, VN-Index cũng dễ dàng chinh phục mức đỉnh 10 năm.

Với những gì đang diễn ra, bức tranh được vẽ lên đang rất rực rỡ. Nhưng với góc nhìn một nhà nghiên cứu lâu năm, TS. Võ Trí Thành cho rằng cần phải nhìn thẳng thắn, phân tích kỹ từng con số một vì điều kỳ diệu không dễ lặp lại.

Ông đánh giá như thế nào về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2017?

Để duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao và dài hạn, hay còn gọi là tăng trưởng bền vững, thì phải dựa vào tăng năng suất, và đằng sau là sáng tạo, công nghệ, kỹ năng quản trị lao động... Tuy nhiên, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của năm 2017, cơ bản chúng ta vẫn dựa vào các lợi thế vốn có như chi phí lao động hay những lợi thế so sánh khác.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 6.

Điều này phản ánh rất rõ qua động lực tăng trưởng chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu, sự phục hồi lại của nông nghiệp cũng như một số lĩnh vực ngành dịch vụ như du lịch, phân phối bán lẻ.

Mặc dù tăng năng suất lao động có nhích lên, song lưu ý là theo mục tiêu ban đầu thì để đạt được mức tăng trưởng kế hoạch thì tổng vốn đầu tư xã hội trên GDP khoảng 32%. Nay đạt được mục tiêu này nhưng tổng đầu tư xã hội là khoảng gần 34%.

Bên cạnh đó, đúng là năm nay một loạt chỉ số đạt được khá xa so với dự báo như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư FDI hay VN-Index... Một mặt, nó giải thích phần nào khả năng đạt được mục tiêu 6,7% của nền kinh tế; mặt khác, chúng ta cần phải nhìn kỹ xem thực chất nó phản ánh điều gì.  

Theo tôi có ba vấn đề ở đây.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng của Samsung dù vẫn mạnh nhưng đã tăng vọt. Bên cạnh đó, Formosa quay lại sản xuất với 1,5 triệu tấn thép... những điều này không phải là điều bình thường trong kinh doanh, tức nó không phải là điều thường xuyên diễn ra trong nền kinh tế.

Thứ hai, việc tăng trưởng này có liên quan đến chu kỳ kinh tế thế giới. Bởi sau 10 năm, kinh tế thế giới có vẻ đi vào chu kỳ tích cực hơn, dù chưa phải đột phá. Việt Nam với độ mở cao của thị trường nên đã ảnh hưởng theo hướng tích cực.

Thứ ba là về điều hành. Dù có mặt được và mặt chưa được, ví dụ như điều hành mang tính mệnh lệnh, nhưng những quyết tâm hành động của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh đã được ghi nhận, doanh nghiệp Việt cũng cảm nhận được chiều cạnh tốt lên.

Vì vậy, tôi cho rằng đằng sau con số tăng trưởng vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm, xem mình thực chất làm được đến đâu, cái gì là do nỗ lực, cái gì là nhờ "ơn trời".

Nếu chất lượng tăng trưởng được đánh giá trên thang điểm 10, vậy điểm số của năm 2017 là bao nhiêu?

Tôi cho rằng năm nay chất lượng đạt 6 trên 10.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 7.

 Đến thời điểm hiện tại, mục tiêu GDP 6,7% đã trong tầm tay. Nhưng nếu được chỉnh sửa một điểm, ông sẽ chỉnh sửa điểm gì để con số không dừng lại ở đấy?

Việt Nam là nước đang phát triển nên cần tăng trưởng cao để bắt kịp với các nước khác. Tuy nhiên việc tăng trưởng đấy phải cùng tăng với chất lượng, năng suất, đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng quản trị lao động.

Trong bối cảnh như hiện nay, nếu muốn sửa để tăng trưởng thêm, tôi cho rằng đó chính là cách điều hành. Chúng ta đã đặt ra được vấn đề cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô... và cần nhất quán tập trung vào các vấn đề này.

Còn nếu nói thuần tuý chỉ là câu chuyện tăng trưởng, thì bài học ở đây là nhìn vào kết quả 6,7% trong khi tín dụng chưa cần đạt đến mức tăng 20 – 21% tăng, giải ngân đầu tư công chậm, đó là cái gì?

Ít nhiều, tôi cho rằng đó chính là năng suất lao động đã tăng. Tuy nhiên, tăng nhiều nhất ở đây là tăng vốn, được quyết định hầu hết bởi đầu tư nước ngoài và một phần nhỏ khác đến từ khu vực tư nhân. Nghĩa là khi chính sách được cải cách, niềm tin đã trở lại, theo đó, nguồn lực đã sẵn sàng bỏ ra để góp vào tăng trưởng. Như vậy, quay đi quay lại, câu chuyện cần bàn nhất, như tôi đã nói, là điều hành và cải cách.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 8.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 9.

Gần hết năm, thị trường nóng lên với thương vụ bán hơn 50% vốn ở Sabeco cho tỷ phú Thái Lan. Ông đánh giá như thế nào về thương vụ này? Nó có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế?

Cổ phần hoá Sabeco nằm trong ý đồ cải tổ DNNN, đặc biệt là quyết tâm cải cách DNNN đi vào thực chất hơn.

Kết quả của việc bán cổ phần Sabeco vừa qua khẳng định Việt Nam chơi thật, góp phần tạo thêm niềm tin cho thị trường vào câu chuyện cải cách ở Việt Nam. Đây là thương vụ rất lớn. Nó cũng thể hiện nâng cao được tính minh bạch cho sự lựa chọn của các nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Việc bán Sabeco theo tôi cũng rất được giá, 110.000 tỷ (tương đương 4,8 tỷ USD). Nhưng tôi phải nói rằng bên cạnh việc thu được nhiều tiền, có hai vấn đề phải quan trọng hơn.

Thứ nhất là thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước ở những lĩnh vực thị trường. Theo đó, lĩnh vực nào tư nhân làm tốt thì để cho họ làm.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 10.

Thứ hai là câu chuyện hậu cổ phần hoá. Tức chúng ta có tiền rồi thì sử dụng những đồng tiền đó như thế nào. Cách tồi nhất là dùng cho chi thường xuyên. Cách tốt nhất là phải đưa vào những lĩnh vực tạo được sự lan toả, không làm thoái lui đầu tư tư nhân, ví dụ như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đầu tư vào đào tạo nhân lực.

Tôi nhấn mạnh lại rằng điều quan trọng nhất sử dụng hiệu quả nguồn lực. Còn trong kinh tế thị trường, hôm nay người này làm ông chủ, mai lại là người khác là chuyện rất bình thường.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc cổ phần hoá các tập đoàn, tổng công ty lớn Việt Nam sẽ khiến các đơn vị này rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Tức là thay vì bán tài nguyên khoáng sản như trước đây, chúng ta đang bán tài nguyên tiêu dùng?

Chúng ta nên có cái nhìn tổng thể và thích đáng nhất. Việt Nam là một nước đang phát triển do đó luôn đối mặt với vấn đề thiếu vốn. Nguồn vốn nước ngoài sẽ giải quyết được vấn đề này.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 12.

Bên cạnh đó, những công ty nước ngoài, chẳng hạn như Samsung, ngoài vốn họ còn tạo ra những tác động trực tiếp như tạo việc làm, thu nhập, thuế... Tất nhiên là còn nhiều tranh cãi về các ưu đã cho doanh nghiệp FDI nhưng không nên phủ nhận những thứ họ làm được.

Khi trình độ một quốc gia tăng lên, chúng ta cần quan tâm thêm về tính lan toả FDI. Đó là lan toả về công nghệ, kỹ năng quản trị, bổ sung lôi kéo các doanh nghiệp Việt đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên.

Tuy nhiên, phải nhớ rằng doanh nghiệp nước ngoài đến không phải để làm từ thiện mà để kinh doanh. Tức chúng ta phải biết cách tận dụng chứ không phải trông chờ vào họ. 

Mặt khác, trong thời gian gần đây, doanh nghiệp trong nước đã trưởng thành hơn, bước đầu có sự cạnh tranh ở một số lĩnh vực với các doanh nghiệp FDI. Thông qua việc cạnh tranh đúng nghĩa, doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục lớn mạnh hơn.

Như vậy, thay vì nói nhiều về nỗi lo lắng bị nước ngoài chi phối, cần nhìn nhận một cách tổng thể hơn và đưa ra được các hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị cũng như vươn lên trong cạnh tranh.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 13.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 14.

Theo ông, trong năm 2018, kinh tế Việt Nam có thể đối diện với những kịch bản gì?

Kinh tế Việt Nam rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới được dự báo vẫn có chiều hướng tích cực tuy nhiên không có được mức độ lớn như năm 2017 so với năm 2016. Thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn, đặc biệt liên quan đến địa chính trị, xu hướng bảo hộ.

Năm 2017, chúng ta đạt được mức 6,7% cũng nhờ vào bước nhảy sản xuất, xuất khẩu của Samsung, bước nhảy này sang năm cũng có thể có nhưng xác suất không quá cao. Dù nỗ lực hết sức nhưng cũng khó thể biết được.

Mặt khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo; bất động sản, dịch vụ... Các ngành ngày này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá mạnh mẽ, tăng mạnh như năm 2017 là không cao.

Chính vì thế, nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng 2018 được Quốc hội thông qua là từ 6,5 – 6,7% (thấp và tương đương năm 2017) có thể thấy sự thận trọng nhất định. Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.

Rủi ro năm 2018, tôi nghĩ cái lớn nhất đến từ bên ngoài, như vấn đề địa chính trị. Bên trong thì tôi không gọi đó là rủi ro, nhưng vấn đề chính tôi cho rằng phải xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế. Bên cạnh đó là việc cân bằng được các vấn đề của xã hội, cải cách thể chế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động tốt lên nữa.

TS. Võ Trí Thành: Theo thang điểm 10, chất lượng tăng trưởng năm nay đạt được 6! - Ảnh 15.

Vậy ông dự báo những lĩnh vực nào có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất sau những thay đổi về chính sách của Chính phủ trong năm 2018?

Với mức độ hội nhập như hiện nay thì việc làm ăn, đầu tư ở Việt Nam sẽ không chỉ là khai thác tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh mà còn tiềm năng lớn tương tác với các nước khác nhờ độ mở của thị trường, thông qua các hiệp định đã và đang ký kết.

Sân chơi không chỉ rộng và còn nhiều, kèm theo đó là nhiều lĩnh vực hấp dẫn theo xu hướng mới như cách mạng công nghiệp 4.0. Lực lượng dẫn dắt thị trường đến từ khởi nghiệp sáng tạo dẫn đến đột phá khó có thể biết được.

Còn nếu nhìn vào các ngành dẫn dắt truyền thống như công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến xuất khẩu; dịch vụ, bất động sản ... dù có thể phát triển nhưng khó có được đột phá như năm 2017.

Liên quan đến câu chuyện chứng khoán, việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hoá ngân hàng theo hệ thống Basel II cũng khiến cho một số định chế ngân hàng trở nên hấp dẫn lên.

Phương Ánh
Kiên Trần - Đỗ Mạnh Cường
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ22/12/2017

Trí thức trẻ