Trung Quốc: Doanh nghiệp thực phẩm điêu đứng, người tiêu dùng hoang mang vì những đoạn clip "câu view" trên mạng

11/04/2017 11:01 AM | Sống

Tại Trung Quốc, những thông tin về làm giả sản phẩm lại đang lên ngôi trở thành xu thế mới trong ngành thông tin truyền thông. Việc người dân quá lo ngại về vấn đề an toàn chất lượng thực phẩm đã khiến hàng loạt những thông tin, clip giả về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện để câu view và thậm chí là tống tiền doanh nghiệp.

Vào ngày 17/2/2017, ông Zeng Huaqing, chủ một nhà máy sản xuất rong biển nhận được một đoạn clip 10 giây từ khách hàng cho thấy một người dân phát hiện một mảnh nhựa màu đen trong túi rong biển mang tên công ty. Dẫu vậy, ông Zeng trấn an khách hàng và bỏ nó khỏi tâm trí vì cho rằng chẳng ai lại tin vào việc rong biển có thể làm từ nhựa.

Tuy nhiên, đoạn clip mà theo ông Zeng, một chủ doanh nghiệp làm rong biển 17 năm qua cho là “vớ vẩn” này đã nhanh chóng lan truyền trên mạng với 20 phiên bản khác nhau, thu hút tới 20 triệu lượt xem trên Webo, trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc với 313 triệu lượt người sử dụng mỗi tháng.

Ngay lập tức, giá rong biển tại Jinjiang, nơi sản xuất 70% rong biển ở Trung Quốc đã giảm giá tới hơn 50%.

Mặc dù ngay lập tức chính phủ Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp báo cho biết đoạn clip trên là giả, nhưng người dân vẫn không tin tưởng. Việc có quá nhiều vụ làm giả thực phẩm cũng như tiêu chuẩn chất lượng quá kém của các mặt hàng sản xuất trong nước đã khiến dân chúng nơi đây mất niềm tin vào hàng nội địa.

Tuy nhiên, việc có nhiều clip giả được tung lên mạng càng làm người tiêu dùng lo âu hơn.

Vào ngày 27/2, Cục trưởng Cục dược phẩm và thực phẩm Trung Quốc (CFDA), ông Bi Jingquan cho biết không đời nào người tiêu dùng sẽ ăn miếng thứ 2 nếu họ cảm thấy có vấn đề với rong biển trong lần nhai đầu tiên và những người làm đoạn clip giả trên là bịa đặt và xứng đáng bị bỏ tù.

Bất chấp những lời bào chữa của chính phủ, thiệt hại gây ra với ngành rong biển Trung Quốc là rất lớn. Mỗi năm, Jinjiang sản xuất khoảng 20.000 tấn rong biển và với việc giá bán giảm từ 11.600 USD/tấn xuống chỉ còn 5.800 USD/tấn khiến hàng loạt công ty cũng như người dân trong vùng phải lao đao.

Một khảo sát vào tháng 3/2017 cho thấy khoảng 75% số người dân sau khi xem xong đoạn clip trên cho biết họ sẽ tạm dừng mua rong biển trong thời gian tới.

Công ty Ayibo Food, một hãng sản xuất rong biển đã hoạt động được hơn 30 năm cho biết họ nhận được khá nhiều cuộc gọi tống tiền với những clip phiên bản khác nhau về làm giả rong biển.

“Chúng tôi không mong sẽ có lợi nhuận trong năm nay. Những đoạn clip giả trên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh và khiến chúng tôi mất hàng triệu Nhân dân tệ khi mọi người bàn tán về chúng dù có chủ đích hay không”, giám đốc Li Xiaojang của Ayibo cho biết.

Loạn thông tin về thực phẩm giả

Tại Trung Quốc, những thông tin về làm giả sản phẩm lại đang lên ngôi trở thành xu thế mới trong ngành thông tin truyền thông. Việc người dân quá lo ngại về vấn đề an toàn chất lượng thực phẩm đã khiến hàng loạt những thông tin, clip giả về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện để câu view và thậm chí là tống tiền doanh nghiệp.

Theo phòng nghiên cứu dữ liệu và truyền thông đại học Sun Yat-sen, hơn 15% trong số 2.175 tin đồn được chia sẻ trên Wechat trong khoảng tháng 4/2015-3/2016 liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến mảng thông tin này trở thành đề tài được tranh luận sôi nổi thứ 2 tại Trung Quốc.

Vào năm 2016, một bài báo đăng tải thông tin thực phẩm tôm hùm tại Trung Quốc chứa đầy ký sinh trùng đã thu hút được 54 triệu lượt xem trên WeChat trong khi Hiệp hội khoa học và công nghệ thực phẩm Trung Quốc (CIFST) cho biết tôm hùm nấu chín là hoàn toàn an toàn để có thể sử dụng.

CIFST cũng cho biết trong năm 2016, rất nhiều thông tin giả mạo không được thẩm định qua các cơ quan chuyên môn cũng như những nguồn tin rõ ràng như nho được tưới thuốc ngừa thai, ăn sơ ri Trung Quốc có thể nhiễm H7N9 hay thịt lợn nhiễm ký sinh trùng đã được tung lên mạng. Theo CIFST, những thông tin này không được kiểm chứng rõ ràng nhằm gây hoang mang trong người dân và thiệt hại cho các nhà sản xuất. Ví dụ trường hợp lợn nhiễm ký sinh trùng không phải thông tin chính xác. Theo điều tra của CIST, đây chỉ là một đoạn gân của các mô trong thịt lợn.

Bất chấp những điều đó, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn rất sợ hãi với các sản phẩm nội địa. Tình trạng này bắt đầu nảy sinh từ sau vụ sữa giả năm 2008 gây chấn động nước này. Khoảng 300.000 trẻ em Trung Quốc đã gặp vấn đề về đường tiết niệu và ít nhất 6 trẻ sơ sinh đã thiệt mạng khi dùng sữa bột trộn Melamine, một chất hóa học được dùng trong sản xuất điện và có thể gây sỏi thận cho người dùng. Những người nuôi bò đã bỏ chất này vào sữa nhằm tăng lượng protein để có thể bán giá cao hơn và công ty sản xuất sữa dù biết điều này nhưng vẫn làm ngơ.

Mặc dù vụ việc đã chấm dứt từ rất lâu và những người sản xuất sữa giả đã bị trừng trị nhưng người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa có niềm tin trở lại với hàng nội địa. Bằng chứng là nhu cầu sử dụng sữa từ Hongkong vẫn rất cao khiến thị trường này rơi vào tính trạng khan hiếm sữa bột, qua đó buộc chính quyền Hongkong phải ban hành các quy định giới hạn người Trung Quốc đại lục mua sữa từ đây.

Sau vụ bê bối trên, Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như cải tổ lại hệ thống thanh tra. Dẫu vậy, người dân vẫn chẳng tin tưởng lắm vào các tuyên bố của nhà chức trách. Suy cho cùng, người tiêu dùng không dễ dàng kiểm chứng các thông tin và việc tin tưởng vào những thông tin giả cũng như dè chừng khi mua hàng vẫn an toàn hơn là không.

BT

Cùng chuyên mục
XEM