Trung Quốc đổ hàng tỷ USD chống đói nghèo bằng...thương mại điện tử

07/03/2018 10:30 AM | Xã hội

Số liệu của Bộ nông nghiệp Trung Quốc cho thấy từ năm 2013 đến 2015, giao dịch điện tử tại các vùng nông thôn đã tăng gấp 3 lần lên 23,6 tỷ USD.

Anh Huang Dehuai là một thương nhân kinh doanh phân bón khắp Trung Quốc với lợi nhuận 1.600 USD/tháng. Tuy nhiên gần đây anh đã chuyển về quê nhà Beisuo để kinh doanh thương mại trực tuyến nông sản ở tỉnh Quảng Đông.

"Một phần công việc của tôi là giúp dân làng bán quả hồng trực tuyến. Họ biết rất ít về Internet chứ chưa nói đến thương mại điện tử", anh Huang nói.

Động lực chính khiến anh Huang từ bỏ công việc tiểu thương lợi nhuận để kinh doanh ngành thương mại điện tử là mong muốn giúp quê hương thoát nghèo.

Trên thực tế, câu chuyện của anh Huang chỉ là một ví dụ trong rất nhiều trường hợp quay về quê hương kinh doanh trực tuyến. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã cổ vũ các doanh nhân quay về quê hương để phát triển thương mại điện tử.

Thu nhập của các vùng quê Trung Quốc đã tăng lên nhưng vẫn chưa bắt kịp được với tốc độ ở thành thị. Năm 2017, các thống kê cho thấy thu nhập ở thành thị cao gấp 3 lần so với nông thôn. Khoảng 30 triệu người nông dân Trung Quốc, chủ yếu làm nghề nông, vẫn phải sống trong cảnh đói nghèo.

Do đó, những nhà hoạch định chính sách tin rằng thương mại điện tử sẽ giúp người nông dân bán được nhiều hàng hóa hơn, tăng cường thêm thu nhập. Dẫu vậy, nhiều thách thức vẫn còn tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách này.

Trung Quốc đổ hàng tỷ USD chống đói nghèo bằng...thương mại điện tử - Ảnh 1.

Một gia đình ở Đông Nam Trung Quốc cho thấy sản phẩm của họ trước khi chuyển hàng cho khách

Chống đói nghèo bằng thương mại điện tử

Năm 2016, chính quyền Bắc Kinh đã xác định việc thúc đẩy thương mại điện tử ở nông thôn là một trong những chiến lược giúp giảm đói nghèo tại nước này. Hàng tỷ Nhân dân tệ đã được đầu tư cho đường xá, hệ thống hậu cần, Internet đến các vùng nông thôn. Đến năm 2020, Trung Quốc kỳ vọng sẽ phát triển cơ sở hạ tầng đầy đủ cho thương mại điện tử ở 50% số vùng nông thôn đói nghèo trên cả nước.

Nắm bắt được cơ hội này, các nhà khởi nghiệp bắt đầu để ý đến thị trường nông thôn. Năm 2016, Alibaba đã cho xây dựng những trung tâm dịch vụ Rural Taobao tại khoảng 22.000 ngôi làng. Những trung tâm này được trang bị thiết bị điện tử và sẽ giúp người nông dân mở các cửa hàng trực tuyến trên Taobao, trang kinh doanh online lớn nhất nước.

Không chịu kém cạnh, đối thủ JD cũng mở các trung tâm tương tự tại 1.700 thị trấn hoặc khu vực nhằm thúc đẩy thương mại điện tử ở vùng quê.

Nhờ những nỗ lực đó, doanh thu trực tuyến của vùng nông thôn Trung Quốc đã tăng đáng kể. Số liệu của Bộ nông nghiệp Trung Quốc cho thấy từ năm 2013 đến 2015, giao dịch điện tử tại các vùng nông thôn đã tăng gấp 3 lần lên 23,6 tỷ USD.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn còn gặp rất nhiều thách thức cho việc thúc đẩy thương mại điện tử chống đói nghèo ở nông thôn.

Thiếu nhân tài

Trong khoảng 2011-2016, số lao động nông thôn di cư lên thành phố ở Trung Quốc đã tăng 11,4% lên 281 triệu người, để lại khoảng trống nhân lực vô cùng lớn cho các vùng quê.

Bởi vậy, chính phủ Trung Quốc cho biết trở ngại lớn nhất với chính sách thương mại điện tử nông thôn là thiếu những nhân tài và doanh nhân có tâm như anh Huang. Theo Bộ thương mại Trung Quốc (MoC), với mức lương thấp, việc đào tạo, tuyển dụng và giữ chân nhân viên kinh doanh trực tuyến tại nông thôn là rất khó.

Trung Quốc đổ hàng tỷ USD chống đói nghèo bằng...thương mại điện tử - Ảnh 2.

Trung tâm hỗ trợ thương mại điện tử của JD

Chính điều này tạo nên thách thức lớn khi chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng người nông dân không biết cách sử dụng chúng thế nào để kinh doanh trực tuyến. Tồi tệ hơn, nhiều chính quyền địa phương để gây ấn tượng với cấp trên hoặc cố gắng hoàn thành chỉ tiêu đã cho xây những tòa nhà kinh doanh trực tuyến sang trọng nhưng trống không vì không tuyển được nhân lực.

Khảo sát của MoC cho thấy tính đến năm 2016, Trung Quốc có khoảng 1.122 trung tâm thương mại điện tử và có đến 300 trung tâm ở trong tình trạng hoang sơ. Rất nhiều trung tâm còn trống không và nhiều nơi tỷ lệ trống cao tới 40%.

"Phần lớn các địa phương muốn cho cấp trên thấy kết quả ngay lập tức, những thứ mà các quan chức có thể trưng bày cho mọi người thấy như những trung tâm thương mại điện tử", Giám đốc Wu Dong quản lý 31 trung tâm thương mại điện tử ở Trung Quốc cho hay.

Trong khi đó, anh Huang cho biết người nông dân còn kém hiểu biết và đôi khi khó có thể thay đổi suy nghĩ của họ. Tại quê anh Huang, dân làng không hiểu tại sao lại bán một lô hoa quả 6 trái thay vì 12 trái như họ thường làm. Họ cảm thấy như vậy là thiệt trong khi thực tế anh Huang đang giúp người nông dân bán được với giá cao hơn với tổng sản lượng nhiều hơn.

Đồng quan điểm trên, giám đốc marketing Li Xingning của Dafengshou nhận định việc lấy được lòng tin của người nông dân là vô cùng quan trọng bởi khi làm được điều đó, các startup có thể biến nông dân thành những khách hàng sử dụng dịch vụ của họ.

Còn nhiều thách thức

Mặc dù những ông lớn như Alibaba hay JD đã tham gia thị trường thương mại điện tử nông thôn nhưng chúng không có nghĩa mảng kinh doanh này đang trở nên béo bở. Trên thực tế, kinh doanh online tại các vùng quê thực sự là một miếng bánh khó nhằn.

Đầu tiên, những nông sản vùng nông thôn sẽ phải cạnh tranh trực tuyến với các tiểu thương truyền thống và những hãng nông sản có kinh nghiệp về thương mại điện tử. Đối với các công ty và người dân, mức giá là điều tối quan trọng thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, việc mua nông sản từ nông thôn không hề rẻ khi nông dân muốn bán được giá, cộng thêm chi phí dịch vụ của các công ty kinh doanh trực tuyến cùng chi ví vận chuyển, lưu kho…

Thêm vào đó, lợi ích của các cổ đông mới là điều các doanh nhân quan tâm hơn là lời cổ vũ chống đói nghèo từ chính phủ. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ không tham gia thị trường này nếu không có đủ lợi ích hấp dẫn.

Trung Quốc đổ hàng tỷ USD chống đói nghèo bằng...thương mại điện tử - Ảnh 3.

Hội nghị giáo dục thương mại điện tử cho người nông dân của Dafengshou

Tồi tệ hơn, chi tiêu cho thương mại điện tử ở Trung Quốc đã giảm tốc so với thời kỳ bùng nổ cách đây vài năm. Số liệu của MoC cho thấy khách hàng nông thôn chi tới 141 tỷ USD mua sắm trực tuyến vào năm 2016 nhưng chúng đã giảm xuống chỉ còn 25 tỷ USD vào năm 2017.

Ngoài ra, anh Huang cũng cho biết việc tuyết phục khách hàng tin tưởng chất lượng sản phẩm online không hề dễ, nhất là với mặt hàng nông sản. Thông thường người tiêu dùng vẫn thích gặp trực tiếp và chọn sản phẩm hơn.

Bất chấp những khó khăn đó, Alibaba và JD đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền Bắc Kinh đầu tư hàng loạt hệ thống thanh toán trực tuyến, bảo hiểm, cho vay điện tử… đến các vùng nông thôn.

"Phát triển thương mại điện tử vùng nông thôn không hề dễ, nhưng chúng tôi đang cố hết sức để làm điều đó", ông Ling Shuisheng, một quan chức ở tỉnh Quảng Đông nhận định.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM