Trung Quốc và tham vọng cạnh tranh vũ trụ với Nga, Mỹ

17/10/2016 13:49 PM | Xã hội

Nếu cuộc chiến không gian giữa Mỹ và Nga là tâm điểm của nửa cuối thế kỷ 20 thì việc Trung Quốc trở thành tay chơi mới đầy tiềm năng lại đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong nửa đầu thế kỷ 21.

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch phóng tàu Thần Châu 11 vào quỹ đạo từ một bãi phóng quân sự tại Nội Mông. Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới chắc chắn sẽ đổ về khu vực này để chiêm ngưỡng bước tiến mới nhất của Trung Quốc trong mảng cạnh tranh không gian vũ trụ với Mỹ.

Một số chuyên gia cho biết việc phi hành đoàn trên Trạm không gian quốc tế (ISS) được dẫn đầu bởi Mỹ sẽ được cho nghỉ ngơi vào năm 2024 khiến Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất có phi hành đoàn hiện diện thường trực trong không gian.

Cựu phi hành gia Leroy Chiao của NASA và từng làm việc trên ISS nhận định sức mạng vũ trụ của Trung Quốc đang ngày một tăng và Mỹ đang đứng trước rủi ro bị tụt hậu lại trong tương lai.

Hiện chính quyền Bắc Kinh đang đổ tiền tài trợ những mục tiêu hết sức táo bạo như là quốc gia đầu tiên dò xét khoảng tối của mặt trăng hay gửi tàu tham dò sao hỏa vào năm 2020, qua đó thách thức các cơ quan không gian của Mỹ và Châu Âu.

Theo ước tính năm 2013 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Trung Quốc là quốc gia đứng thứ 2 toàn cầu về chi tiêu cho các dự án vũ trụ với khoản ngân sách 13 tỷ USD, xếp sau mức 40 tỷ USD của Mỹ.

Anh Chiao cho biết rõ ràng Trung Quốc đang cố gắng phát triển công nghệ vũ trụ cũng như hướng tới là một trong những cường quốc về mảng này.

Bất chấp việc lạc hậu so với Mỹ nhiều thập kỷ, Trung Quốc đang cố gắng bắt kịp các tay chơi hàng đầu trong mảng vũ trụ và đang tận dụng lợi thế công nghệ khi phát triển sau để đạt được mục tiêu đề ra.

Trong năm 2015, Trung Quốc đã phóng thành công 19 tàu lên quỹ đạo, cao thứ 2 toàn cầu sau Nga (26) và thậm chí vượt qua Mỹ (18). Năm 2016, nước này đặt mục tiêu phóng hơn 20 tàu vào quỹ đạo, một con số kỷ lục.

Về phía Mỹ, nước này chỉ có thể đưa phi hành đoàn của mình đi nhờ các chuyến phóng tàu vũ trụ của Nga sau các vụ nổ tàu con thoi cuối thập niên 2000, qua đó khiến NASA phải dừng chương trình này vào năm 2011.

Tháng 3/2015, một bản báo cáo của nghị viện Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang có ý định trở thành một đối thủ về quân sự, chính trị, thương mại, kinh tế với Mỹ trong mảng không gian vũ trụ.


Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh trong mảng không gian vũ trụ

Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh trong mảng không gian vũ trụ

Tham vọng chinh phục vũ trụ

Trong bản kế hoạch công bố mới đây, Trung Quốc cho biết họ muốn tăng chất lượng cho dự án phòng thí nghiệm Thiên Cung 2 trên vũ trụ.

Đây là một phần trong kế hoạch tăng cường sức mạng và vị thế trên vũ trụ của Trung Quốc.

"Trở thành một cường quốc trong mảng không gian vũ trụ luôn là một giấc mơ mà chúng ta luôn hướng đến", Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu như vậy nhân ngày vũ trụ tại Trung Quốc (25/4). Đồng thời, Ông Tập cũng hối thúc các quan chức tích cực phát triển mảng hàng không vũ trụ của nước này.

Sau những tuyên bố đầy mạnh mẽ của Chủ tịch Tập, Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng ngành hàng không vũ trụ. Tháng 9 vừa qua, nước này đã xây dựng xong chiếc kính thiên văn lớn nhất thế giới với tổng trị giá 180 triệu USD. Sản phẩm này có thể giúp các nhà khoa học quan sát cũng như ghi chép được toàn cảnh vũ trụ tốt hơn, đồng thời có thể nhận được tín hiệu cách xa trái đất đến 13,7 tỷ năm ánh sáng.

Đây là một trong những bước tiến quan trọng của Trung Quốc khi trở thành nước có khả năng phát hiện và ghi nhận tín hiệu, vật thể lạ xa nhất trái đất.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng hệ thống siêu máy tính nhằm xử lý những thông tin nhận được từ các trạm thiên văn này.

Vào tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa đẩy Long March 7 với tải trọng 13 tấn từ tổ hợp phóng hiện đại tại đảo Hải Nam. Vào cuối năm nay, nước này sẽ phóng những dòng tên lửa lớn hơn như Long March 5 với tải trọng 25 tấn, qua đó cạnh tranh với Mỹ cũng như Nga về khối lượng vận tải lên vũ trụ.

Tháng 3/2016, Trung Quốc công bố dự án xây dựng một trạm thiên văn không gian lớn gấp 300 lần so với trạm Hubble hiện nay của Mỹ. Trạm thiên văn này dự kiến sẽ được xây dựng gần trạm nghiên cứu Thiên Cung 3 của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã đưa thành công 23/35 vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) Baudou với tổng trị giá 810 triệu USD vào không gian, qua đó cạnh tranh chiến lược với hệ thống GPS của Mỹ.

Trước năm 2020, Trung Quốc đang có kế hoạch đưa một robot lên phần tối của mặt trăng và nếu dự án thành công, nước này sẽ đưa phi hành gia lên đó vào năm 2030 và thậm chí có kế hoạch chinh phục hành tinh này trong tương lai.

Chuyên về không gian vũ trụ, ông Jim Oberg nhận định việc chi 730 triệu USD cho các điểm phóng tàu vũ trụ cũng như các tên lửa đẩy cho thấy một bước tiến lớn của ngành công nghiệp không gian Trung Quốc.

Thậm chí, Trung Quốc còn đang ký thỏa thuận hợp tác với các dự án không gian của Mỹ vào tháng 6/2015, qua đó cho phép các nhà du hành Mỹ lên trạm không gian Trung Quốc để nghiên cứu.

Trước những mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Trung Quốc, nghị viện Mỹ đã phải ban hành luật cấm NASA hợp tác với nước này trong các dự án có thể liên quan đến quân sự vào năm 2011.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM