Trung Quốc: Thất bại trong công cuộc lãnh đạo toàn cầu hóa?

06/11/2018 11:30 AM | Xã hội

Hiện nay, Trung Quốc chỉ đứng thứ 59/62 theo đánh giá của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về mức độ mở cửa cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt mục tiêu "người Mỹ trước hết" làm cương lĩnh hành động của mình thì phía bên kia bờ Thái Bình Dương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tại các diễn đàn thế giới nhằm quảng bá cho vị thế của một cường quốc mới, một anh cả cho quá trình toàn cầu hóa.

Trong khi Mỹ rút khỏi hiệp định TPP, Trung Quốc lại tăng cường xây dựng hiệp định RCEP, dự án "một vành đai Một con đường". Nếu Mỹ xem xét lại hàng loạt thỏa thuận thương mại, giảm bớt đầu tư công tại nhiều quốc gia thì Trung Quốc lại tăng cường đổ tiền ra khắp thế giới.

Trong thời kỳ đầu khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Washington và Bắc Kinh dường như 2 thái cực đối lập khi một bên theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ còn bên kia luôn kêu gọi tự do thương mại.

Tuy vậy, đã gần 2 năm trôi qua nhưng Trung Quốc vẫn chưa đạt được một thành quả rõ rệt nào cho toàn cầu hóa. Chưa có một hiệp định thương mại lớn nào được ký kết dù là song phương hay đa phương. Tệ hơn, nền kinh tế thứ 2 thế giới đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trung Quốc: Thất bại trong công cuộc lãnh đạo toàn cầu hóa? - Ảnh 1.

 Thậm chí, Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phát biểu gần đây tại Diễn đàn kinh tế thế giới cũng chưa thuyết phục được các chuyên gia và nhà đầu tư rằng Trung Quốc đã là một nền kinh tế mở cửa.

Sắp tới đây, Triển lãm quốc tế IIE tổ chức tại Thượng Hải-Trung Quốc thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia sẽ diễn ra và Chủ tịch Tập Cận Bình theo lịch trình sẽ có một bài phát biểu nữa tại đây. Điều trớ trêu là 18 nguyên thủ tham gia triển lãm trên phần lớn là nước nhỏ. Duy nhất chỉ có Nga là một trong số các nước G20 có nguyên thủ sang tham dự.

Trong khi đó, hàng loạt các nhãn hàng nổi tiếng khác, như Adidas, P&G, Walmart hay Uniqlo cũng chỉ cử đại diện chi nhánh tại Trung Quốc chứ không có lãnh đạo cấp cao nào sang tham dự. Thậm chí hãng Starbucks đã hoạt động tại Trung Quốc 15 năm qua cũng chỉ có đại diện chi nhánh, dù CEO Kevin Johnson của công ty cũng ở Thượng Hải trong cùng thời gian này.

Rõ ràng, "Ước mơ Trung Hoa" mà giới truyền thông nước này cổ xúy thời gian qua không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của thế giới.

Kỳ vọng cao, thất vọng nhiều

Khi Tổng thống Trump quyết định giải quyết khoản thâm hụt thương mại 423 tỷ USD với các nền kinh tế khác, phía Trung Quốc đã từng tuyên bố rằng họ sẽ nhập khẩu 24 nghìn tỷ USD hàng hóa của thế giới trong 15 năm tới, thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do thương mại, trở thành nền kinh tế dịch vụ tiêu dùng không thua kém gì Mỹ.

Tuy vậy cho đến hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa trở thành một nền kinh tế tự do khi các tập đoàn quốc doanh nhận quá nhiều ưu đãi từ chính phủ trong khi nhiều hãng quốc tế than phiền họ bị phân biệt đối xử.

Chính điều này đã khiến những lời tuyên bố của của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vài năm qua về mở cửa nền kinh tế, hỗ trợ thương mại tự do… trở nên nực cười.

Hiện nay, Trung Quốc chỉ đứng thứ 59/62 theo đánh giá của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về mức độ mở cửa cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khảo sát tháng 6/2018 của Hội đồng thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc cho thấy gần 50% số công ty được hỏi cho biết họ không tiếp cận được thị trường này do rào cản luật pháp.

Mặc dù một số mảng kinh tế như tài chính ngân hàng hay sản xuất ô tô đã được nới lỏng cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng nói chung các doanh nghiệp quốc tế vẫn đánh giá thấp tốc độ cải tổ của thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc: Thất bại trong công cuộc lãnh đạo toàn cầu hóa? - Ảnh 2.

 Trong cuộc triển lãm tới đây ở Thượng Hải, bất chấp 18 nguyên thủ quốc gia sẽ tham dự, Mỹ và Châu Âu lại khá thờ ơ. Đại sứ quan Mỹ tại Trung Quốc thông báo sẽ cử quan chức cấp cao tới tham dự, nhưng cũng không quên cảnh báo rằng: "Trung Quốc cần thực hiện những cuộc cải tổ cần thiết để chấm dứt tình hình mất cân bằng thương mại hiện nay, vốn gây hại cho nền kinh tế toàn cầu".

Đại sứ Pháp và Đức cũng kêu gọi Trung Quốc cần mở cửa thị trường hơn trong một bức thư chung đăng tải bởi Caixin.

AB

Cùng chuyên mục
XEM