Trường học nên ưu tiên mục tiêu nào, các bộ môn học thuật hay sự sáng tạo?

10/09/2017 07:30 AM | Sống

Loại trường học nào là môi trường học tập lý tưởng cho chúng ta hay con cái của chúng ta sau này? Liệu các trường học nên thiên về tư duy sáng tạo và độc lập? Hay nên ưu tiên giáo dục những bộ môn cơ bản và mang tính học thuật cao?

Tất nhiên, 2 yếu tố này không thể loại trừ lẫn nhau. Nhiều người có lẽ muốn cả 2. Tuy nhiên, một nghiên cứu quốc tế từ nhóm nghiên cứu Pew Research ở Mỹ đã hỏi người dân từ 19 quốc gia khác nhau về yếu tố họ muốn trường học ưu tiên. Nếu phải lựa chọn, thì họ thích được thúc đẩy sự sáng tạo hơn hay học những kiến thức học thuật cơ bản? Nghiên cứu này là một phần của cuộc khảo sát hằng năm về thái độ toàn cầu của Pew để cho thấy sự khác biệt văn hóa lớn đối với giáo dục.

Ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Canada, có một sự ưa thích rõ ràng dành cho một hệ thống giáo dục nhấn mạnh vào tính sáng tạo và tư duy độc lập.

Ở Tây Ban Nha, 67% người tham gia khảo sát muốn các trường học ưu tiên giảng dạy về sự sáng tạo, so với 24% muốn chúng tập trung vào các kiến thức học thuật cơ bản và kỷ luật. Ngược lại với Tây Ban Nha, những con số này ở Anh lần lượt là 37% và 51%. Quan điểm này của người Anh giống các quốc gia kém phát triển như Kenya và Nigeria, nơi kỳ vọng rằng các trường học nên tiếp giảng dạy những kiến thức cơ bản.

Các quốc gia như Mỹ, Úc và Nhật Bản không nghiêng hẳn về bên nào với những ý kiến trái chiều.

Điểm số tốt trong các môn như Toán, Lý, Hóa… giúp bạn đạt được danh hiệu học sinh giỏi và tạo đà tốt để vào được một trường đại học tốt và một tấm bằng loại giỏi có thể - chỉ ở mức có thể - giúp bạn có được một công việc mà sẽ sử dụng một chút ít kiến thức bạn đã từng học trong 10 năm trước đó.

Nhưng những nhà tuyển dụng thành công, lớn và nhỏ, công nghệ cao hay không liên quan đến công nghệ đang khao khát những tân binh sáng tạo và đổi mới, những người có lối tư duy sáng tạo, giao tiếp rõ ràng và có thể làm việc nhóm. Đó là những khả năng được phát triển hiệu quả nhất cho trẻ em thông qua nghệ thuật và âm nhạc. Nhưng những bộ môn đó chỉ được coi là các bộ môn năng khiếu trong chương trình học tập hiện tại, và cũng không được nhiều bậc phụ huynh chú ý để phát triển cho những trẻ có tiềm năng.

Ở thời điểm hiện tại và có lẽ là cả trong tương lai, khả năng thích nghi, có thể học được phương pháp học tập đúng đắn thay vì chỉ học thuộc lòng sẽ là cách duy nhất để tồn tại trong thị trường lao động đầy biến động.

Tuy nhiên, tập trung vào thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn những kiến thức học thuật đã tồn tại hàng ngàn năm. Trên thực tế, các môn như Toán, Lý… lại là một trong những cách tốt nhất để luyện tính logic, khả năng tính toán, những kỹ năng cần thiết cho nhiều ngành sau này đặc biệt là về kinh tế và công nghệ.

Nhiều học sinh coi chúng là những môn học khô khan hay khó hiểu. Cách tốt nhất để thay đổi nhận thức này của học sinh chính là thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống còn nặng về lý thuyết và không truyền được cảm hứng học tập cho học sinh.

Giải pháp có thể đưa ra là áp dụng những cách thức sáng tạo, mới mẻ hơn trong giảng dạy thay vì chỉ thầy nói trò nghe như trước: khuyến khích, động viên học sinh tương tác với giáo viên nhiều hơn trong lớp học; giáo viên chỉ đưa ra gợi ý để giải bài thay vì đáp án; áp dụng công nghệ vào giảng dạy, tổ chức các trò chơi/cuộc thi nhỏ trong lớp học giữa các nhóm để khuyến khích tinh thần học tập của học sinh; dạy cho học sinh phương pháp học tập hiệu quả…

Tóm lại, tính sáng tạo nên được coi trọng nhiều hơn trong các trường học, và không nên để các môn học có tính học thuật và phương pháp học tập thụ động làm thui chột khả năng sáng tọa của học sinh.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM