TS Nguyễn Đức Thành cảnh báo lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động khiến doanh nghiệp bị "ăn mòn"

08/05/2018 13:52 PM | Kinh tế vĩ mô

Tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động đang tăng nhanh từ 25% năm 2007 lên 50% năm 2015.

Chi phí tối thiểu mà các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, bao gồm tổng lương tối thiểu và đóng góp bảo hiểm là rất cao, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam. Theo đó, mức này đã gần chạm mức chi phí với Thái Lan hay Indonesia.

Nghiên cứu của VEPR chỉ ra rằng lương tối thiểu của Việt Nam đang tăng rất cao, tuy nhiên, năng suất lao động lại không bắt kịp tốc độ tăng của lương, khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực.

Hơn một thập kỷ gần đây, lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng hai con số, tăng nhanh hơn các nước trong khu vực, trong khi năng suất lao động thấp hơn các nước láng giềng.

Tính toán cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2015, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động đã tăng từ 25% lên 50%. Tại thời điểm năm 2015, tỷ lệ này của Việt Nam đã cao nhất khu vực, hơn Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan.

PGS. Thành cho rằng đây là một mối lo ngại. Bởi lẽ lương và năng suất lao động phải song hành với nhau. Trong trường hợp Việt Nam, lương tối thiểu đang tăng nhanh hơn năng suất lao động khiến doanh nghiệp bị ăn mòn lợi nhuận. Vì vậy, doanh nghiệp chậm phát triển, dẫn đến giảm thu hút lao động. Bên cạnh đó, vấn đề này còn làm suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài vấn đề lương tối thiểu tăng cao, ông Thành cũng đưa ra vấn đề mức bảo hiểm mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động cũng tăng cao trong thời gian qua.

"Đóng góp vào bảo hiểm của Việt Nam khá lớn, điều này có thể tạo khoảng trống thuế giữa người sử dụng lao động và người lao động", ông Thành nói.

Đây cũng là cảnh báo từng được TS. Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mekong đưa ra. Theo đó, ông Cường nhận định mức đóng bảo hiểm xã hội mới, cao hơn, tính từ năm 2018  thậm chí còn là vấn đề đáng lo lắng hơn.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng hai yếu tố trên là nguyên nhân khiến doanh nghiệp dễ rút khỏi thị trường lao động hoặc dẫn đến hiện tượng phi chính thức hoá thị trường lao động Việt Nam .

Do đó, Viện trưởng VEPR khuyến nghị việc điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hơp với tăng trưởng năng suất lao động. Ông Thành cũng cho rằng lương tối thiểu nếu được xem là một chính sách bảo trợ xã hội sẽ không hiệu quả, thay vào đó, các chính sách phụ trợ nên được xem xét. Bên cạnh đó, Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Theo N Dương

Cùng chuyên mục
XEM