TS Nguyễn Đức Thành: Tăng thuế xăng chỉ là 'giật gấu vá vai', quan trọng là khiến người dân làm việc say sưa, giàu có hơn và nộp thuế nhiều hơn!

19/05/2017 10:14 AM | Kinh tế vĩ mô

"Khi ai cũng say sưa làm việc, họ giàu có hơn, làm GDP đất nước cao hơn và Nhà nước thu được nhiều thuế hơn. Nguồn thu phải tăng từ đó chứ không phải tăng từ một sắc thuế mới"

Thời gian vừa qua, câu chuyện tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít đã làm xôn xao dư luận. Hôm nay, tại buổi Hội thảo chia sẻ báo cáo: Công bằng thuế nhìn từ hoạt động của các tập đoàn, các Ngân hàng đa quốc gia do Oxfam tổ chức, vấn đề này lại được đặt ra cho giới chuyên môn.

Đồng tình với ý kiến của Nguyên Thứ trưởng Bộ thương mại Phan Thế Ruệ nói tại một buổi hội thảo cũng về chủ đề xăng dầu mới đây, ý kiến liên quan đến "trách nhiệm của một công dân với đất nước", Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng đứng đằng sau của chuyện tăng thuế môi trường, bên cạnh vì mục đích giải quyết môi trường thì chính là bài toán cân đối thu chi Ngân sách mà Nhà nước đang giải.

"Chúng ta bị mất một nguồn thu lớn là nguồn thu từ nhập khẩu, bởi vì chúng ta tham gia vào hội nhập kinh tế toàn cầu. Nguồn thu đó giảm nên Nhà nước buộc phải tìm nguồn thu khác để thay thế", TS Thành phân tích.

Từ đó, vị Tiến sĩ giải thích lý do quy định thuế bảo vệ môi trường 8000 đồng/lít này ra đời: Một sắc thuế đánh gián tiếp và lên một hàng hóa thiết yếu, được người dân sử dụng hàng ngày, hàng giờ sẽ có tính lan tỏa cao hơn một sắc thuế 'mới toanh' được ban hành ra, vấp phải những tranh luận nơi dư luận xã hội và mất thời gian để thành hiện thực.

"Đã đưa ra một chính sách gì đó thì nên để nó tác động trải dài trên diện rộng, khi đó chính sách sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất" - Vị Viện trưởng của VEPR nói.


Thuế xăng sẽ tăng thêm 8.000 đồng/lít, người dân có thể mua xăng với giá tăng kỷ lục!

Thuế xăng sẽ tăng thêm 8.000 đồng/lít, người dân có thể mua xăng với giá tăng kỷ lục!

Giải thích sâu hơn, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng một chính sách tăng thuế bảo vệ môi trường vào lúc này, hay chính là một nguồn thu để góp vào Ngân sách Nhà nước là điều cần với tài khoản quốc gia.

Theo tính toán, chỉ cần tăng thuế bảo vệ môi trường 1000 đồng/lít thôi thì Nhà nước đã có thể thu thêm hàng mấy chục nghìn tỷ. Như vậy, nếu mức thu thuế bảo vệ môi trường cao đến 8000 đồng/lít thì thu về từ thuế môi trường sẽ không nhỏ.

Số tiền này sẽ được dùng để hạn chế các vấn đề về thâm hụt ngân sách hay xa hơn là hạn chế nợ công. Còn nhớ, trong nhiều năm nay, chuyện nợ công 'sắp vượt trần' đã thường xuyên là một điểm nóng của kinh tế Việt Nam, tốn nhiều giấy mức của báo chí. Vì thế, với "một nền kinh tế GDP mới ở mức hơn 200.000 USD/người nhưng nợ công đã đến 65% GDP", một nguồn thu mới như chính sách thuế nói trên có lẽ là cần thiết.

Không thể 'giật gấu vá vai' mãi, hãy làm người dân giàu có hơn và nộp thuế nhiều hơn

Tất nhiên, người làm chính sách nên có những giải pháp dài hạn cho việc mất cân đối thu chi Ngân sách này, chứ không chỉ là những chính sách tăng thuế ngắn hạn theo kiểu '"giật gấu vá vai'" (lời của Tiến sĩ Thành) như một quy định tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức 8.000 đồng/lít sắp trở thành hiện thực

Một cách thẳng thắn, Tiến sĩ Thành chỉ rõ 2 'đường ra' cho nền tài khóa của kinh tế Việt Nam gồm: "chi hiệu quả""thu chất lượng".

"Một là cần giảm con số chi, qua đó bớt đi sức ép bên phía thu. Cái đó liên quan đến hiệu quả của Nhà nước, của Chính phủ đạt được trong các khoản chi tiêu", TS Thành nhấn mạnh.

Chạm đến một thực trạng có lẽ sẽ khiến nhiều người phải gật đầu, Tiến sĩ Thành nói tiếp: "Nhà nước cần xem hiện đang 'nuôi' từng ấy con người như vậy thì họ có làm được việc không? Có cần giảm chi phí không? Hoặc nếu xã hội mất ổn định thì cần tăng việc làm, tăng chi tiêu để xã hội ổn định…Điểm này nói chung là câu chuyện của người quản lý Nhà nước".

Điểm thứ hai, theo như lời vị Viện trưởng, Nhà nước cần tạo ra một nguồn thu "chất lượng thật" - nguồn thu thuế từ chính các doanh nghiệp và người dân tự nguyện nộp trong một nền kinh tế tăng trưởng thật.


Điều quan trọng là hãy làm người dân say sưa làm việc và trở nên giàu có hơn!

Điều quan trọng là hãy làm người dân say sưa làm việc và trở nên giàu có hơn!

"Đó là khi ai cũng say sưa làm việc, họ giàu có hơn, làm cho GDP đất nước cao hơn và từ đó, Nhà nước có được nguồn thu thuế lớn hơn. Nguồn thu phải tăng từ đó chứ không phải tăng từ một chính sách thuế mới", TS Thành giải thích.

Theo ông đây chính là điều quan trọng nhất cho nền kinh tế, trong một bối cảnh mà các nguồn tài nguyên đã dần khó khăn. Nếu không làm được những điều trên thì sẽ tạo ra một vòng xoáy, không phải chuyện thuế 8.000 đồng/lít mà rất có thể, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất e ngại, giảm đầu tư. Doanh nghiệp trong nước cũng sẽ e ngại thu nhập của họ giảm.

"Việc đánh thuế mới chỉ là một hoạt động rất rất ngắn hạn, rất rất bị động. Chúng ta cần có những cải cách theo 2 đường mà tôi nói đến: một là giảm chi tiêu, hai là tăng nguồn thu một cách bền vững, tạo ra một nền kinh tế lành mạnh" - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành kết luận.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM