Trước khi huy động vốn hàng trăm tỷ cho Luxstay, Steven Nguyễn đã "bỏ túi" khoảng 5 triệu USD từ bán Netlink cho Yeah1

27/07/2019 15:44 PM | Kinh doanh

Đã có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng Luxstay "làm hàng" khi tham gia Shark Tank, bởi công ty này đã từng thuyết phục được các quỹ đầu tư Hàn Quốc rót vốn 4,5 triệu USD và có mối quan hệ trước với các Shark thì "tương quan lực lượng" so với các startup khác khi "chân ướt chân ráo" đi gọi vốn trên Shark Tank là không cân xứng.

Shark Tank Việt Nam mở màn mùa 3 với sự xuất hiện của Steven Nguyễn (Nguyễn Văn Dũng), nhà sáng lập kiêm CEO của Luxstay, một startup đình đám trong mảng homesharing, nền tảng thuê và cho thuê homestay giống như Airbnb.

Trái với các startup khác lên Shark Tank với mục tiêu gọi vốn là chính, Luxstay khi xuất hiện ở Shark Tank đã có 3 vòng gọi vốn thành công, quy mô gọi vốn 168 tỷ đồng từ các nhà đầu tư đình đám như ESP Capital của Lê Hoàng Uyên Vy, CyberAgent của Shark Dzũng, GS Home Shopping (GS Shop) và Bon Angels của Hàn Quốc (4,5 triệu USD)…

Vốn điều lệ của Luxstay ở thời điểm hiện tại là 68 tỷ đồng, trong đó Steven Nguyễn nắm giữ 44% công ty.

Trước đó, Steven Nguyễn bán "đứa con đầu tiên" là Netlink cho Yeah 1 với giá 5 triệu USD, lấy vốn "nuôi" Luxstay.

Bỏ học đại học, khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, trở thành đối tác duy nhất của Google tại Việt Nam

Theo chia sẻ của Steven Nguyễn, anh học lập trình từ năm lớp 2 và năm cấp 3 đã kiếm được tiền từ việc thiết kế website. 18 tuổi, Steven Nguyễn thành lập công ty làm dịch vụ thiết kế website. Vào ngày các bạn cùng trang lứa đi thi đại học, chàng trai trẻ ở nhà và được coi như "một phiên bản lỗi của gia đình" vì đã không đi thi đại học, anh thành lập CTCP truyền thông trực tuyến Netlink.

Thành lập năm 2007, Netlink là đơn vị duy nhất ở Đông Nam Á, 1 trong 5 đơn vị toàn cầu nhận được giấy phép Đối tác xuất bản trên tất cả các nền tảng của Google. Đây là Giấy phép cho phép Netlink hợp tác với nhà phát triển web, ứng dụng và nhà phát triển trò chơi trên web toàn cầu để quản lý khoảng không quảng cáo trên trang web, ứng dụng và trò chơi dành riêng cho nền tảng Google AdSense và Ad Exchange. Hiện tại, Netlink đang quản lý khoảng 600 website lớn trên toàn thế giới với hơn 2,3 tỷ lượt xem hàng tháng.

Google AdSense là một dịch vụ quảng cáo của Google, sử dụng được cho người dùng blog và website dưới dạng văn bản, video, hình ảnh. Những quảng cáo này được Google chọn lọc dựa vào sự phù hợp với nội dung trên web và tạo ra lợi nhuận trên nguyên tắc tính tiền cho mỗi click hoặc lượt hiển thị vào quảng cáo AdSense trên website của người dùng.

Năm 2017, Steven Nguyễn đã bán cổ phần Netlink cho Yeah1 với giá 86,3 tỷ (51% công ty). Tại thời điểm tháng 11/2017, số liệu cho thấy Nguyễn Văn Dũng đang sở hữu 82% cổ phần của Netlink sau đó giảm sở hữu xuống 40,5%. Sang đến đầu năm 2018, Yeah1 tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Netlink lên 76% với tổng chi phí mua vào là 128,6 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD). Trên hệ thống đăng ký kinh doanh, Nguyễn Văn Dũng vẫn đang là Tổng giám đốc của CTCP Truyền thông trực tuyến Netlink.

Khởi nghiệp Luxstay với tham vọng "làm thứ gì đấy thật lớn, có khả năng trở thành một startup biểu tượng cả Việt Nam"

Mặc dù bản thân là một "triệu phú đô la tự thân" và huy động được 168 tỷ đồng sau 3 vòng gọi vốn, CEO Luxstay vẫn đến Shark Tank với mục tiêu gọi vốn ban đầu 600.000 USD đổi lấy 1% cổ phần (tự định giá công ty 60 triệu USD), huy động tối đa 20% dựa trên tốc độ tăng trưởng thần tốc của Luxstay. Tổng giá trị giao dịch năm 2017 của Luxstay năm 2017 đạt 300.000 USD, đến năm 2018 đạt 2,2 triệu USD và mục tiêu đạt trên 20 triệu USD vào năm 2023.

Steven Nguyễn cho rằng Luxstay hoàn toàn có thể trở thành kỳ lân của Việt Nam khi đánh giá thị trường home sharing tại Việt Nam hiện nay còn rất tiềm năng.

"Quy mô doanh thu home sharing tại Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 174 triệu USD chiếm chưa tới 2% chi tiêu thị trường lưu trú khoảng gần 8 tỷ USD, trong khi đó tại thị trường phát triển home sharing chiếm 10-20% chi tiêu của thị trường lưu trú, tôi tin rằng market size của thị trường home sharing đạt khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2023. Tham vọng của chúng tôi không chỉ ở Việt Nam, tôi muốn xây dựng Luxstay trở thành công ty toàn cầu, Grab chứng tỏ một tay chơi mới có thể chiến thắng làm chủ thị trường. Tôi muốn làm thứ gì đấy thật lớn, có khả năng trở thành một startup biểu tượng cả Việt Nam".

Đã đôi lúc Steven Nguyễn tỏ ra lúng túng khi Shark Việt hỏi mô hình này có gì tạo ra sự khác biệt khi thị trường đã có Airbnb. Tuy nhiên với sự trợ giúp của Shark Dzung, bộ đôi "song Dũng" đã thuyết phục được 3 shark là Shark Hưng, Shark Việt và Shark Thuỷ cùng rót vốn vào Luxstay với mức định giá công ty quanh 20 triệu USD.

Với chiến lược "không lấy trứng chọi đá", Luxstay sẽ tập trung lấy Việt Nam làm nền tảng trọng tâm sau đó mới ra khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia. Luxstay đang phát triển hệ thống cung cấp giải pháp cho tất cả các chủ nhà (host), kết hợp với một số nhà đầu tư bất động sản để phát triển du lịch địa phương theo mô hình Homestay.

Đã có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng Luxstay "làm hàng" khi tham gia Shark Tank, bởi công ty này đã từng thuyết phục được các quỹ đầu tư Hàn Quốc rót vốn 4,5 triệu USD và có mối quan hệ thân quen với các Shark từ trước thì "tương quan lực lượng" so với các startup khác khi "chân ướt chân ráo" đi gọi vốn trên Shark Tank là không cân xứng.

Mặc dù vậy, Luxstay đã trở thành startup được rót vốn kỷ lục trên Luxstay với 6 triệu USD cam kết từ 3 Shark.

Tăng trưởng kinh doanh homestay với tốc độ 452%

Số liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường AirDNA cho thấy thị trường kinh doanh homestay tại Việt Nam đang tăng trưởng nóng với tốc độ 452% về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua, lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140% và cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng Việt Nam đang là một trong 3 quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, giảm đáng kể các thủ tục, điều kiện về cấp thị thực (visa) cho du khách quốc tế khiến cho Việt Nam trở thành một điểm nóng thu hút khách du lịch. Người Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh trong ngành du lịch đặc biệt là tham gia vào thị trường kinh doanh homestay tạo ra doanh thu vào khoảng 130 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.

 Trước khi huy động vốn hàng trăm tỷ cho Luxstay, Steven Nguyễn đã bỏ túi khoảng 5 triệu USD từ bán Netlink cho Yeah1  - Ảnh 1.

Quy mô thị trường homestay tại Việt Nam và doanh thu tại các vùng


Với sự xuất hiện của các nền tảng như Luxstay hay Airbnb đang góp phần tạo ra một thị trường tiềm năng, thay đổi thói quen và tạo ra lựa chọn mới cho người dùng. Công nghệ đang có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Theo bà Cản Phương Hà, đại diện Luxstay nhận định: "Việt Nam đặc thù dân số trẻ chiếm tỷ trọng cao, đối tượng tiếp cận các xu hướng mới rất nhanh chóng, đặc biệt là các dịch vụ trên nền tảng công nghệ. Mảng home sharing tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới, đạt quy mô tối thiểu 10%-20% tổng chi tiêu thị trường lưu trú vào khoảng 15 tỷ USD năm 2025.

Đại diện Luxstay cũng chia sẻ thêm mục tiêu của công ty không chỉ tập trung phát triển sản phẩm tại các khu vực trung tâm, thành thị. "Luxstay sẽ xây mong muốn sẽ khai phá các điểm đến mới góp phần phát triển du lịch cho Việt Nam, chúng tôi đặc biệt quan tâm các khu vực nông thôn, chưa phát triển du lịch nhưng có tiềm năng, cảnh quan đẹp để gây dựng thị trường. Qua đó tạo ra các trải nghiệm mới mẻ cho người dùng cũng như thu nhập cho người dân bản địa" - Bà Hà cho biết.

Trong báo cáo của AirDNA cũng chỉ rõ các khu vực thành phố có doanh thu lớn nhất về homestay hiện nay như TP.Hồ Chí Minh (41.6 triệu USD), Đà Nẵng (19 triệu USD), Hà Nội (13.3 triệu USD), Lâm Đồng (2.2 triệu USD).

Theo Châu Cao

Cùng chuyên mục
XEM