TS Cấn Văn Lực 'hiến kế' giúp mục tiêu tăng trưởng 6,7% cán đích : Hãy làm sao để người Việt chịu mua sắm nhiều hơn!

21/06/2017 14:13 PM | Kinh tế vĩ mô

Không quan niệm mục tiêu 6,7% là khó, TS Cấn Văn Lực còn chỉ ra tới 3 giải pháp mới giúp kinh tế Việt Nam cán đích tăng trưởng cuối năm một cách dễ dàng.

Buổi công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) diễn ra cách đây vài hôm với chủ đề "Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo".

Trong buổi công bố, nhiều chuyên gia tỏ quan ngại rằng việc cố gắng đạt mục tiêu 6,7% cho bằng được trong năm nay, với những cách như khai thác thêm tài nguyên hay tăng đầu tư công có thể khiến kinh tế Việt Nam không có được sự ổn định trong dài hạn.

Không quan niệm như vậy, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã đứng lên ‘hiến kế’ những giải pháp mới cho tăng trưởng mà có thể giúp kinh tế Việt Nam năm 2017 ‘dễ dàng’ cán mốc 6,7%.

“Nếu Chính phủ đã quyết tâm 6,7% thì phải chăng chúng ta nên gợi ý cho Chính phủ những cách để đạt được mục tiêu việc đó mà không cần khai thác thêm tài nguyên hay đẩy mạnh đầu tư công” – Vị Tiến sĩ mở đầu phần ‘hiến kế’ 3 giải pháp của mình.

Hãy làm người Việt bỏ tiền mua sắm hàng hóa nhiều hơn!

Cách thứ nhất, theo ông Lực, đơn giản chỉ là Chính phủ hãy làm sao để người dân chịu mua hàng nhiều hơn.

"Chỉ 1% tiêu dùng nội địa tăng thêm cũng đã có hiệu quả gấp tới 4 lần khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Thứ nhất đó là lĩnh vực tiêu dùng. Năm ngoái, tiêu dùng chiếm đến 78% toàn bộ GDP, tức tương đương với khoảng 3,8 triệu tỷ đồng. Vậy nếu tiêu dùng chỉ cần tăng thêm 1% thôi thì nền kinh tế sẽ có thêm 38 nghìn tỷ đồng” – Tiến sĩ Cấn Văn Lực tính toán.

Trong khi đó, với khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thì giá trị tăng thêm cho nền kinh tế sẽ chỉ là 9 nghìn tỷ đồng, theo Tiến sĩ Lực ước tính.

Rõ ràng, các nhà điều hành nền kinh tế rất nên quan tâm đến sự chênh lệch hiệu quả lên đến hơn 40 lần này. Thách thức của giáp pháp này có lẽ nằm ở thực trạng cầu tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu, hay người Việt vẫn còn ‘lười mua hàng’ ở thời điểm hiện tại.

TS Cấn Văn Lực hiến kế giúp mục tiêu tăng trưởng 6,7% cán đích : Hãy làm sao để người Việt chịu mua sắm nhiều hơn! - Ảnh 1.

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I/2017 của MarketIntello

“Để tiêu dùng tăng trưởng thì Chính phủ cần có những biện pháp, chính sách để kích thích tiêu dùng như các khoản cho vay tiêu dùng, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt Nam…” – Tiến sĩ Cấn Văn Lực khuyến nghị thêm.

Du lịch là cú hích tăng trưởng mới

Giải pháp thứ hai cũng tiềm năng không kém được Tiến sĩ Lực khuyến nghị chính là đầu tư vào du lịch. “Chính phủ đang rất chú trọng đẩy mạnh ngành du lịch, coi nó như một ngành kinh tế mũi nhọn. Thực sự, du lịch cũng đang có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế” – ông Lực nói.

Thành tích năm ngoái đón 10 triệu lượt khách quốc tế của ngành du lịch đã khiến chúng ta tự tin đặt mức tăng trưởng 20% - 30% cho toàn ngành trong năm 2017 này. Theo Tiến sĩ Lực, nếu mức tăng trưởng này thành sự thật thì hiệu quả mang về cho nền kinh tế sẽ chẳng kém gì múc thêm 1 triệu tấn dầu.

Ông phân tích: “Du lịch năm ngoái mang lại 35 nghìn tỷ đồng, năm nay thì dự kiến tăng trưởng ở mức 20 -30% thì mức đóng góp có thể tăng lên 40 – 42 nghìn tỷ đồng, tăng 7 nghìn tỷ đồng thì cũng tương đương với 9 nghìn tỷ đồng của khai thác thêm dầu”.

Không được quên khối doanh nghiệp tư nhân!

Phương cách tăng trưởng thứ ba mà Tiến sĩ Lực nhắc đến cũng là điều mà Chính phủ đã tập trung mạnh trong mấy năm gần đây: Quan tâm, tạo điều kiện phát triển cho khối doanh nghiệp tư nhân. Năm 2017 này, những thách thức đặt ra với kinh tế Việt Nam khiến Chính phủ càng cần đẩy mạnh sức tăng trưởng từ khu vực tư nhân hơn nữa.

"Cái thứ ba là lực kéo của các doanh nghiệp tư nhân. Rõ ràng bây giờ, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động suôn sẻ là điều quan trọng, bởi từ đó việc làm sẽ được tạo ra, tiêu dùng sẽ được kích thích và nhiều lợi ích khác cho nền kinh tế cũng sẽ đến” - Tiến sĩ nói

Giờ đây, câu hỏi đặt ra là Chính phủ cần làm gì? Câu trả lời của Tiến sĩ Cấn Văn Lực ở cuối cuộc phỏng vấn: “Chính phủ nên có những giải pháp để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, cũng như giải pháp để kích thích tiêu dùng trong nước”.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM