Trung Quốc hút đầu tư R&D dược phẩm, vì một tương lai của thuốc "Made in China"?
Thành lập một trung tâm R&D ở Trung Quốc giờ đã trở thành nhiệm vụ sống còn của các hãng dược phẩm lớn trên thế giới.
Các công ty dược phẩm lớn từ khắp nơi trên thế giới đang lũ lượt đổ về Trung Quốc. Họ đang xây dựng hàng loạt trung tâm R&D để khai thác lợi thế của quốc gia 1,3 tỷ dân này.
Sanofi, công ty dược phẩm đa quốc gia của Pháp vừa mới khai trương một trung tâm R&D tại Thành Đô. Đây cũng là trung tâm R&D đầu tiên của họ tại Châu Á. Công ty dự tính sẽ chi 66 triệu Euro (tương đương 73,6 triệu USD) tại thành phố phía tây nam Trung Quốc để tiến hành một loạt các nghiên cứu về tiểu đường và bệnh miễn dịch.
Quy mô dân số khổng lồ của Trung Quốc sẽ giúp các công ty dược phẩm như Sanofi dễ dàng tuyển chọn đủ người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng, nhất là các thử nghiệm thuốc dành cho bệnh hiếm gặp.
Và mặc dù Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong một cuộc chiến thương mại, toàn bộ lĩnh vực dược phẩm của họ vẫn đang bình yên vô sự. Các công ty dược phẩm vẫn được khuyến khích đầu tư vào Trung Quốc. Và khi Trung Quốc nhập khẩu thuốc từ Mỹ, các loại thuốc này cũng không bị Bắc Kinh đánh thuế trả đũa.
Trung Quốc hút đầu tư dược phẩm, vì một tương lai của thuốc Made in China?
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang dần mất đi lợi thế của một trung tâm sản xuất toàn cầu do chi phí lao động bắt đầu tăng lên. Thế nhưng, các tập đoàn dược phẩm vẫn nhìn thấy tiềm năng ở quốc gia này.
Họ đang rủ nhau tới Trung Quốc để mở rộng các hoạt động R&D.
Upjohn, đơn vị trực thuộc công ty dược phẩm Pfizer Hoa Kỳ cũng vừa thành lập một trụ sở toàn cầu của mình tại Thượng Hải hồi tháng Năm. Upjohn đang thực hiện các nghiên cứu để xây dựng một cơ sở dữ liệu theo dõi bệnh nhân và các tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng lên họ.
Công ty Shionogi & Co. của Nhật Bản thì đang phát triển một số loại thuốc mới của mình tại Trung Quốc. Các loại thuốc này thậm chí được thử nghiệm tại Trung Quốc trước cả tại Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu. Shionogi & Co. đang thu thập dữ liệu để chứng minh tính an toàn và khả thi trước khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng điều trị bệnh lao.
Năm ngoái, thị trường dược phẩm của Trung Quốc đã cán mốc 137 tỷ USD, tăng trưởng 240% so với năm 2008 theo dữ liệu của IQVIA. Trung Quốc đã trở thành một thị trường dược phẩm lớn thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Dự kiến họ sẽ tiếp tục tăng trưởng để đạt 170 tỷ USD vào năm 2023.
Song song với đó, Bắc Kinh liên tục có nhiều động thái mời gọi các nhà phát triển thuốc trên toàn cầu.
Đầu tiên là xây dựng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt ngang tầm với các nước tiên tiến, Năm 2017, Trung Quốc đã tham gia một cơ quan quốc tế, cùng nhau làm việc để đạt được sự đồng thuận về các thông số chất lượng kỹ thuật áp dụng cho cả Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản.
Năm ngoái, thị trường dược phẩm của Trung Quốc đã cán mốc 137 tỷ USD, tăng trưởng 240% so với năm 2008
Bên cạnh đó, họ lại nới lỏng các hạn chế cho phép sử dụng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng từ nước ngoài. Số lượng các loại thuốc xếp hàng chờ cấp phép cũng tăng lên. Khi Trung Quốc áp dụng một hệ thống theo dõi nhanh để phê duyệt các loại thuốc tiên tiến, họ đã rút ngắn được quá trình phê duyệt với một loại thuốc mới xuống 1-2 năm.
Điển hình là tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt roxadustat, một phương pháp điều trị thiếu máu do bệnh thận mạn tính gây ra. Thuốc được phát triển bởi AstraZeneca, một công ty dược của Anh và FibroGen, một công ty sinh hóa của Hoa Kỳ.
Cho tới hiện tại, roxadustat vẫn đang phải trải qua các quy trình thử nghiệm lâm sàng ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Trong khi đó ở Nhật Bản, loại thuốc này cũng đang phải chờ phê duyệt.
Trong các nghiên cứu về ung thư dạ dày và nhiều vấn đề tiêu hóa phổ biến ở Châu Á, Trung Quốc bây giờ có thể phục vụ như một sân khấu lớn.
Các nghiên cứu về tái mục đích sử dụng thuốc – dùng các thuốc đã được cấp phép cho các mục đích y tế mới – đang nở rộ ở phương Tây. Làn sóng này chắc cũng sẽ sớm bắt đầu một cách nghiêm túc ở Trung Quốc.
Takeda, hãng được phẩm lớn nhất Nhật Bản đang có dự định phát triển Trung Quốc trở thành thị trường chiến lược quan trọng thứ 4 của mình, chỉ sau Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu.
Trong vòng 5 năm tới, công ty có kế hoạch giới thiệu 10 sản phẩm mới tại Trung Quốc. Chủ tịch Barshe Weber của họ cho biết, đó là khoảng thời gian đủ để Takeda tích lũy được dữ liệu và các kiến thức mới từ Trung Quốc.
Các nhà sản xuất thuốc bây giờ coi việc thành lập một trung tâm R&D ở quốc gia 1,3 tỷ dân là nhiệm vụ sống còn.
Rõ ràng, trong kế hoạch phát triển của mọi hãng dược phẩm bây giờ, Trung Quốc là một địa điểm chiến lược mà ở đó họ chắc chắn phải đặt cơ sở R&D. Không giống như giá nhân công lao động đang gia tăng, dược phẩm ở Trung Quốc vẫn đang là một miền đất hứa.
Trong khi các mặt hàng điện gia dụng và điện thoại thông minh đã phát triển bùng nổ từ quốc gia này, dược phẩm "Made in China" vẫn chưa chứng minh được vị thế xứng đáng.
Để cải thiện tình hình, chính phủ Trung Quốc đang mở rộng sáng kiến "Made in China 2025" sang cả lĩnh vực dược phẩm sinh học. Mục tiêu vẫn không thay đổi: Thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài, dựa vào làn sóng đó để nâng cao năng lực của chính các nhà sản xuất thuốc Trung Quốc.