Trung Quốc tham vọng ngôi bá chủ công nghệ

13/08/2016 20:16 PM | Kinh doanh

Kế hoạch tổng thể của Trung Quốc mới công bố nêu chi tiết những chiến lược táo bạo về công nghệ và Internet để nước này có thể đạt được vị trí thống trị ngành công nghệ toàn thế giới trong một tương lai không xa.

Theo The Diplomat, Trung Quốc đang hướng tới thực hiện Kế hoạch 10 năm bao gồm tập hợp các mục tiêu về công nghệ thông tin cũng như đưa ra lời cam kết chính phủ sẽ tăng cường giám sát và kiểm soát không gian mạng. Bản kế hoạch chi tiết đã được Quốc vụ viện và Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc công bố ngày 27/7 vừa qua, nêu ra hướng dẫn những điều phải làm trong thập niên tới. Bắc Kinh xem việc thực hiện được những mục tiêu trong kế hoạch là bước quan trọng để xây dựng "quyền lực" của Trung Quốc trong ngành công nghệ.

Tạo ra một ngành công nghệ thông tin đẳng cấp thế giới là ưu tiên hàng đầu

Bản kế hoạch chi tiết của Bắc Kinh có tên chính thức là: "Phác thảo Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin cấp quốc gia". Về cơ bản, Trung Quốc sẽ nỗ lực để phát triển ngành công nghệ thông tin trong nước cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu cho các công ty công nghệ và internet của quốc gia vào năm 2025. Chiến lược này đặt ra mục tiêu rất cao và đã vạch ra tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành lãnh đạo mới của ngành công nghệ toàn thế giới, vượt qua cả Mĩ hay Đức.

Điểm cốt lõi trong chiến lược mới đã khẳng định vai trò ưu việt của công nghệ thông tin trong việc phát triển tương lai của Trung Quốc và được ghi rõ ràng là: "nếu không phát triển được công nghệ thông tin, sẽ không có hiện đại hóa". Ngoài ra, bản kế hoạch cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc có đạt được tới giai đoạn phát triển mới hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chấp nhận của đất nước với các công nghệ mới.

Các mục tiêu chính và thời hạn

Trong chiến lược 10 năm tới, Trung Quốc sẽ tập trung vào hai mốc quan trọng đó là 2020 và 2025.

Vào năm 2020, Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường sức mạnh của mình trong một số ngành "công nghệ cốt lõi" như sản xuất chip hay cung cấp các dịch vụ phần mềm quy mô lớn tốt nhất thế giới. Kế hoạch cũng đề cập tới việc sẽ tăng thêm 350 triệu người được kết nối internet băng thông rộng và mở rộng các dịch vụ 3G, 4G ra cả nước. Đồng thời, các nhà làm chính sách Trung Quốc cũng kêu gọi những bước đột phá mới trong công nghệ 5G thông qua các nỗ lực nghiên cứu và phát triển.

Vào năm 2025, Trung Quốc mong muốn xây dựng được một mạng lưới thông tin di động hàng đầu thế giới để cạnh tranh với các quốc gia tiên tiến nhất. Theo kế hoạch, Trung Quốc lúc đó sẽ được mô tả như là một quốc gia: "Công nghệ tiên tiến, công nghiệp nổi bật, khéo léo trong ứng dụng và bất khả xâm phạm trong an ninh mạng". Các công ty đa quốc gia của Trung Quốc sẽ mở rộng liên tục ra nước ngoài với những cải tiến mới nhất về công nghệ.

Các công ty Trung Quốc sẽ dẫn đầu công nghệ thế giới trong năm 2025?

Xuyên suốt qua 10 năm của chiến lược, các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin sẽ đạt được sự tăng trưởng to lớn. Bắc Kinh dự đoán là trong năm 2020, việc tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ CNTT sẽ đem về 903 tỉ USD và thương mại điện tử sẽ đem về 5,7 nghìn tỉ USD. Lãnh đạo Trung Quốc hi vọng con số có thể tăng gấp đôi trong năm 2025.

Điểm mới về chủ nghĩa dân tộc

Bên cạnh những khía cạnh đã được nêu ra trong các sáng kiến trước đó như sáng kiến "Internet Plus" hay kế hoạch "Made in China 2025", bản kế hoạch lần này được cho là táo bạo hơn khi nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực phát triển công nghệ thông tin với chủ nghĩa dân tộc. Theo đó, những người soạn thảo bản kế hoạch đã nêu bật ra mối liên kết rõ ràng giữa việc phát triển CNTT để cạnh tranh với toàn cầu với sứ mệnh đảm bảo an ninh và thịnh vượng trong tương lai của Trung Quốc.

Những điểm mới này cũng đã được thể hiện trong một bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hồi tháng 4 năm nay. Khi đó, ông Tập nói rằng trong thời đại công nghệ hiện nay, việc đổi mới trong nước, kiểm soát an ninh mạng, hỗ trợ phát triển R&D và tăng cường quyền sở hữu của Trung Quốc trong những ngành "công nghệ cốt lõi" là rất quan trọng cho tương lai.

Những điểm trong bài phát biểu của ông Tập cũng đã được các quan chức hàng đầu tại Cục quản lí Không gian ảo Trung Quốc (CAC) và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) nhắc đi, nhắc lại trong vài tháng qua. Bắc Kinh đã nhận ra được tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển công nghệ trong mục tiêu đạt được vị trí thống trị và hoàn thành cái gọi là "Giấc mơ Trung Hoa" trong việc phát triển kinh tế bền vững.

Ngụ ý giảm phụ thuộc vào các công ty nước ngoài

Chiến lược mới nêu bật và củng cố khẩu hiệu của lãnh đạo Trung Quốc đó là phải kiểm soát các ngành "công nghệ cốt lõi" như chip, phần mềm quy mô lớn và các linh kiện phần cứng quan trọng. Ngoài ra, chiến lược cũng chỉ ra những lạc hậu trong công nghệ của Trung Quốc hiện nay là "thách thức nổi bật" nhất cần phải đối đầu.

Trước đó, Bắc Kinh đã tìm cách phát triển các ngành "công nghệ cốt lõi" bằng cách liên doanh, liên kết với các công ty công nghệ nước ngoài cũng như thúc đẩy "sự sáng tạo bản địa" từ ngay các công ty Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc cũng lập ra nhiều quỹ để khuyến khích nghiên cứu phát triển như Quỹ Đầu tư chip Quốc gia có giá trị 21,3 tỉ USD để hỗ trợ các công ty hay trường đại học nghiên cứu về chip. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẵn sàng theo đuổi các sáng kiến mới có triển vọng.

Chiến lược mới hứa hẹn sẽ tăng cường hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) hiện nay, bằng cách cải thiện sự phối hợp hành động giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp cũng như mở rộng R&D ở nước ngoài. Một số lĩnh vực được ưu tiên R&D đó là công nghệ internet trên di động, điện toán đám mây, công nghệ Big Data và Internet of Things (IoT).

Bên cạnh đó, mới đây, Trung Quốc đã cho công bố thêm "kế hoạch 5 năm" lần thứ 13 về nghiên cứu và phát triển nhằm tăng chi tiêu cho R&D lên 2,5% GDP vào năm 2020. Được biết, trong năm 2015 vừa qua, Trung Quốc đã chi 2,1% GDP (khoảng 210 tỉ USD) để phát triển R&D và nước này muốn tăng mức chi tiêu hơn nữa.

Thể chế hóa tầm nhìn về chủ quyền internet và quy định về an ninh mạng

Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục thể chế hóa tầm nhìn của họ trong vấn đề "chủ quyền internet". Theo đó, Trung Quốc cho rằng mọi quốc gia đều có quyền thực hiện giám sát và kiểm soát các hoạt động liên quan tới internet trong phạm vi của nước mình. Dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tuyên truyền mạnh hơn về khái niệm này và yêu cầu các quốc gia khác tôn trọng chủ quyền internet của họ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hướng trọng tâm đến tăng cường khuôn khổ pháp lí và quy định trong nước về an ninh mạng. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật, nhất là các đạo luật mới và sắp được ban hành như luật An ninh mạng (Cyber Security Law, CSL) trong việc bảo vệ các lợi ích của đất nước. CSL, đạo luật hiện đang được xem xét thông qua bởi các nhà lập pháp đã bị phản đối dữ dội ở nước ngoài vì yêu cầu phải nội địa hóa cơ sở dữ liệu và các yêu cầu mới về đảm bảo an ninh mạng có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc.

Tăng cường ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc trong các chuẩn mực an ninh mạng, quản lí internet và tiêu chuẩn công nghệ thông tin

Bên cạnh việc tăng cường nội lực công nghệ trong nước, chiến lược mới cũng cho thấy mối quan tâm của Bắc Kinh trong việc tăng cường sức ảnh hưởng quốc tế với việc hình thành các chuẩn mực an ninh mạng, quản lí internet và tiêu chuẩn công nghệ thông tin mới do người Trung Quốc tạo ra.

Chiến lược nhấn mạnh rằng Trung Quốc không thể đạt được mục tiêu thống trị của mình nếu không có ảnh hưởng gì trên trường quốc tế. Qua đó, Trung Quốc phải phát triển nhiều công nghệ và tiêu chuẩn mới có khả năng dẫn dắt nền công nghệ Trung Quốc và các quốc gia khác phát triển cũng như tăng cường hợp tác đa quốc gia.

Theo Nguyễn Long

Cùng chuyên mục
XEM