TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp tư nhân chiếm 97% tỷ trọng nền kinh tế nhưng vẫn bị "phân biệt đối xử"

05/06/2017 11:29 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong khối các doanh nghiệp tại Việt Nam, dường như đâu đó vẫn tồn tại một sự phân biệt đối xử giữa nhóm doanh nghiệp này và nhóm doanh nghiệp kia.

Đây là một vấn đề đã được nhắc đến nhiều. Nhiều chuyên gia còn nói thẳng rằng đó chính là sự khác biệt trong đối xử giữa các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước, khi nhận được rất nhiều ưu đãi, mời gọi và các doanh nghiệp tư nhân, với đủ các rào cản về mặt luật pháp cũng như con người, khiến cho họ ‘không muốn lớn vì nếu lớn thì sẽ bị để ý bởi thanh tra, thuế vụ, phòng cháy chữa cháy…’

Phải nói rằng, chuyện phân biệt ‘con nước ngoài, con nuôi, con đẻ’ này đã khiến các doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế – gặp rất nhiều khó khăn và không thể lớn lên được.

Có mặt tại buổi hội thảo 'Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân', Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã xoáy sâu vào vấn đề này và đặt một câu hỏi khiến nhiều người phải suy nghĩ:

‘Tại sao doanh nghiệp tư nhân đóng góp nhiều mà vẫn bị phân biệt đối xử, trong khi doanh nghiệp FDI tuy chúng ta đã cho quá nhiều hỗ trợ nhưng liệu hiệu quả mang về có được như mong muốn ?’

Tiến sĩ Trần Đình Thiên lập luận rằng nếu cứ tính theo tỷ trọng trong nền kinh tế thì chắc chắn doanh nghiệp tư nhân, với con số 97%, phải đóng góp nhiều nhất, thực hiện đúng chức năng cơ bản của nhóm này lên một nền kinh tế.

“Trong cấu trúc doanh nghiệp có một điều là doanh nghiệp tư nhân sẽ có chức năng chủ yếu là giải quyết việc làm cho người lao động”

“Đóng góp cho đất nước nhiều như vậy, chẳng ai giải quyết việc làm, tạo công việc cho người lao động nhiều như doanh nghiệp tư nhân cả. Nhưng tại sao họ vẫn bị coi phân biệt đối xử?” – ông Thiên bày tỏ.

TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp tư nhân chiếm 97% tỷ trọng nền kinh tế nhưng vẫn bị phân biệt đối xử - Ảnh 1.

Nguồn: TCTK.

Trong khi đó, nhìn sang doanh nghiệp FDI – nhóm nhận được nhiều sự hỗ trợ. Đây là những doanh nghiệp quy mô lớn, kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều cho GDP, cho ngân sách Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế số đóng góp của họ, ông Thiên đặt câu hỏi: “nhưng như vậy đã đủ mục tiêu của chúng ta chưa?”

“Doanh nghiệp FDI giống như một khoảng trời độc lập, họ có công nghệ mang vào nhưng thực tế cũng không góp gì tăng tiến trong nước cả. Ta mời họ vào với lời mời chào rất hấp dẫn là Việt Nam nhiều lợi thế lắm, lắm tài nguyên, lao động rẻ lắm...” – Tiến sĩ Thiên nói về thực trạng của câu chuyện FDI.

Những nhận định trên không phải là không có cơ sở. Gần đây, một báo cáo mới được Oxfam công bố, nghiên cứu hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam đã thể hiện sự đồng quan điểm với ông Thiên.

Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng trong khoảng 20 năm ưu đãi thuế mời gọi nước ngoài vào, tuy Việt Nam đã thu được tăng trưởng GDP, thêm được tiền ngân sách nhưng điều đó dường như vẫn là chưa đủ với những mục tiêu dài hạn mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra.

Vốn đầu tư nước ngoài chỉ được tập trung tại những nơi có dân số nhiều, vốn đã có sức tăng trưởng như Hà Nội, vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ. Nhưng nơi khác, dù Chính phủ Việt Nam ưu đãi thuế cao hơn cho nhà đầu tư, như Tây Bắc Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên…, thì vẫn là vùng ‘trắng về tăng trưởng nhờ FDI'. Rút cục, đây vẫn là những nơi nghèo, chậm phát triển nhất cả nước.

TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp tư nhân chiếm 97% tỷ trọng nền kinh tế nhưng vẫn bị phân biệt đối xử - Ảnh 2.

Doanh nghiệp FDI đứng riêng một góc trời...

Hay như một điều chưa làm được khác là sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm. Ô tô là ví dụ điển hình nhất: 20 năm chúng ta mời gọi các ông lớn nước ngoài, cho đủ mọi ưu đãi để nuôi giấc mơ về một ngành công nghiệp của riêng Việt Nam. Sau 20 năm, một con số 2 tỷ USD được ngã giá, còn dường như chúng ta đang giương cờ trắng ‘nội địa hóa đã hoàn toàn thất bại'.

“Chúng ta cần đặt vấn đề khai thác thế mạnh của FDI như thế nào? Chúng ta mới đặt vấn đề là tận dụng FDI ở mức tối thiểu, tức là một chút ngân sách, một chút GDP, một chút tăng trưởng. Thế thôi.

Tôi nghĩ FDI là vấn đề khác hẳn. Chúng ta mời họ vào để khai thác lợi thế của Việt Nam thì chúng ta cũng phải khai thác tối đa lợi thế FDI. Ta đã làm được điều đó chưa? “ – Tiến sĩ Trần Đình Thiên chia sẻ.

Nếu không có những biến chuyển, việc ưu đãi quá nhiều này sẽ là tác nhân gián tiếp làm sự phân biệt đối xử dày thêm. “Nếu mà không làm được điều ấy thì có lẽ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng không lớn được” – ông Thiên cảnh báo ở những lời nói cuối cùng.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM