Trong khi Vinasun liên tục tố Uber, Grab thì ông chủ Mai Linh lại khẳng định "đáng phải học hỏi từ hai mô hình này"

26/07/2017 17:26 PM | Kinh doanh

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, ông Hồ Huy cho biết hãng sẽ không tham dự vào bất sự vụ kiện cáo nào liên quan đến Uber, Grab.

Tháng 2/2014 Grab chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam và đến tháng 6 cùng năm đó, Uber cũng tiếp bước. Sự xuất hiện của hai ông lớn công nghệ đã thay đổi hoàn toàn bức tranh giao thông tại những thành phố lớn, biến người dùng từ thói quen gọi lên hãng taxi, chờ điều xe mất 5-10 phút và đôi khi bị ép giá, thì nay hoàn toàn chủ động trong việc gọi xe cũng như trả phí.

Trong khi người dùng hào hứng vì được đi taxi giá rẻ, kèm theo nhiều khuyến mãi hấp dẫn, đối thủ của Uber, Grab, các hãng vận tải truyền thống lại gặp không ít lao đao. Mới đây Vinasun, đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi lớn nhất thị trường phía Nam, tuyên bố cho gần 8.000 nhân viên nghỉ việc trong nửa đầu năm nay. Lợi nhuận sau thuế lao dốc 32% xuống còn 101 tỷ đồng.

Còn với Mai Linh, lợi nhuận công ty cũng chạm đáy trong vòng 5 năm trở lại đây, theo báo cáo tài chính năm 2016. Lợi nhuận trước thuế lại giảm tới 62% và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 66,8%.

Tuy nhiên trong khi Vinasun liên tục “tố” Uber, Grab né tránh các loại thuế, phí đồng thời thực hiện hàng loạt các chương trình giảm giá, khuyến mại để cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường thì phía Mai Linh lại đang có những động thái khác hẳn.

Trong khi Vinasun liên tục tố Uber, Grab thì ông chủ Mai Linh lại khẳng định đáng phải học hỏi từ hai mô hình này - Ảnh 1.

Trao đổi với Zing, ông Hồ Huy, chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Mai Linh cho biết: “Nói một cách nghiêm túc là đáng phải học hai sản phẩm này, một của châu Á và một của châu Âu. Tuy nhiên, có một điều là quan điểm, văn hóa kinh doanh của họ tôi lại không đồng ý”.

Theo ông, một muốn tồn tại lâu bền, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, cần gánh vác trách nhiệm với xã hội, với người lao động, đặc biệt là đóng góp vào ngân sách nhà nước. Với khoảng 50.000 xe của hai công ty công nghệ này, Nhà nước đã thất thoát hàng ngàn tỷ đồng thuế mỗi năm. Ngoài ra Grab và Uber đang lỗ, nên việc đốt tiền để khuyến mãi qua các mã giảm giá không thể kéo dài.

“Người dân nếu có nhận thức đúng đắn sẽ chọn công ty thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn. Các doanh nghiệp cần có sự công bằng, khi đó mọi chuyện không có gì phải ồn ào”, chủ tịch Mai Linh chia sẻ với Báo Đầu Tư trong một cuộc trò chuyện gần đây.

Đề cập đến vấn đề kinh doanh khó khăn khi có sự xuất hiện của Uber, Grab, ông Huy cho rằng các hãng không nên đổ lỗi cho taxi công nghệ vì điều này chỉ thể hiện sự bế tắc trong hoạt động. Thay vào đó, cần tìm lối thoát để thương hiệu không bị giảm giá trị và rơi vào bờ vực phá sản.

“Kiện người khác không quan trọng bằng việc nhìn lại mình xem có thể thay đổi và học hỏi được điều gì từ họ. Vinasun kiện Grab, Uber cũng đúng và tôi cũng ủng hộ, nhưng đây không phải là mục tiêu chính của Mai Linh. Thay vào đó, chúng tôi dành nguồn lực đầu tư công nghệ, thay đổi hệ thống quản trị. Cốt lõi là phải thay đổi chính mình”.

Ông Huy cho biết Tập đoàn Mai Linh đã áp dụng tổng đài thông minh để thay thế cho nhân viên thủ công, giảm đến 50% nhân lực. Tập đoàn cũng mua ứng dụng đặt xe của Ấn Độ rồi cải tiến thành 3 ứng dụng (ứng dụng cho taxi truyền thống, ứng dụng cho taxi công nghệ và ứng dụng cho tài xế), dự kiến đưa vào hoạt động trong 2 tháng tới.

Ở thời điểm Uber, Grab vẫn chỉ dừng lại ở taxi truyền thống và mô tô 2 bánh, Mai Linh đã vận hành thử nghiệm 5 xe buýt điện tại một số tuyến trung tâm với mức thu đủ chi. Nếu hiệu quả, công ty sẽ làm thủ tục để đăng ký 1 - 2 xe buýt điện (loại 30 chỗ ngồi - 40 chỗ đứng) hoạt động tại TP.HCM.

“Nếu không cạnh tranh, xây dựng, cấu trúc lại để tồn tại thì Mai Linh hay bất cứ một doanh nghiệp nào ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài cũng không thể tồn tại trước chính sách của Uber, Grab”, ông Huy kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM