Trường tiếng Nhật – kênh tuyển dụng lao động trá hình của người Nhật?

06/01/2017 14:46 PM | Kinh doanh

Nhiều trường tiếng ở Nhật đang giúp hợp thức hóa cho việc nhập khẩu lao động giá rẻ vào Nhật trong bối cảnh lực lượng lao động Nhật ngày một teo nhỏ.

Tháng 1 năm ngoái, dư luận Nhật không khỏi choáng váng và bất bình khi 3 giám đốc điều hành của một trường tiếng tại tỉnh Fukuoka của Nhật đã bị bắt vì câu kết với các công ty tuyển dụng lao động bất hợp pháp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên của trường làm việc quá giờ. Mỗi tuần, sinh viên trường làm thêm đến 72 tiếng, cao hơn rất nhiều so với con số 28 tiếng theo quy định của chính phủ Nhật.

Sau đó không lâu, quản lý của trường tiếng tại tỉnh Gunma và tỉnh Tochigi cũng bị bắt vì hành vi tương tự. Báo Ryukyu Shimpo sau đó tiếp tục đưa tin có trường tiếng ở Naha đã giữ thẻ ngoại kiều của khoảng 90 sinh viên Nepal để ngăn họ bỏ trốn.

Và trước đó, rất nhiều sinh viên đã báo cáo về việc họ bị thu toàn bộ hộ chiếu để họ không bỏ học. Vậy người ta đặt câu hỏi nếu trường có chất lượng giảng dạy tốt, tại sao nhiều sinh viên lại phản ứng như vậy?

Đến Nhật năm 2014 trong vị thế của một sinh viên đi học trao đổi, Puri từng có rất nhiều ước mơ. Puri muốn học thạc sỹ ngành xã hội học, tập trung nghiên cứu về quyền phụ nữ. Thế nhưng giờ đây Puri đang cảm thấy thất vọng với thực tế diễn ra quanh mình.

Cô đăng ký vào học một trường tiếng, giáo viên ở trường chỉ dạy cho cô những từ vựng, kỹ năng căn bản nhất của tiếng Nhật. Chưa kể đến việc, cô phải học trong môi trường cực kỳ tồi tệ của những sinh viên đến trường chỉ để ngủ. Và rồi sau đó họ thông báo với cô rằng sau khi học xong trường tiếng, con đường duy nhất dành cho cô chỉ là tiếp tục học lên cao đẳng.

Không có cơ hội học lên thạc sỹ, cô cảm thấy vô cùng thất vọng. Giấc mơ học thạc sỹ của cô hiện mắc kẹt ở trường tiếng. Cuối cùng, cô đành phải lựa chọn học ngành du lịch tại một trường cao đẳng ở phía Tây Tokyo, ngành học này vốn không liên quan gì đến mơ ước được học về bình đẳng giới của cô.

Những khó khăn mà Puri đang gặp phải cho thấy phần nào thực trạng tại các trường tiếng Nhật ở Nhật. Họ đang chuyển sang hình thức hoạt động ngày một thương mại hóa hơn, chỉ chú trọng đến tuyển càng nhiều sinh viên càng tốt chứ không còn quan tâm đến chất lượng.

Hay nói cách khác, họ đang giúp hợp thức hóa cho việc nhập khẩu lao động giá rẻ vào Nhật trong bối cảnh lực lượng lao động Nhật ngày một teo nhỏ.

Theo kế hoạch được công bố trước Quốc hội Nhật mới đây nhất, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe lên kế hoạch sẽ thu hút khoảng 300 nghìn sinh viên quốc tế trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2020, ông Shinzo Abe khẳng định nguồn nhân lực này cực kỳ quan trọng để giúp tăng sức cạnh tranh của Nhật đối với các nền kinh tế phát triển khác.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, khi mà làn sóng sinh viên có trình độ thấp, đến Nhật chủ yếu với mục đích kiếm tiền vào Nhật ngày một nhiều, người ta đặt câu hỏi vậy thực tế người ta đang triển khai kế hoạch của ông Abe như thế nào? Liệu có phải mục đích tốt đang bị thực thi theo cách rất xấu? Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật, số lượng sinh viên đến Nhật tính đến cuối tháng 6/2016 tăng lên mức cao kỷ lục 257.739 người, cao hơn 30 nghìn sinh viên so với trước đó chỉ 1 năm.

Trong nhóm trên, số lượng sinh viên Việt Nam và Nepal tăng đột biến trong khi số lượng sinh viên Trung Quốc và Hàn Quốc giảm. Rất nhiều sinh viên đến Nhật bởi họ bị hấp dẫn bởi lời quảng cáo của người làm việc tại các công ty môi giới địa phương về viễn cảnh sẽ kiếm được cực kỳ nhiều tiền khi đến Nhật chỉ bằng các việc làm thêm.

Theo luật pháp của Nhật, mỗi sinh viên được làm việc đúng 28 tiếng/tuần, tuy nhiên trên thực tế, gần như tất cả sinh viên không ai tuân thủ theo đúng con số đó. Khi mà các trường tiếng Nhật ngày một trở nên thương mại hóa hơn, số lượng các trường tiếng cũng ngày một nhiều, số lượng các trường tiếng tăng chóng mặt từ con số 461 vào năm 2011 lên mức 549 vào năm 2015.

Nhiều trường tiếng Nhật hoạt động như những doanh nghiệp tư nhân đơn thuần, độc lập thu chi và quản lý chất lượng đào tạo. Họ muốn tốt thì trường thành tốt và họ muốn làm gì với học sinh của họ, họ cũng toàn quyền. Dù tất nhiên, họ phải tuân thủ một số quy định tối thiểu của Bộ Giáo dục Nhật.

Chính bởi việc quản lý lỏng lẻo như trên mà rất nhiều trường dùng đủ mọi cách, liên kết cùng với các công ty môi giới nước ngoài tuyển ngày một nhiều sinh viên sang, bất chấp trình độ tiếng Nhật của những người sinh viên đó có tệ đến đâu và họ sang có phải với mục đích học hay không. Rất nhiều trong số các sinh viên được tuyển sang Nhật theo diện này là sinh viên Việt Nam và Nepal.

“Chính phủ Nhật đặt mục tiêu tuyển những sinh viên giỏi sang Nhật, thế nhưng cái họ đang làm lại cho thấy điều ngược lại”, chủ tịch Cơ quan thông tin di trú Nhật, ông Susumu Ishihara, nhận xét.

Theo một bác sỹ tâm lý học giấu tên tại Tokyo, đến Nhật bằng con đường trường tiếng để kiếm tiền đã đẩy nhiều sinh viên Nepal vào cảnh tuyệt vọng. Chỉ riêng trong năm ngoái, có hàng loạt sinh viên đã bị trầm cảm, trong đó 4 sinh viên Nepal tự tử.

Bác sỹ nói: “Nhiều người nước ngoài đến đây bằng visa sinh viên, nhưng thực chất họ cũng chẳng học hành được gì, họ đến đây để đi làm. Chính phủ Nhật đưa sinh viên đến Nhật nhưng thực chất chỉ đi làm công nhân làm những công việc nặng nhọc cho người Nhật.”

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM