Trung Quốc “hắt hủi” nhà đầu tư nước ngoài

04/05/2016 19:46 PM | Xã hội

Bắc Kinh dường như xác định đã đến lúc dồn lực cho các công ty trong nước và không quá mặn mà với doanh nghiệp nước ngoài.

Từng một thời trải thảm đón doanh nghiệp nước ngoài song giờ đây, Trung Quốc lại bị tố đang ngược đãi các nhà đầu tư được cho là một trong những nhân tố giúp nước này nhanh chóng vươn tới ngôi vị nền kinh tế số 2 thế giới.

“Thách thức”, “dè dặt”, “đầy ngờ vực” là những từ mà các công ty Mỹ và châu Âu hoạt động ở Trung Quốc dùng để mô tả môi trường đầu tư sở tại. Mối quan ngại này ngày càng lớn, từ chủ nghĩa bảo hộ đang tăng, tiếp cận thị trường bị hạn chế cho đến chuyện o ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và chính sách siết chặt kiểm duyệt internet.

Tình trạng trên diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang hướng vào tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu, để thúc đẩy tăng trưởng. Một số chuyên gia đã bắt mạch được sự thay đổi âm thầm của Trung Quốc: Nước này không còn mặn mà theo đuổi vốn đầu tư nước ngoài nữa. Tuy nhiên, ít có công ty nước ngoài nào dám công khai lên tiếng. Họ thường chỉ bày tỏ sự bất mãn với các đại sứ quán hoặc nhóm vận động hành lang cho doanh nghiệp.

“Các công ty nước ngoài ở Trung Quốc chưa bao giờ thấy tình trạng ảm đạm và bi đát như lúc này. Họ không dám kiện và cũng chẳng dám công khai lên tiếng bởi sợ bị trả đũa mạnh mẽ” - ông James McGregor - một doanh nhân đã sống ở Trung Quốc hơn 2 thập kỷ, hiện là chủ tịch hãng tư vấn APCO Worldwide tại Trung Quốc - chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông).

Chẳng hạn, hãng thời trang Đức Hugo Boss đăng ký thương hiệu ở Trung Quốc năm 1987 nhưng suốt nhiều năm qua, thương hiệu lừng danh thế giới này vẫn bị hãng quần áo của Trung Quốc có cái tên khá giống là BOSSsunwen đeo đẳng cáo buộc vi phạm bản quyền. Tòa án Tối cao Hồng Kông hồi tháng 4-2015 đã ra phán quyết cấm sử dụng thương hiệu BOSSsunwen tại đặc khu này song Hugo Boss lại thua cả 2 vụ kiện ở Trung Quốc đại lục.

Ông Michael Clauss, Đại sứ Đức tại Trung Quốc, cho biết ông nhận được phàn nàn ngày càng nhiều về vấn đề xuất khẩu nông sản tới Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn bị tố tăng cường “câu giờ” hoạt động cấp phép nhập khẩu dược phẩm. Quá trình này trước đây thường mất 2 năm nhưng giờ thậm chí còn lâu hơn. “Nhân viên hành chính thiếu hụt và trách nhiệm chồng chéo là một phần nguyên nhân. Nhưng thủ phạm chính là thủ tục kiểm tra không giống ai của Trung Quốc” - ông Clauss lý giải.

Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho thấy 75% công ty thành viên nhận thấy sự “hắt hủi” ở Trung Quốc. Trong khi đó, những trở ngại mới lại nổi lên, như luật an ninh mới - đòi các công ty công nghệ nước ngoài phải chuyển giao công nghệ như là điều kiện tiên quyết để được phép đầu tư tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo ông McGregor, Trung Quốc đang ưu ái cho những công ty trong nước, tập trung mạnh cho các lĩnh vực công nghệ cao. “Chính phủ nước này dường như xác định rằng đã đến lúc dồn lực cho các công ty địa phương và không quá mặn mà với doanh nghiệp nước ngoài” - doanh nhân này nhận định.

Obama: Mỹ cần TPP

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa thúc giục quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để bảo đảm Washington giành được quyền kiểm soát thương mại toàn cầu tại khu vực này.

Thâm hụt thương mại thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục năm ngoái Ảnh: AP
Thâm hụt thương mại thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục năm ngoái Ảnh: AP

Trong bài viết đăng trên báo The Washington Post ngày 2-5, ông chủ Nhà Trắng lập luận TPP sẽ cho phép Mỹ và các đối tác thiết lập những quy tắc của kinh tế toàn cầu chứ không phải những nước như Trung Quốc.

“Các quốc gia khác phải tuân theo những quy tắc mà Mỹ và các đối tác thiết lập, không phải ngược lại. TPP sẽ cho chúng ta quyền như thế” - nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Obama chỉ ra rằng Trung Quốc đang tìm cách hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), gồm 16 thành viên, vào cuối năm nay và điều này càng nêu bật sự cấp thiết của việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP.

Theo Reuters, ông Obama đang nỗ lực hoàn thành TPP trước khi rời Nhà Trắng vào ngày 20-1-2017. Mục tiêu này đòi hỏi ông vượt qua sự phản đối đến từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như trấn an những cử tri đang lo lắng về tác động của hiệp định đối với việc làm, môi trường.

Tổng thống Obama cho biết ông hiểu sự hoài nghi nêu trên nhưng cảnh báo “hành động xây bức tường để cô lập chúng ta với kinh tế toàn cầu” sẽ phản tác dụng đối với nước Mỹ.

Ông khẳng định TPP sẽ giúp kinh tế Mỹ mạnh hơn khi thỏa thuận này gắn kết 12 quốc gia chiếm gần 40% kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, hiệp định thương mại mà Trung Quốc đang thương thảo khiến “công ăn việc làm, doanh nghiệp và hàng hóa Mỹ đối mặt rủi ro”.

Cũng lên tiếng về mối đe dọa của Trung Quốc nhưng ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump một ngày trước đó tập trung vào điều mà ông gọi là Bắc Kinh đang “cưỡng hiếp” Washington trong hoạt động giao thương.

Có thể hiểu được sự công kích này bởi số liệu mới nhất cho thấy thâm hụt thương mại thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 365,7 tỉ USD trong năm ngoái.

Phe chỉ trích cáo buộc Bắc Kinh cố tình giữ đồng nội tệ ở mức thấp để thúc đẩy hàng xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời cản trở công ty Mỹ xuất hàng sang Trung Quốc.

Theo họ, chiêu trò này góp phần tạo ra sự mất cân bằng thương mại khổng lồ nêu trên.

Phương Võ

Theo Thu Hằng

Cùng chuyên mục
XEM