Trước lùm xùm đóng cửa, chủ Món Huế từng bị tố “ăn cắp” thương hiệu để mở quán phở Ông Hùng

22/10/2019 15:57 PM | Kinh doanh

Phở Hùng và phở Ông Hùng, tuy tên giống nhau, lại cùng có biển hiệu thiết kế với màu chủ đạo là vàng đen, nhưng thực chất thuộc về hai công ty khác nhau.

Thông tin chuỗi nhà hàng món Huế đóng cửa, nợ lương nhân viên hơn 2 tháng và quá hạn thanh toán cho nhiều nhà cung cấp đang gây xôn xao giới F&B nói riêng và dư luận nói chung. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên chủ chuỗi đồ ăn đình đám này vướng nghi án kinh doanh có vấn đề. Trước đó, công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, chủ sở hữu Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, từng bị chủ chuỗi nhà hàng Phở Hùng tại TPHCM tố "ăn cắp" thương hiệu và bộ nhận diện đối với chuỗi phở Ông Hùng.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, bà Trần Thị Tuyết Lan (chủ thương hiệu phở Hùng) và ông Tiền Kim Thành (Tien Tony - quốc tịch Mỹ, người hợp tác với Huy Việt Nam mở chuỗi phở Ông Hùng) biết nhau từ năm 2002. Ông Tien Tony có một số cửa hàng mang tên Phở Hùng tại Mỹ.

Năm 2006, tại TP.HCM, bà Lan đại diện cho cả gia đình đứng tên lập hộ kinh doanh và nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Phở Hùng cho "dịch vụ ăn uống phở" (nhóm 43), kèm theo logo hình vòng tròn, bên trong có cô gái đội nón lá, hướng mặt vào tô phở bốc khói. Nhãn hiệu này tương tự như nhãn hiệu Phở Hùng tại Mỹ.

Đến năm 2007, bà Lan và ông Tien Tony cùng lập nên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phở Hùng (gọi tắt là Công ty Phở Hùng). Trong đó ông Tien Tony góp 300 triệu đồng, bà Lan góp 200 triệu đồng. Nhãn hiệu nói trên được chuyển cho công ty sở hữu.

Tuy nhiên đến 2010, phát hiện ở đường Hai Bà Trưng (TPHCM) có quán phở Hùng tương tự nhãn hiệu của mình, bà Lan tìm hiểu và biết ông Tien Tony ký hợp đồng cho người khác dùng nhãn hiệu phở Hùng mà không thông qua công ty.

Tranh chấp xảy ra, ông Tien Tony kiện ra tòa. Sau nhiều lần thương lượng, đến tháng 8/2013 hai bên hòa giải thành công. Ông Tien Tony nhượng lại phần vốn cho bà Lan để nhận về 1 tỉ đồng, đồng thời ông Tien chỉ "được quyền sử dụng nhãn hiệu Phở Hùng của công ty cho một tiệm phở do ông làm chủ".

Ngay sau đó, bà thủ Lan làm thủ tục đổi từ hai thành viên sở hữu còn một mình bà Lan là chủ sở hữu công ty. Hiện công ty này có hai quán Phở Hùng, một ở đường Nguyễn Trãi (quận 1) và một ở đường Nguyễn Tri Phương (quận 10).

Hai thương hiệu với phần nhận diện tương đối giống nhau.

Về phần ông Tien Tony, sau khi ra ngoài, nhân vật này kết hợp với phía Huy Việt Nam để mở một thương hiệu phở mới với tên gọi phở Ông Hùng vào năm 2014. Theo thông tin trên website chính thức, phở Ông Hùng đã gây dựng tới hơn 50 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam, từ TPHCM tới Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng.

Vấn đề nằm ở chỗ phở Ông Hùng được thiết kế với tên gọi và nhận diện thương hiệu tương đối giống với phở Hùng trong TPHCM. Cũng là phông chữ màu vàng trên nền đen, phần chữ "ông" được thu nhỏ ở giữa khiến nhiều khách hàng dễ nhầm lẫn hai thương hiệu với nhau. Theo fanpage của phở Hùng, đây là "một dạng làm ăn láu cá của mấy người lười biếng, không còn thời gian đủ để kiên nhẫn làm lại từ đầu nên phải ăn cắp chất xám người khác bằng cách thêm thắt chữ "ông" sao cho giống chữ phở Hùng".

"Xin đừng nhầm lẫn phở Hùng và phở Hùng có chữ 'ông' màu đen thu nhỏ ở giữa, đó là hàng nhái thương hiệu của phía Huy Việt Nam và món Huế", fanpage phở Hùng khẳng định.

Được biết từ năm 2014, phía công ty sở hữu thương hiệu phở Hùng đã đưa vụ việc lên tòa án kinh tế quận 1 TPHCM tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng,

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM