TS. Võ Trí Thành: Không biết vô tình hay hữu ý, cải cách gần đây của Việt Nam nhiều phần tương tự Singapore!

24/03/2017 17:52 PM | Xã hội

"Nếu nghiên cứu kỹ cải cách ở Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là trong cách thức Việt Nam hội nhập, không rõ vô tình hay hữu ý, chúng ta đang làm tương tự Singapore!", TS. Võ Trí Thành nhận xét tại buổi toạ đàm ra mắt “Hồi ký Lý Quang Diệu – Câu chuyện Singapore” mới đây.

Từ một làng chài nghèo, chỉ sau 3 thập niên, Singapore vụt sáng thành đất nước giàu có. Dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu , GDP theo đầu người của đảo quốc Sư tử đã tăng 15 lần từ năm 1960 đến năm 1980.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Singapore cũng đã vươn lên đứng trong danh sách các nước phát triển nhất với sự kiêu hãnh chứng tỏ cho thế giới thấy đất nước của họ văn minh, kỷ cương, ít tham nhũng và hấp dẫn như thế nào.

Bình luận về câu chuyện phát triển thần kỳ của Singapore, TS. Võ Trí Thành cho rằng họ thành công là bởi “khát vọng và niềm tin” nhưng đồng thời lại rất "thực tế".

“Tôi từng nói điều này cách đây 2 năm, khi Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời. Singapore thành công được là bởi họ có tham vọng, niềm tin lớn. Thiếu những thứ này thì không làm được gì cả. Họ từng là làng chài vô danh”, TS. Võ Trí Thành nói.

Những khát vọng, tham vọng vươn lên đã được chuyển hoá thành tư duy phát triển thực dụng với những điểm nhấn đặc biệt đã khiến cho Singapore chuyển mình thần tốc theo thời gian.

Như TS. Võ Trí Thành chỉ ra, đó là chất lượng của bộ máy hành chính được đánh giá là “một trong những chỗ tốt nhất trên thế giới; đó là điểm đến “kết nối và hội tụ” hấp dẫn toàn cầu...

“Khi tìm hiểu, tôi nhận ra Singapore đang luôn tâm niệm dù là một nước nhưng phải đủ sự hấp dẫn cho hội tụ toàn cầu. Trong một lần đến nước này, tôi được dẫn đi thăm quan nhiều nơi, một học giả đi cùng đã chỉ cho tôi những cao ốc của thành phố và bảo tôi đoán xem chủ nhân của nó là ai. Tôi bảo của người Singapore, ông này lắc đầu bảo của nhà đầu tư nước ngoài và lý giải vì họ là nước nhỏ, muốn có vị thế, phải ‘lằng nhằng’ quan hệ lợi ích với các nước lớn khác”, TS. Thành kể.

Ông Thành cũng cho biết thêm đấy là một ví dụ cho sự “thực tế, thực dụng” của Singapore. Họ không đặt nặng vấn đề đầy là "sở hữu" mà họ mời những tập đoàn lớn, về tạo môi trường thuận lợi các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng rất nghiêm khắc, kỷ luật, nói không với tham nhũng, gian dối... Họ cũng có những dòng vốn nhà nước "rót" vào các tập đoàn lớn này, tạo những ràng buộc đan xen nhau, giữa lợi ích của nước họ với các nước lớn khác.

“Do đó, mặc dù Singapore ứng xử về pháp lý rất cứng rắn nhưng những việc cần mềm mỏng họ vẫn mềm mỏng. Đấy chính là phương cách hội tụ, kết nối của họ”, TS. Võ Trí Thành cho biết.

Singapore đồng thời là điểm đến ưa thích của các tài năng trẻ. Bởi lẽ, trong những năm cầm quyền, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng tuyên bố ngay cả khi là thế giới thứ 3 thì mức sống của người dân cũng phải ở ngưỡng tốt nhất. Nhờ tính vượt trội đó, Singapore đã thu hút được một lượng lớn nhân tài.

“Cải cách của Singapore sẽ giúp gì cho Việt Nam qua quan điểm của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu?”, một khán giả đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, TS. Võ Trí Thành cho biết không biết vô tình hay hữu ý nhưng những gì nhìn thấy từ quá trình cải cách của Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt trong cách thức hội nhập thì có nhiều phần “tương tự” với Singapore.

Nếu nhìn kỹ, chiến lược hội nhập của Việt Nam đang thể hiện rõ sự “hội tụ” và “kết nối” với 3 trụ cột cơ bản.

Thứ nhất, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các đối tác trên thế giới biểu hiện qua việc gia nhập vào WTO.

Thứ hai, Việt Nam cũng tập trung vào các đối tác chiến lược toàn diện, quan trọng và đã phủ gần hết những thị trường quan trọng nhất, thể hiện qua những hiệp định FTA được ký kết gần đây.

Cuối cùng, Việt Nam đang nỗ lực chứng minh với thế giới đây là một điểm đến đặc biệt hấp dẫn thông qua sự ổn định chính trị, thể chế, an ninh, môi trường đầu tư đang được cải thiện nhanh chóng.

“Đấy là những điểm tích cực mà chúng ta đang có, tuy nhiên, để có thể thành công, chúng ta phải học được điểm đáng học nhất của Singapore, đó là gắn hội nhập với bộ máy nhà nước, tiếp tục cải cách hành chính. Bởi lẽ, ít có bộ máy nhà nước nào trên thế giới được như vậy”, TS. Võ Trí Thành cho biết.

Theo N.Dương

Cùng chuyên mục
XEM