Trung Quốc và cơn bão thực phẩm biến đổi gen

06/10/2016 14:08 PM | Xã hội

Mới đây, một tiến sĩ tại một trung tâm thử nghiệm quốc gia về thực phẩm biến đổi gen ở Trung Quốc đã công bố những thông tin làm bàng hoàng toàn dư luận. Theo đó, trung tâm này đã gian lận khi thử nghiệm độ an toàn của những loại thực phẩm biến đổi gen, thuê những người không có trình độ vào làm...

Ngày 28/9 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã phải đình chỉ hoạt động đối với trung tâm trên trước sự phản ứng dữ dội từ truyền thông và dư luận.

Sự kiện trên cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của người dân Trung Quốc về vấn đề thực phẩm biến đổi gen trong 10 năm qua, nhất là khi chính quyền Bắc Kinh tăng cường thúc đẩy lĩnh vực này. Gần đây, tập đoàn quốc gia ChinaChem đã chi 43 tỷ USD để mua lại hãng sản xuất hạt giống biến đổi gen Syngenta.

Hiện những ý kiến phản đối rộng rãi trong công chúng Trung Quốc đang khiến chính quyền Bắc Kinh đau đầu. Nguyên nhân chính là dân số nước này ngày một tăng cao trong khi vấn đề an ninh lương thực của Trung Quốc đang lâm vào tình trạng khó kiểm soát.

Trong 30 năm trở lại đây, tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do tốc độ đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng quá nhanh chóng tại Trung Quốc. Hiện nước này chỉ chiếm 9% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn cầu như phải lo cái ăn cho tới 21% tổng dân số toàn thế giới.

Hệ quả tất yếu là kể từ năm 2011, thị trường Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ nước ngoài. Thậm chí, Trung Quốc đã trở thành thị trường chính cho nhiều loại mặt hàng trên thế giới.

Nhiều quan chức chính phủ nước này đã lo lắng Trung Quốc sẽ bị phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu cũng không thể tự sản xuất đủ lúa gạo, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác. Kết quả là chính quyền Bắc Kinh bắt đầu chú trọng vào thực phẩm biến đổi gen như một giải pháp đối phó với vấn đề này.


Ngô biến đổi gen cho năng suất tốt hơn tại Trung Quốc

Ngô biến đổi gen cho năng suất tốt hơn tại Trung Quốc

Dùng cây biến đổi gen từ năm 1992

Trên thực tế, áp lực lương thực đã đè nặng lên vai những nhà lãnh đạo Trung Quốc qua nhiều thập kỷ. Việc trồng lúa tại Trung Quốc đã có từ 8.000 năm trước và người dân nước này luôn cố găng tăng năng suất thu hoạch.

Năm 1992, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên đưa sản phẩm hạt giống biến đổi gen vào nông nghiệp với loại cây thuốc lá. Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu cấp một loạt bằng sáng chế cho các loại giống cây trồng biến đổi gen, từ hạt tiêu cho đến ớt.

May mắn thay, hiện mới chỉ có cây bông đột biến gen là được đưa vào sản xuất đại trà. Tuy vậy, nhiều giống cây trồng, đặc biệt là lúa gạo đột biến gen đang chờ phê duyệt để được trồng đại trà tại Trung Quốc, qua đó giải quyết cơn đói của người dân nước này.

Lâu nay, chính quyền Bắc Kinh thường lấy lý do lo ngại về an toàn thực phẩm để trì hoãn các cây giống đột biến gen. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều phòng thí nghiệm và trung tâm khoa học chứng minh những sản phẩm biến đổi gen là an toàn cũng như việc Trung Quốc cho phép nhập khẩu đậu nành và ngô biến đổi gen cho chăn nuôi đã minh chứng một tín hiệu từ chính quyền Bắc Kinh.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân duy nhất hiện nay khiến Trung Quốc chưa dám sử dụng rộng rãi thực phẩm biến đổi gen là do sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng truyền thông cũng như dư luận trong nước.

Với sự nổi tiếng về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, chính người dân Trung Quốc cũng cảm thấy bất an về những thực phẩm biến đổi gen dù chúng được chứng minh là an toàn. Dù chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng tuyên truyền cũng như ra các quy định chấn chỉnh vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng các vụ vi phạm vẫn xảy ra và hầu như không mấy người tiêu dùng nước này tin vào những gì các quan chức “hứa”.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM