Trương Đình Anh đã "chào" Việt Nam khi ước mơ làm Thủ tướng không thành, còn các công ty có dấu ấn cũ giờ ra sao?

25/07/2016 15:08 PM | Kinh doanh

Trong số các công ty mà Trương Đình Anh từng làm việc, FPT Telecom là nơi ghi dấu ấn tài năng mạnh mẽ nhất của doanh nhân này. Và có vẻ cũng là công ty duy trì tốt phong độ tăng trưởng đến nay.

Trong ngày thứ bảy (23/07) vừa qua, thông tin về việc cả gia đình ông Trương Đình Anh đã sang Mỹ sống và làm việc dài hạn một lần nữa hâm nóng cái tên nổi tiếng này. Từ khi từ nhiệm vị trí CEO của CTCP FPT , ông Trương Đình Anh chỉ xuất hiện lác đác trên truyền thông với những dự án mới, nơi chốn mới.

Từng tuyên bố “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”, khi đã qua tuổi 45, Trương Đình Anh chính thức tạm biệt Việt Nam để sống và làm việc tại nước ngoài.

Hãy cùng nhìn lại những công ty đã ghi dấu ấn của vị doanh nhân đình đám từng được gọi là “quái nhân FPT” này.

CTCP FPT telecom

Gia nhập FPT từ năm 1993 với vị trí là Chuyên gia Máy tính, sau 4 năm, Trương Đình Anh trở thành Giám đốc Trung tâm Internet FPT. Đến năm 2003 – năm Việt Nam bùng nổ dịch vụ Internet với sự góp mặt của 3 nhà mạng VNPT, Viettel và FPT Telecom, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông FPT (FPT Telecom). Đây là nơi ghi dấu ấn sâu sắc của Trương Đình Anh.

Mặc dù có nhiều lĩnh vực mới nổi lên nhưng FPT Telecom vẫn luôn là đơn vị thành viên đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn FPT.

FPT Telecom có vốn điều lệ 1.246 tỷ đồng, do FPT nắm 45,64%. Năm 2015, FPT Telecom đạt doanh thu hợp nhất 5.568 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế 882 tỷ đồng. Trong các mảng kinh doanh, mảng Internet băng thông rộng tăng trưởng 31%, mang lại doanh thu trên 3.600 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực nội dung số thu hẹp hoạt động dẫn đến doanh thu giảm 52%.

Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 1.052 tỷ đồng – tăng trưởng 19%.

Theo FPT, kế hoạch quang hóa đã được hoàn tất, dịch vụ truyền hình trả tiền tuy mới được triển khai nhưng đã có tốc độ phát triển mạnh mẽ.

CTCP FPT

Trương Đình Anh giữ chức Phó Tổng giám đốc trước khi được bổ nhiệm làm CEO của tập đoàn FPT vào tháng 2/2011. Con đường đến với vị trí CEO cũng khá gian nan, xuất phát từ chính Trương Đình Anh do ông đã từ chối việc bổ nhiệm với lý do mình sẽ không đủ quyền hành động như một CEO thực sự như tại FPT Telecom.

Mất 3 tháng thuyết phục, FPT mới có được sự đồng thuận của cả hội đồng quản trị lẫn ông Trương Đình Anh cho chức vụ mới. Ngày 25/3/2011, CEO Trương Đình Anh chính thức tiếp quản chiếc ghế của người tiền nhiệm Nguyễn Thành Nam. Và rồi như trên đã nhắc đến, năm 2012, ông đã từ nhiệm vị trí này.

Từ đó đến nay, FPT vẫn ghi nhận sự tăng trưởng bình quân 16%/năm về doanh thu và 8% về lợi nhuận. Tuy 2/3 doanh thu của FPT hiện dựa vào mảng phân phối - bán lẻ hàng công nghệ nhưng Tập đoàn này từng tuyên bố sẽ bán lại mảng bán lẻ FPT Shop, rồi mang tiền quay trở lại đầu tư vào ngành viễn thông còn nhiều tiềm năng và có biên lợi nhuận cao hơn. Thương vụ đang được xúc tiền nhưng chưa có thêm thông tin mới nào được công bố.

6 tháng đầu năm 2016, FPT đạt 17.818 tỷ đồng và 1.258 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Dù vậy, giá cổ phiếu FPT gần như dậm chân tại chỗ cả năm nay dù thị trường nổi sóng lớn.

CTCP Dịch vụ trực tuyến (FPT online)

Năm 2015, mô hình kinh doanh của FPT online thu gọn về mức đơn giản nhất, chỉ kinh doanh nội dung truyền thông và quảng cáo. Với việc suy thoái trong ngành truyền thông báo chí Việt Nam, trong năm này, FPT Online đạt 449 tỷ đồng doanh thu – giảm một nửa so với năm 2014 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng – tăng 88% nhờ các chi phí như giá vốn, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh.

Mặc dù không lãi cao như giai đoạn trước nhưng hiện FPT Online vẫn là một trong số những công ty kinh doanh nội dung số có lợi nhuận lớn nhất.

Ví điện tử Momo

Sau khi rời khỏi FPT, ông Trương Đình Anh đầu tư vào ứng dụng chuyên nhận tiền trực tuyến Ví điện tử Momo do Công ty cổ phần M_Service sở hữu.

Tháng 3/2016, Momo nhận được khoản đầu tư 28 triệu USD từ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.

Galaxy

Sau khi rời khỏi FPT, ông Trương Đình Anh đã xuất hiện tại CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) với vai trò là một thành viên hội đồng quản trị. Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, phát hành phim cũng như truyền thông xuất bản.

Không lâu sau sự xuất hiện của ông Trương Đình Anh, giống như Momo, Galaxy Studio cũng có thương vụ bán cổ phần "đình đám". Năm 2013, Tập đoàn PPB Group đến từ Malaysia đã định giá công ty này ở mức xấp xỉ 80 triệu USD khi chi ra 20 triệu USD để mua 25,8% cổ phần.

Galaxy đang vận hành 6 rạp Galaxy Cinema và trực tiếp sản xuất khá nhiều tựa phim đình đám.

Theo Hải Linh

Cùng chuyên mục
XEM