Trung Quốc và chính sách chống đói nghèo mới của Chủ tịch Tập Cận Bình

24/05/2017 16:00 PM | Xã hội

Cách giải quyết chống đòi nghèo một cách cụ thể này xuất phát từ Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông còn làm lãnh đạo của tỉnh Phúc Kiến trong giai đoạn 1999-2002. Cách làm này ban đầu xuất hiện ở Phúc Kiến và lan rộng ra nhiều khu vực khác nhau trên cả nước.

Ông Tian Shuang là một người nghèo điển hình chuyên chăn dê tại vùng tự trị Hồi Ninh Hạ-Trung Quốc và hầu như tất cả những người thân của ông đều có cùng tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, ông Tian đã kiếm được công việc trồng nấm tại một vườn ươm trong thị trấn Minning với mức lương 20.000 Nhân dân tệ (2.900 USD)/năm, cao gấp 6 lần mức lương tối thiểu. Trường hợp của ông được dán trên bảng thông báo của chính quyền địa phương bởi họ là những người chủ động sắp xếp cho ông công việc này khi hưởng ứng chương trình chống đói nghèo của trung ương.

Chiến thuật của Chủ tịch Tập Cận Bình

Tên của ông Tian được dán cùng với 409 người khác, những công dân sẽ sống mãi trong cảnh nghèo khó nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền. Thông thường, những người nghèo này chỉ có thu nhập khoảng 3.200 Nhân dân tệ/năm, cao hơn 40% so với mức lương cơ bản nhưng hiếm khi có thể mua thịt quá 1 lần mỗi tuần hoặc mua quần áo mới.

Chính quyền địa phương nơi đây đã dán tên tuổi, địa chỉ và liệt kê chi tiết lý do tại sao những người này lại phải sống trong cảnh nghèo khó nhằm tìm kiếm biện pháp giải quyết. Có khoảng 77 người phải sống thiếu thốn vì lý do sức khỏe, 93 người thì bị tàn tật và nhiều lý do khác nữa. Ngoài ra, những người khác thì đề cập đến các nguyên nhân như không tìm được việc làm, cần một chiếc máy phát điện để sản xuất hay cần dê giống để chăn nuôi.

Từ những trường hợp cụ thể này, chính quyền địa phương bắt đầu tìm cách giúp đỡ từng người tùy theo nhu cầu và khả năng.

Cách giải quyết chống đòi nghèo một cách cụ thể này xuất phát từ Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông còn làm lãnh đạo của tỉnh Phúc Kiến trong giai đoạn 1999-2002. Cách làm này ban đầu xuất hiện ở Phúc Kiến và lan rộng ra nhiều khu vực khác nhau trên cả nước.

Cụ thể, chính quyền địa phương sẽ tập trung vào từng cá nhân được xác nhận là nghèo đói với những chi tiết cụ thể nhằm giúp họ thoát nghèo chứ không đổ tiền phát triển chung chung cho khu vực nghèo rồi hy vọng cuối cùng những hộ nghèo sẽ được hưởng lợi.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã thực hiện cách làm này nhằm giúp tầng lớp dưới đáy xã hội thoát nghèo nhưng Trung Quốc là một trong vài nước đang phát triển có hệ thống công quyền đủ mạnh để làm tốt chương trình này.

Hiện nay, Trung Quốc đang là ngôi sao trên thế giới trong mảng xóa đói giảm nghèo. Số liệu chính thức của chính phủ cho thấy Trung Quốc đã xóa nghèo hoàn toàn tại các thành phố và giảm lượng người có mức thu nhập dưới chuẩn nghèo (2.300 Nhân dân tệ/năm theo tỷ giá năm 2010) từ 775 triệu người năm 1980 xuống 43 triệu người năm 2016. Chính quyền Bắc Kinh đang có tham vọng hạ con số này xuống 0 vào năm 2020.

Cách đây 2 năm, Chủ tịch Tập đã từng đặt mục tiêu xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi lên nắm quyền. Ông Tập từng tuyên bố đây là nhiệm vụ căn bản để thiết lập một xã hội Trung Quốc hiện đại.


Số người nghèo tại nông thôn Trung Quốc và số người nhận trợ cấp của chính phủ (triệu người)

Số người nghèo tại nông thôn Trung Quốc và số người nhận trợ cấp của chính phủ (triệu người)

Theo nhiều chuyên gia chính trị, nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và đối phó tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong xã hội là điều thiết yếu nhằm duy trì ảnh hưởng cũng như vị thế của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ và tăng trưởng nóng trong vài thập niên trở lại đây nhưng khu vực nông thôn vẫn chưa được hưởng nhiều lợi ích, qua đó tạo nên sự nghi ngờ trong tầng lớp người nghèo dưới đáy xã hội.

Tuy nhiên, việc hoàn toàn xóa bỏ tình trạng đói nghèo là nhiệm vụ vô cùng khó khăn tại Trung Quốc khi chính quyền địa phương có thể tìm giải pháp cho những người thiếu việc làm, thiếu dụng cụ hay các nguồn lực nhưng khó lòng giúp những người tàn tật và già cả thoát nghèo.

Một báo cáo mới đây của chính phủ Trung Quốc cho thấy 46% số trường hợp nghèo đói của nước này là do nguyên nhân sức khỏe.

Cho dù vậy, chính sách giúp đỡ người nghèo tới từng trường hợp này của Trung Quốc là một bước đi hiệu quả nhằm tránh được tình trạng tham nhũng, công quyền và phí phạm tài nguyên quốc gia. Tính đến năm 2014, Trung Quốc đã hoàn thành việc đăng ký các trường hợp bị liệt vào dạng nghèo đói và chính quyền địa phương được yêu cầu xây dựng một bản kế hoạch sơ bộ cho từng trường hợp nhằm giúp họ thoát nghèo.

Ngoài Trung Quốc, Philippines và Mexico cũng đã có những chính sách tương tự nhằm xóa đói giảm nghèo cũng như chống tham nhũng, thất thoát tiền hỗ trợ người nghèo.

Những bất cập trong chương trình xóa đói giảm nghèo

Trước đây, Trung Quốc đã có chương trình hỗ trợ tài chính cho người nghèo nhưng theo Ngân hàng thế giới (World Bank) cho rằng chúng không hiệu quả. Trong khoảng 2007-2009, World Bank cho biết chỉ khoảng 10% những hộ gia đình nhận tiền hỗ trợ người nghèo từ chính phủ mới có thu nhập dưới chuẩn nghèo. Số còn lại theo World Bank là không đủ tiêu chuẩn để nhận hỗ trợ.

Thêm vào đó, tình trạng tham nhũng cũng diễn ra phổ biến. Năm 2015, một quan chức chính phủ tại tỉnh Hà Nam đã bị phát hiện lợi dụng tên của những hộ nghèo để lập 267 tài khoản ngân hàng khống nhằm thu lợi bất chính từ tiền trợ cấp cho người nghèo, tương đương khoảng 500.000 Nhân dân tệ.

Tất cả những bất cập này hiện nay tại Trung Quốc đang dần biến mất dưới sự cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tầng lớp người nghèo hiện nay được xác định rõ và được đào tạo hoặc cung cấp những thứ mà họ thực sự cần chứ không còn đơn giản được cho tiền như trước đây.

Hơn nữa, tình trạng tham nhũng với chương trình hỗ trợ cho người nghèo đang dần bị xóa bỏ. Chuyên gia kinh tế Ben Westmore của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã theo dõi số liệu tổng hợp của 5 tỉnh tại Trung Quốc và kết luận rằng khoảng 1/3 số người nhận trợ cấp thực sự là hộ nghèo vào năm 2014, con số không cao nhưng tốt hơn nhiều so với mức 10%.

Tại tỉnh Quảng Đông, một nghiên cứu cũng cho thấy hơn một nửa số người nhận trợ cấp thực sự có thu nhập dưới chuẩn nghèo.

Dẫu vậy, các chuyên gia quốc tế cho rằng chính quyền Bắc Kinh vẫn còn chặng đường rất dài phải đi. Chương trình hỗ trợ người nghèo chủ yếu được thực hiện bởi chính quyền địa phương và họ hoàn toàn có thể xác lập tiêu chuẩn riêng về “người nghèo”, qua đó thu lợi bất chính.

Theo tờ Economist, tại một ngôi làng nhỏ chứa đến 100 người của tỉnh Sơn Tây-Trung Quốc, chỉ có khoảng 10 gia đình người thân với trưởng làng là được đưa vào danh sách các hộ nghèo cần trợ cấp.

Thêm vào đó, việc dựa vào tiêu chuẩn những hộ nghèo ở nông thôn để đánh giá những hộ nghèo ở thành phố là không hợp lý và do đó tuyên bố rằng các thành thị không có người nghèo có thể chưa chính xác. Nghiên cứu của ông Westmore cho thấy dù người dân thành thị không có ai có thu nhập dưới 2.300 Nhân dân tệ/năm theo chuẩn nghèo nhưng mức chi phí tại đây lại cao hơn.

Vì vậy, theo số liệu thu thập được của vị chuyên gia này, số người nghèo tại thành thị Trung Quốc trên thực tế có thể cao gấp 4-5 lần so với các vùng nông thôn.

Mặc dù vậy, không thể thừa nhận rằng chính quyền Bắc Kinh đang có những tiến bộ rõ rệt trong việc xóa đói giảm nghèo.

Số liệu của chính phủ cho thấy ngân sách hỗ trợ người nghèo đã đạt đỉnh năm 2013 sau đó giảm dần, một phần chủ yếu là do chính quyền Bắc Kinh siết chặt quản lý cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ mới cho người nghèo.

Hiện nay, Trung Quốc tiêu tốn khoảng 0,2% GDP cho hỗ trợ người nghèo, thấp hơn so với một số quốc gia khác, ví dụ như Indonesia với 0,5% GDP.

Với tốc độ xóa đói giảm nghèo khoảng 10 triệu cá nhân hàng năm như hiện nay theo báo cáo của chính phủ, Chủ tịch Tập có thể đạt mục tiêu chấm dứt nghèo đói vào năm 2020 như đã tuyên bố. Tuy nhiên, mục tiêu này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và câu chuyện nghèo đói, bất bình đẳng xã hội có thể vẫn còn chưa thể chấm dứt tại Trung Quốc sau đó.

BT

Cùng chuyên mục
XEM