Trước sức ép cạnh tranh bủa vây từ Zara cho tới Amazon, đại gia Nhật Bản Uniqlo lên kế hoạch "đại cách mạng" để lột xác hoàn toàn vào 2 năm tới

12/07/2017 10:41 AM | Kinh doanh

Uniqlo đang tạo ra một cuộc cách mạng và chủ tịch công ty này cam kết rằng mọi người sẽ chứng kiến một Uniqlo hoàn toàn khác trong 2 năm tới.

Tại tầng thứ 6 trong trụ sở mới gần Tokyo Bay của Fast Retailing – công ty sở hữu thương hiệu quần áo Uniqlo, các nhân viên đang lặng lẽ hoạch định kế hoạch tạo ra cuộc cách mạng cho chính công ty mình.

Gã khổng lồ trong thị trường “thời trang mì ăn liền” đã đạt được thành công toàn cầu nhờ mô hình kinh doanh nhấn mạnh vào chi phí sản xuất rẻ và mạng lưới cửa hàng dày đặc. Tuy nhiên, đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm lại và cạnh tranh ngày càng leo thang từ những đối thủ trực tuyến khiến Tadashi Yanai – Chủ tịch và là CEO công ty đang ôm tham vọng thiết lập kế hoạch nhằm bơm liều "kỹ thuật số" cùng một vài thay đổi khác cho doanh nghiệp của mình.

Giám đốc thông tin Makoto Koketsu:

Trên diện tích sàn tầng 6 lên tới 16.500 m2 cùng 1.000 nhân viên, ở một góc phòng, Giám đốc thông tin Makoto Koketsu đang làm việc một mình. “Các thành viên trong đội của tôi không làm việc tại đây. Họ thường được gửi đến các phòng khác nhau” – bao gồm cả mảng sản xuất, tiếp thị và logistic.

Hoketsu nói rằng sứ mệnh của nhóm anh là tạo ra mối liên kết chặt chẽ với hoạt động hàng ngày của các bộ phận khác để các nhân viên công nghệ có thể hiểu hơn về những nhu cầu của họ và cải thiện thiết bị từ đó làm tăng tính hiệu quả. “Chúng tôi tôi đóng vai trò là người trung gian vận chuyển những thông tin hữu ích và mới nhất khắp các phòng”.

Tại những văn phòng cũ của công ty ở tòa Tokyo Midtown, phòng công nghệ khá tách biệt so với những phòng khác mà họ đang trợ giúp, tức là nằm hẳn ở một tầng khác. Mà theo Hoketsu thì "cần phải lắng nghe, trao đổi trực tiếp với những phòng khác mới giúp tạo ra những thay đổi đáng kể được".

Những thách thức mới

Có thể nói tầng 6 tại trụ sở Uniqlo City Tokyo hiện là trung tâm điều khiển cho những thay đổi cực kỳ quyết liệt đang được thực hiện. Nhờ mô hình kinh doanh sản xuất quần áo hàng loạt giá rẻ trên khắp châu Á mà Uniqlo đã trở thành nhà sản xuất quần áo lớn thứ 3 thế giới. Nhưng hiện tại tốc độ tăng trưởng đang dần chậm lại.

Trong năm tài chính tính tới tháng 8 năm ngoái, doanh thu toàn tập đoàn đã tăng lên mức 1,78 nghìn tỷ yen (tương đương 15,7 tỷ USD) tăng 6% so với năm trước đó. Khó khăn hiện tại một phần là bởi trị giá đồng yên lên xuống thất thường. Tuy nhiên, trong năm tài chính này, tốc độ tăng trưởng doanh thu thậm chí còn giảm hơn nữa, xuống còn 4%.

Vấn đề cạnh tranh đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi ngay cả những hãng bán lẻ lớn như Amazon cũng trở thành đối thủ của Fast Retailing.

Chuỗi cửa hàng Uniqlo là đơn vị đầu tiên tại Nhật Bản ra mắt mô hình SPA. Đây là viết tắt của “Specialty retailer of Private label Apparel” - nghĩa là công ty sẽ thực hiện tất cả các khâu từ hoạch định, sản xuất, phân phối thông qua các cửa hàng bán lẻ. Và hiện tại, Yanai đang lên kế hoạch thêm yếu tố “kỹ thuật số” để thay đổi mô hình kinh doanh. Ông tin rằng tận dụng nguồn thông tin mà công ty có từ trước có thể giúp giảm lượng sản phẩm tồn kho và sẽ không còn phải tổ chức những đợt giảm giá lớn để giải phóng hàng tồn.

“Made in Japan”

Uniqlo hiện sản xuất hầu hết sản phẩm nhờ tận dụng lực lượng nhân công giá rẻ trên khắp châu Á. Tuy nhiên sản xuất ở nước ngoài không phải là biện pháp thích hợp nếu muốn phản ứng nhanh chóng với nhu cầu của khách hàng. Đó là lý do tại sao công ty đang phải tính toán lại việc này.

Tháng 7 năm ngoái, Innovation Factory – một chi nhánh được hình thành nhờ hợp tác giữa Fast Retailing và Shima Seiki Manufacturing – nhà sản xuất dệt toàn cầu đã cho ra lò những gói hàng sản phẩm dệt đầu tiên. Yanai tự hào gọi nhà máy nằm ở miền nam Osaka này là “nhà sản xuất có công nghệ tốt nhất thế giới”.

Khoảng một năm trước đó, Yanai và chủ tịch Shima là Masahiro Shima đã xây dựng một mối quan hệ dựa trên ý tưởng: Tại sao không cho người tiêu dùng trong nước thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất ngay ở nội địa, sử dụng những cách thức tiên tiến nhất.

Tomoya Utsuno – Giám đốc phòng sản xuất tại Fast Retailing đã dành gần một tuần ở Wakayama trong giai đoạn chuẩn bị. Thời gian làm việc ở Uniqlo, Utsuno có kinh nghiệm quản lý nhưng lại yếu về mảng điều hành hoạt động nhà máy sao cho hiệu quả. Anh tới đây để học cách tối ưu hóa quy trình để cải thiện hiệu suất và cuối cùng là tạo lập nên “chuẩn Uniqlo”.

“Think fast”

Chi phí vận chuyển và tốc độ cũng là những yếu tố quan trọng với một hãng bán lẻ nếu muốn cạnh tranh trên cấp độ toàn cầu. Thông thường Fast Retailing sẽ ký kết những đơn đặt hàng lớn với các nhà máy trước mỗi mùa dựa trên kế hoạch doanh thu. Tuy nhiên điều này đang dần thay đổi. Những phản ứng nhanh nhạy hơn tới khách hàng là cần thiết và công ty đang đưa vào hoạt động hệ thống giúp họ gửi hàng hóa đi trong vòng 10 ngày.

Để làm được điều đó, phương án vận chuyển bằng máy bay là hợp lý nhưng lại đắt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo Takuya Jimbo – Giám đốc chuỗi bán lẻ toàn cầu của công ty thì: “Chọn vận chuyển bằng đường hàng không không phải là cách quản lý chuỗi cung ứng”.

Không phải sản phẩm nào cũng cần vận chuyển bằng đường hàng không. Tuy nhiên, làm sao để quyết định được loại sản phẩm nào và số lượng bao nhiêu nên được chuyển đi bằng phương thức này mới là điều cần quan tâm? Đó là những gì văn phòng ở Ariake đang nghiên cứu. Họ đã thiết lập một hệ thống gợi ý cách vận chuyển tốt nhất sau khi phân tích hiện trạng sản xuất, thời gian, sức chứa…

“Homecoming”

Tháng 6/2015, Masanobu Kusaka – quản lý cửa hàng Uniqlo trên Đại lộ số 5 New York đã được yêu cầu quay về Nhật Bản. Trở lại thủ đô, Yanai nói với ông rằng: Anh sẽ là quản lý một cửa hàng Ariake. "Chỉ có một nhà kho ở đó - Kusaka nghĩ thầm". Khi ấy dự án Ariake chưa được tiết lộ.

Là người quản lý cửa hàng tại một trong những đường phố sầm uất nhất New York với rất nhiều thương hiệu tiếng tăm, Kusaka luôn cảm thấy rằng những đối thủ cạnh tranh thật sự của Uniqlo là ở nơi khác. Đó chính là các hãng bán lẻ trực tuyến. Chính vì vậy Kusaka khá hiểu vấn đề công ty đang gặp phải.

Kusaka hiểu rằng công ty điều chuyển anh tới Ariake đồng nghĩa với việc họ muốn anh trở thành người cho khách hàng thấy những thay đổi của công ty. Là người đứng đầu Phòng quảng bá tại Ariake Project, Kusaka đang làm việc tích cực để gắn kết cả cửa hàng trực tuyến và không trực tuyến của Uniqlo với nhau.

Đội ngũ của anh đang cải tiến ứng dụng Uniqlo như thêm các chức năng có thể hiển thị lịch sử mua hàng của người dùng và gợi ý cách kết hợp quần áo. Công ty này cũng bắt đầu cung cấp nhiều loại kích thước khác nhau đặc biệt phù hợp cho mua sắm trực tuyến bao gồm cả 3XL và size cho trẻ con.

Còn có nhiều thay đổi khác nữa nhưng, kinh doanh bán lẻ trực tuyến không phải “dễ xơi”. Dẫu vậy Kusaka vẫn khăng khăng rằng với kinh nghiệm trong những mảng kinh doanh cửa hàng vật lý và dịch vụ khách hàng cá nhân, Uniqlo vẫn đang có lợi thế không thể đánh bại được so với những đối thủ khác.

Yanai kỳ vọng doanh thu bán hàng trực tuyến sẽ tăng lên 30% so với mức 5% hiện tại. Đó quả là một tham vọng lớn nhưng vị CEO này đã đưa ra bằng chứng về những năm tháng thành công trong quá khứ.

Yanai khẳng định rằng ông sẽ cho thế giới thấy một Uniqlo hoàn toàn mới mẻ trong 2 năm tới. Đối với một công ty có tới hơn 110.000 nhân viên, điều này đồng nghĩa với việc họ phải bỏ lại quá khứ lẫy lừng trong quá khứ để tạo ra một thứ hoàn toàn mới mẻ, thậm chí chưa từng chứng kiến trong lịch sử toàn ngành công nghiệp.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM