Trung Quốc thiếu điện khiến doanh nghiệp nước ngoài tính chuyển hướng đầu tư

03/10/2021 20:02 PM | Kinh doanh

Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đang xảy ra tại nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc khiến một loạt các doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng dòng vốn đầu tư sang các quốc gia khác.

Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đang xảy ra tại nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc khiến một loạt các doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng dòng vốn đầu tư sang các quốc gia khác.

Gần đây, nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc giới hạn hạn mức sử dụng điện, khiến cho hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng rất lớn. Các biện pháp hạn chế này được áp dụng khi quốc gia đông dân nhất thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt than phục vụ sản xuất điện. Chính quyền các địa phương phải chịu áp lực rất lớn khi không thể làm trái lời kêu gọi của chính phủ nhằm mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính. 

"Một vài công ty cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng họ đã đi đến một quyết định khác ở thời điểm hiện tại", theo Johan Annell, chuyên gia tại Asia Perspective, công ty tư vấn đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp hoạt động tại khu vực Đông và Đông Nam Á.

Khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến đó có giá trị lên tới hàng chục tỷ USD, Annell cho biết. Trong khi Trung Quốc "vẫn là một điểm đến lý tưởng” đối với các công ty sản xuất, nhiều doanh nghiệp hiện tại chuyển hướng sang đầu tư sang khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

"Sự bất ổn định, đó là điều không ai có thể biết hoặc có thể dự đoán chính xác diễn biến trong vài tháng tới", ông chia sẻ và nhấn mạnh bản thân đã trao đổi với hơn 100 doanh nghiệp.

Trung Quốc thiếu điện khiến doanh nghiệp nước ngoài tính chuyển hướng đầu tư - Ảnh 1.

Các cột điện tại một khu vực ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/9. Ảnh: Getty Images.

Cắt điện trên diện rộng

Hồi tuần trước, nhiều thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông và thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, đã áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng điện. Những biện pháp có đôi phần tiêu cực này đã khiến cho vài chuyên gia kinh tế Trung Quốc đánh giá lại triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới trong năm nay.

Quảng Đông là tỉnh có sản lượng hàng hoá xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc, chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này trong 8 tháng đầu năm, theo dữ liệu được công bố chính thức. Tỉnh Liêu Ninh đứng thứ 16 cả Trung Quốc xét theo tiêu chí giá trị xuất khẩu, chiếm 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

"Tình trạng bất ổn này có thể sẽ kéo dài trong 2 quý tới", Annell cho biết.

Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ và châu Âu xác nhận rằng tình trạng cắt điện luân phiên tại Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn lên quyết định đầu tư của họ tại quốc gia này.

"Nhiều công ty phụ thuộc vào tính ổn định và sự dễ dàng trong việc nắm bắt các chính sách", theo Matt Margulies, phó chủ tịch phụ trách hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung.

"Họ cần những thông báo sớm về bất cứ sự gián đoạn nào trong cung cấp nguồn điện để đảm bảo tính an toàn và liên tục của hoạt động sản xuất", ông cho biết. "Họ cần được lấy ý kiến để có thể tìm ra những giải pháp tốt nhất nhằm đáp ứng lợi ích của tất cả các bên liên quan. Một các tiếp cận kiểu "cào bằng” sẽ gây ra không ít xáo trộn, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến mức độ tự tin trên thị trường".

Các báo cáo và những bàn luận xoay quanh các biện pháp hạn chế sử dụng điện, đặc biệt là tại khu vực miền nam Trung Quốc, đã xuất hiện từ một vài tháng trước, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính. 

Các công ty lưới điện địa phương cũng đang phải đối mặt với vô vàn áp lực từ tình trạng thiếu hụt than đá và nhu cầu sử dụng điện cao của các nhà máy trong quá trình chạy đua sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng đột biến đối với hàng hóa Trung Quốc. Tình trạng thiếu điện đã gây ra tình trạng mất điện luân phiên tại nhiều thành phố và các nhà máy, và có thể sẽ kéo dài qua mùa đông năm nay.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM