Trường hợp đầu tiên tại Việt Nam tình nguyện hiến đầu cho y học

16/12/2016 08:28 AM | Công nghệ

Sau trường hợp anh Phạm Sỹ Long (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) là người đầu tiên của Việt Nam đến đăng ký tình nguyện hiến đầu, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đặt tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) xác nhận đã tiếp nhận tâm nguyện xin được ghép đầu của 5 trường hợp khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia hiến tạng hàng đầu Việt Nam cho rằng đây là kỹ thuật mới, trên thế giới chưa có nước nào thực hiện thành công, còn Việt Nam chỉ mới ở bước nghiên cứu. Mặt khác, hiện ở nước ta cũng chưa có trường hợp nào đăng ký hiến thân để ghép đầu nên Trung tâm chưa xác định được ngày có thể ghép đầu người.

Từ trường hợp đầu tiên xin hiến đầu

Trước những thông tin cho rằng ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới sẽ không thành công, mới đây, bác sĩ người Ý Sergio Canavero đã phản biện lại và cho rằng những thông tin ông đưa ra trước đó là chính xác, cũng như tỷ lệ rủi ro cho ca phẫu thuật là rất thấp, khả năng sống sót 90%.

Ông Sergio Canavero cho biết ca phẫu thuật cấy ghép đầu sẽ được thực hiện vào tháng 12/2017 và bệnh nhân được phẫu thuật là anh Valery Spiridonov (31 tuổi) bị bệnh teo cơ tủy sống hiếm gặp. Nhiều ý kiến lo sợ rằng ông Canavero sẽ tạo ra một con quái vật được ghép từ nhiều phần cơ thể. Ngoài ra, chưa chắc phần đầu ghép với cơ thể sẽ tương thích và khả năng vận động gần như là không thể.

Chiều 10/8, anh Phạm Sỹ Long- chàng trai 28 tuổi bị liệt hai chân do một tai nạn được gia đình đưa từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Việt Đức để thực hiện tâm nguyện xin được hiến đầu. Th.S Cao Tiến Sỹ , Trưởng phòng Pháp chế - Truyền thông của Trung tâm cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh những trường hợp như của Long nhưng bên cạnh đó phải giải thích rõ thực trạng cho Long hiểu được điều mình đang muốn làm”.

Được biết, Phạm Sỹ Long sinh ra khỏe mạnh bình thường, Long từng mơ ước sau này trở thành thủ thủy viễn dương. Bất hạnh ập xuống vào năm 15 tuổi, vụ tai nạn đã lấy đi của Long đôi chân lành lặn, trở thành người đặt đâu nằm đó.

Qua đi tháng ngày vật vã trong đau đớn và tuyệt vọng, chàng trai trẻ đã tự thỏa hiệp bằng cách làm thơ, viết nhật ký, vẽ tranh để vui sống. Đến cuối năm 2015, qua thông tin trên báo chí liên tiếp đăng tải chuyện y khoa trên thế giới và Việt Nam đang nghiên cứu việc ghép đầu người, Long đã ấp ủ dự định hiến cái đầu minh mẫn và nhiều hoài bão của mình cho bệnh nhân bị chết não.

Chàng trai 28 tuổi đã quyết định viết một bức thư nói lên tâm nguyện của mình, gửi tới cơ quan chức năng.

“Tôi biết sự rủi ro trong quá trình phẫu thuật là rất lớn. Khả năng tôi sẽ chết rất cao. Nhưng tôi thiết nghĩ nếu ai cũng sợ, cũng muốn để người khác làm trước, thành công rồi mình mới làm thì sẽ chẳng bao giờ biết được kết quả có thành công không. Thay vì cứ chết dần, chết mòn theo năm tháng thì tôi muốn được cống hiến cuộc đời mình cho y học nước nhà nên tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro” – Phạm Sỹ Long tâm sự.

Chưa xác định được ngày có thể ghép đầu người

Tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phạm Sỹ Long được các bác sĩ thăm khám tận tình, nhận định các cơ quan tạng ở bộ phận đầu đều hoạt động như người bình thường. Tuy nhiên, mong muốn được hiến đầu cho các bác sĩ cấy ghép của Long đành phải gác lại bởi cả yếu tố chuyên môn và pháp lý.

Th.S Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Pháp chế - Truyền thông, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, cuối năm 2015, trong cuộc họp của ngành Y tế có nói đến chuyện những tiến bộ của nền y khoa trên thế giới. GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có nói đến dự án của một số nhà khoa học người Ý đang có ý định nghiên cứu triển khai là ghép đầu người này sang thân thể người khác. Nếu dự án này thành công, Việt Nam có thể cử cán bộ trực tiếp sang học hỏi hoặc mời toàn bộ ê-kíp đó về thực hiện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Sỹ, dự án này chưa đi vào thực hiện cụ thể bởi còn vướng rất nhiều yếu tố, trong đó nhất là yếu tố pháp lý. Liên quan đến yếu tố chuyên môn, ông Sỹ cho biết nếu thực hiện ghép đầu người thì chắc chắn phải có bước ghép tủy sống. Thế nhưng, trên thế giới chưa bất cứ nơi đâu thực hiện được điều này. Ngoài ra, các tế bào của cơ thể người có khả năng tự lưu giữ thông tin, cơ thể sống được ghép đầu cũng không nằm ngoài lệ.

Theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể, sau trường hợp anh Phạm Sỹ Long, hiện Trung tâm đã tiếp nhận thêm 5 trường hợp khác cũng tình nguyện xin được hiến đầu. Tuy nhiên, hiện Trung tâm chỉ có thể tiếp nhận nguyện vọng và thăm khám, còn việc thực hiện thì chưa thể khẳng định thời gian cụ thể khi nào.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chuyên gia đầu ngành về ghép tạng ở Việt Nam: Cực kỳ khó khăn, nan giải!

Khi tiến hành ca phẫu thuật ghép đầu người sẽ bắt buộc phải thực hiện nối tủy sống. Phẫu thuật nối tủy sống cực kỳ khó khăn, phức tạp, gần như chưa nơi nào trên thế giới làm được. Thực tế, phẫu thuật nối tủy sống vẫn được thực hiện nhưng nối để có chức năng thì không dễ dàng. Chúng ta ghép gan, tim, thận... vì phẫu thuật viên hiểu rõ chức năng của gan, tim, thận. Nối mạch máu đơn giản nhưng nối thần kinh thì không như vậy.

Chưa kể, nếu ghép đầu thành công thì câu hỏi não bộ sẽ hoạt động ra sao trong tình trạng luôn bị “phân thân” qua phản ứng loại thải mảnh ghép? Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề khác về tâm linh, xã hội, tôn giáo, pháp luật, diễn tiến tâm sinh lý sau ghép... cũng không thể không đặt ra khi tiến hành những ca ghép đầu thực sự ở người.

GS-TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội): Nhiều hy vọng!

Trên thế giới hiện có bác sĩ Sergio Canavero (Ý) đã nghiên cứu về việc cấy ghép đầu người này suốt 30 năm. Thậm chí ông đã chuẩn bị xong một ê kíp phẫu thuật gồm hơn 150 người để dự định thực hiện ca ghép đầu đầu tiên vào năm 2017. Các tiến bộ y học sẽ không ngừng phát triển, biến những điều không thể thành có thể. Việt Nam đã thành công trong nhiều ca cấy ghép tạng rất khó và luôn sẵn sàng học hỏi các kỹ thuật mới. Đến một ngày nếu kỹ thuật ghép đầu thành công, Việt Nam được phép ghép đầu, có người đồng ý ghép thì việc mời ê kíp của bác sĩ Sergio Cavaneo đến Việt Nam để học hỏi và thực hiện cấy ghép là điều có thể.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): Danh tính xác định cho người hiến đầu!

Nếu một ngày việc cấy ghép đầu có thể thành sự thật thì người “nhận cơ thể” sẽ chịu trách nhiệm về nhân thân nên danh tính được xác định cho người hiến đầu. Tuy vậy, vân tay lại thể hiện trong căn cước là của người có thân. Lúc này sẽ xảy ra trường hợp “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, tuy nhiên tôi cho rằng lúc đó luật pháp sẽ có điều chỉnh để phù hợp.

Luật sư Nguyễn Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội): Nhiều vướng mắc pháp lý phức tạp!

Hiện chưa xác định được, nếu ca ghép thành công sẽ tạo thành một cơ thể mới, vậy người mới sẽ mang danh người có đầu hay người có thân? Việc xác định danh tính con người mới tạo thành này đặc biệt quan trọng vì liên quan đến những giấy tờ pháp lý, quyền nhân thân của của công dân và cả việc quản lý dân cư nữa. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng nếu ca ghép đầu thành công thì danh tính được xác định cho người hiến đầu.

Vì nếu ca ghép đầu thành công thì những người tình nguyện ghép đầu không phải “cho” mà chính là người “nhận”. Vì đầu chứa bộ não là trung tâm chỉ huy mọi nhận thức, tư duy cũng như điều hành toàn bộ hoạt động của cơ thể con người. Đầu còn có khuôn mặt để nhận diện, định dạng một con người. Họ cũng nhận được không chỉ là “bộ phận cơ thể” mà toàn bộ cơ thể khoẻ mạnh của người cho chết não.

Luật gia Nguyễn Thanh Hương (Hà Nội): Cá nhân tôi không ủng hộ việc ghép đầu người vì nó không phù hợp về mặt đạo đức!

Tôi có đọc thông tin trên báo chí và rất quan tâm đến vấn đề phẫu thuật ghép đầu. Theo đó, người hiến đầu phải là những người bị liệt toàn thân do bệnh lý bẩm sinh hoặc do tai nạn nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Các bác sĩ sẽ cắt rời đầu của họ và ghép vào một cơ thể khoẻ mạnh từ người cho chết não.

Tôi có đọc lời chia sẻ của một vị giáo sư hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực hiến ghép tạng, theo đó quá trình phẫu thuật dự tính sẽ diễn ra như trong phim kinh dị. Mấu chốt quan trọng nhất là các bác sĩ phải thiết kế được một lưỡi dao cực sắc để cắt đầu ra mà không làm giập, làm tổn thương các dây thần kinh, mạch máu, tuỷ sống. Oxy sẽ liên tục được bơm lên não để đảm bảo không bị chết não. Cơ thể người cho chết não cũng sẽ được cắt tương tự, sau đó sẽ tiến hành ghép vào đầu người. Điều khó nhất chính là đảm bảo đầu và cơ thể sau khi bị cắt rời vẫn “sống” và phục hồi các chức năng sau khi được nối liền. Ê kíp phẫu thuật sẽ nối các dây thần kinh, mạch máu giữa đầu và cơ thể. Tuỷ sống dự tính sẽ được gắn bằng một loại keo đặc biệt. Cơ thể sau khi được gắn đầu sẽ được làm hôn mê một thời gian dài để đảm bảo đầu và cơ thể “kết nối” với nhau thành một cơ thể sống mới.

Y học ngày càng tiến bộ và phát triển vượt bậc nên tôi cho rằng ca phẫu thuật ghép đầu người nhiều khả năng sẽ thành công. Tuy nhiên, cá nhân tôi không ủng hộ việc phẫu thuật ghép đầu người nên tôi sẽ không tranh luận nhiều đến những vướng mắc pháp lý về xác định thân phận cho cơ thể mới tạo thành sau khi ghép mà chỉ nghĩ rằng việc ghép đầu người không phù hợp về mặt đạo đức. - Trần Nguyên

Theo Thành Nam

Cùng chuyên mục
XEM