Trung Quốc nguy cơ mất vị thế 'công xưởng thế giới': Thế hệ thừa kế nhà máy non tay, thiếu kiến thức, áp lực đến nỗi phải từ bỏ

08/08/2023 14:35 PM | Kinh doanh

“Changerdai”, thuật ngữ chỉ những chủ nhà máy thế hệ thứ hai, đang rất thịnh hành.

Trung Quốc nguy cơ mất vị thế 'công xưởng thế giới': Thế hệ thừa kế nhà máy non tay, thiếu kiến thức, áp lực đến nỗi phải từ bỏ - Ảnh 1.

Sau khi lăn lộn làm nhiều công việc khác nhau, từ bán đồ nội thất đến thương mại điện tử suốt 10 năm, Rachel He quyết định về nước vào năm 2021 để tiếp quản nhà máy 30 năm tuổi của gia đình. Cha mẹ cô hiện đã già yếu, khó có thể bao quát toàn bộ công việc hàng ngày của 50 nhân công.

“Tôi là con một. Nếu tôi không quay lại, nhà máy có thể phải đóng cửa. Những nhân viên theo bố tôi 10 năm, 20 năm khi đó sẽ ra sao”, cô gái 34 tuổi nói.

Tọa lạc tại Phật Sơn, Quảng Đông, nhà máy của He thuộc cụm công nghiệp địa phương chuyên mạ nhôm – vật liệu không thể thiếu trong các tòa nhà văn phòng và thang cuốn trung tâm thương mại.

Chập chững vào nghề, He không có nhiều kiến thức, cũng không biết cách vận hành nhà máy hay nằm lòng quy trình tuyển dụng. Kết quả, sau 2 năm, cô gái này vẫn loay hoay: Vừa xoay sở trong điều kiện kinh tế suy thoái, vừa bận chăm cha trong bệnh viện.

“Đôi khi tôi cảm thấy rất mệt mỏi và không biết phải làm gì. Tôi tham khảo ý kiến bạn bè trong nhóm chat về cách quản lý nhà máy, thậm chí đã tính đến nước rút lui khỏi thương trường”, He kể.

Nhóm chat mà He nhắc tới bao gồm hàng trăm “Changerdai”, thuật ngữ chỉ những chủ sở hữu nhà máy thế hệ thứ hai giống như cô. Họ kết nối với nhau thông qua các bài đăng trực tuyến kể từ khi “Changerdai” nổi lên và bắt đầu thịnh hành vào đầu năm nay.

Cha mẹ “Changerdai” đa phần xuất thân từ những gia đình khiêm tốn, chèo lái cơ ngơi trong thời kỳ vàng son của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng có, thu lợi từ lĩnh vực bất động sản và cuộc cách mạng đô thị hóa rực rỡ. Quy mô các công ty gia đình dù nhỏ, song vẫn đóng vai trò trụ cột giúp đất nước vươn lên thành “công xưởng của thế giới”.

Sau 3 thập kỷ, thế hệ tiếp nối được tiếp cận Internet và nền tảng giáo dục bài bản. Họ đứng ở một xuất phát điểm cao hơn, song không được ủng hộ bởi điều kiện kinh tế sa sút. Chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi, trong khi cạnh tranh lại ngày càng cao giữa các quốc gia.

“Cha tôi bảo thời kỳ có thể kiếm bộn tiền trong ngành này đã qua lâu rồi”, He than thở, đồng thời cho biết mình đã từng có ý định nghỉ việc nhưng không nỡ. “Nhân công nhà máy giờ khó tìm việc ở độ tuổi này lắm. Tôi không thể bỏ rơi họ được”.

Ngoài He, Zheng Shijie cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái bất động sản. Năm 2019, anh chính thức tiếp quản một nhà máy sản xuất ở Vũ Hán từ người chú của mình. Chuyên sản xuất thiết bị phân phối điện, cơ ngơi này có giá trị sản lượng công nghiệp hàng năm lên tới gần 20 triệu nhân dân tệ (2,78 triệu USD).

Chia sẻ với SCMP, Shijie cho biết doanh thu chính của nhà máy đến từ các dự án của thành phố. Suy thoái khiến chính quyền địa phương thiếu tiền mặt, vậy nên hạn chế xây dựng rất nhiều. Trước áp lực ngày càng lớn, Zheng quyết định từ bỏ.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins, Jiao quyết định quay trở lại nhà máy may vest của cha có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh vào cuối năm ngoái, ngay trước khi một công ty thương mại hủy bỏ hợp đồng mua khoảng 200.000 bộ quần áo/năm với gia đình cô.

Trung Quốc nguy cơ mất vị thế 'công xưởng thế giới': Thế hệ thừa kế nhà máy non tay, thiếu kiến thức, áp lực đến nỗi phải từ bỏ - Ảnh 2.

Jiao

Đơn đặt hàng bị mất, cộng thêm những khoản nợ phát sinh khiến Jiao cảm thấy áp lực. “Thành thật mà nói, trong 5-6 năm tới, tồn tại được đã là một điều thành công”, Jiao nói.

Sau một thời gian thảo luận, cha Jiao tiếp tục tập trung quản lý nhà máy để con gái có thời gian khám phá điều mới mẻ. Thông qua các khóa học thiết kế trang phục, Jiao chủ động tạo mẫu và lựa vải thay vì chỉ đơn giản làm theo yêu cầu của khách hàng và tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn.

“Tôi chỉ muốn bán được nhiều quần áo hơn và mang về nhiều đơn đặt hàng hơn. Tôi không muốn các nhà máy phải đóng cửa”, Jiao nói.

Không chỉ tham vọng giúp doanh nghiệp thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan, hầu hết các chủ nhà máy thuộc thế hệ thứ hai đều muốn chứng tỏ bản thân, đặc biệt là với cha mẹ và nhân viên lâu năm - những người có thể vẫn coi họ là ‘trẻ con’.

“Ở những công ty nhỏ như của chúng tôi, bất kỳ ai mang được đơn đặt hàng mới về đều đủ tiêu chuẩn làm ông chủ”, He nói. “Trước đó, mọi người khó tôn trọng bạn lắm. Tôi không nghĩ chúng tôi là Changerdai. Chúng tôi đơn giản chỉ là những doanh nhân thế hệ đầu tiên”.

Trước khi Kitty Pan quay trở lại quê hương vào năm 2019, nhà máy gia đình chuyên sản xuất ghế spa và gội đầu đang trên bờ vực sụp đổ. Cuộc chiến về giá đã khiến doanh nghiệp này chảy máu tiền mặt.

“Nếu cạnh tranh về giá tiếp tục, chúng tôi sẽ không có lối thoát. Tại sao chúng ta không đi theo hướng ngược lại: tập trung nhiều hơn vào chất lượng thay vì giá cả”, Kitty Pan nói.

Nhờ ký được một hợp đồng dài hạn, Pan đã giúp nhà máy đi vào ổn định ngay trong thời đại dịch. Nhiều khách hàng nước ngoài mới xuất hiện. Hoạt động xuất khẩu hiện chiếm 80%. Công ty cũng được chính quyền địa phương công nhận vào cuối năm ngoái là “doanh nghiệp công nghệ cao”.

“Luôn có nhiều giải pháp”, Pan nói. “Thời gian thay đổi. Chúng ta cũng cần nghĩ cách thích nghi”.

Gloria Liang, 27 tuổi, may mắn hơn Pan bởi nhà máy gia công tấm kim loại của gia đình đã có sẵn một lượng khách hàng ổn định. Cô muốn doanh nghiệp mình phát triển hơn nữa nên đã quyết định quảng bá nhà máy và các sản phẩm trên mạng xã hội, qua đó mở rộng hoạt động kinh doanh đồ nội thất bằng cách thu hút khách hàng trực tuyến.

Liang tin rằng khả năng cạnh tranh trong tương lai của nhà máy phụ thuộc vào sự đổi mới. “Chúng tôi không chỉ muốn sản xuất mà còn là sản xuất thông minh”.

Trung Quốc nguy cơ mất vị thế 'công xưởng thế giới': Thế hệ thừa kế nhà máy non tay, thiếu kiến thức, áp lực đến nỗi phải từ bỏ - Ảnh 3.

Gloria Liang, 27 tuổi

Cũng ở tuổi 27, Sun Chuanzhen đang tìm cách quảng cáo trực tuyến các sản phẩm của gia đình để thu hút khách hàng nước ngoài. Không giống như các lĩnh vực sản xuất truyền thống khác, ngành công nghiệp hóa chất đang phát triển rất nhanh và gần như không bị ảnh hưởng bởi quá trình di dời chuỗi công nghiệp toàn cầu.

Dẫu vậy, Sun vẫn lên kế hoạch tối ưu hóa sản phẩm, sau đó phát triển công thức chất kết dính mới tiên tiến và thân thiện hơn với môi trường. Cô cho rằng ngành công nghiệp hóa chất Trung Quốc có nhiều lợi thế, song điều đó không có nghĩa sẽ bất di bất dịch.

“Vấn đề bây giờ là một số quốc gia mới nổi tại Đông Nam Á, châu Mỹ Latinh và thậm chí cả châu Phi đều muốn xây dựng các ngành công nghiệp hóa chất của riêng mình. Họ giống như Trung Quốc 20 năm trước. Nếu chúng ta không tiến lên một bước, chắc chắn sẽ sớm bị thay thế”, Sun nói. “Chúng ta nên tiếp tục phát triển những sản phẩm tốt hơn dựa trên những lợi thế sẵn có”.

Theo: SCMP



Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM