Trung Quốc và ước mơ trật tự thế giới mới

14/05/2017 08:33 AM | Xã hội

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như đe dọa nhiều thỏa thuận tự do thương mại khác thì bên kia bờ Thái Bình Dương, Chủ tịch tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đang thúc đẩy toàn cầu hóa.

Những kế hoạch như “Một vành đai, Một con đường” (BRI) hay “Con đường tơ lụa” đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nước và chuyên gia trên thế giới. Tuy vậy, điều mà mọi người vẫn đang tranh luận ở đây là mục đích thực sự của nước này là gì.

Kế hoạch BRI được bắt đầu từ cách đây 4 năm với mục tiêu bơm hàng trăm tỷ USD cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng một số công trình bị đầu tư quá mức và chỉ khiến tốn kém tài nguyên so với hiệu quả sử dụng thực sự.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều động thái của chính quyền Bắc Kinh nhằm mở rộng vị thế của mình trên thế giới trong vài năm qua. Trung Quốc cũng đã thành lập Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) làm đối trọng với một số tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng thế giới (World Bank) hay Ngân hàng ADB.

Cuối tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp những nhà lãnh đạo cao cấp của nhiều nước trên thế giới tại Bắc Kinh nhằm quảng bá dự án BRI.

Dẫu vậy, không phải tất cả những lãnh đạo quyền lực của mọi cường quốc đều tham gia. Phía Mỹ chỉ cử thành viên cấp cao của Hội đồng an ninh quốc gia, ông Matthew Pottinger đến đại diện.

Theo chuyên gia Tianjie của Oxford Economics, Châu Âu là khu vực khá chào đón kế hoạch mở rộng thương mại đầu tư của Trung Quốc nhưng nhiều nước phát triển như Mỹ lại không mấy thoải mái lắm khi nước này gia tăng vị thế.

Lo ngại từ phía Mỹ là có cơ sở khi các thành viên tham gia kế hoạch BRI của Trung Quốc chiếm tới 60% dân số thế giới và 1/3 nền kinh tế toàn cầu. Tính đến năm 2050, những nước thành viên này sẽ đóng góp 80% tăng trưởng GDP toàn thế giới, cao hơn nhiều so với mức 68% hiện nay.

Chuyên gia Jin Yong Cai của World Bank cho rằng Trung Quốc hiểu khá rõ rằng cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng là tạo ra những việc làm tốt cho người dân. Trong khi đó, thứ thiếu sót nhất trong các nền kinh tế, đặc biệt là những thị trường mới nổi hiện nay là cơ sở hạ tầng. Bởi vậy, tập trung đầu tư vào đây là một chiến lược khôn ngoan của chính quyền Bắc Kinh.

Ví dụ như dự án xây dựng hàng nghìn km đường cao tốc tại Pakistan, sân bay quốc tế tại Nepal hay đường xe lửa Trung Quốc–Lào. Hàng loạt những công ty lớn như GE, Siemens đã ngỏ ý muốn tham gia đầu tư cùng những nhà thầu xây dựng Trung Quốc bởi họ hiểu lợi nhuận trong mảng này lớn cỡ nào.

Mặc dù vậy, Chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, ông Jorge Wuttke nghi ngờ những dự án này liệu có thực sự hiệu quả, xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không.

Trong khi đó, viện Brookings cho rằng Trung Quốc vẫn đầu tư quá nhiều vào Châu Âu, Mỹ, Australia hay Canada nhiều hơn những nước đang phát triển nằm trong dự án BRI và điều nay làm dấy lên sự nghi ngờ về mục tiêu thực sự của chính quyền Bắc Kinh.

Một nguyên nhân nữa khiến các chuyên gia thắc mắc về tuyên bố tự do thương mại của Trung Quốc là dù nước này đầu tư mạnh tay ra nước ngoài nhưng lại siết chặt quản lý dòng vốn quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại đây. Điều này đi ngược lại với nhiều tuyên bố thúc đẩy toàn cầu hóa trước đó của chính quyền Bắc Kinh.

“Chúng tôi thực sự hy vọng rằng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường nội địa như những gì họ muốn làm trên thị trường quốc tế”, Đại sứ Liên minh Châu Âu (EU) tại Trung Quốc, ông Dietmar Schweisgut nói.

BT

Cùng chuyên mục
XEM