Trong khi nhiều người sợ phơi nhiễm thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông thì hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới vẫn bôi chúng hàng ngày lên mặt

04/09/2019 14:23 PM | Xã hội

Đọc bài viết này và bạn sẽ hiểu tại sao nên mua một hộp kem làm trắng có thương hiệu hơn là các sản phẩm trôi nổi rẻ tiền. Cái gì cũng có giá của nó.

Những vụ cháy nhà máy bóng đèn, các nhà máy thải chất thải thủy ngân ra sông… là những vụ việc gây ồn ào trong xã hội bởi chúng có khả năng thải lượng lớn thủy ngân ra môi trường thông qua đường không khí hoặc nước. Người nhiễm thủy ngân có thể bị vô sinh, sinh con dị tật hay mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, máu trắng…

Tuy nhiên, hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới vẫn điên cuồng bôi loại chất này lên mặt hàng ngày chỉ vì hướng tới "cái đẹp" mà những công ty mỹ phẩm cổ xúy.

Ngành kinh doanh 20 tỷ USD

Vào một ngày đẹp trời tại thủ đô Manila của Philippines, đội điều tra của tổ chức EcoWaste Coalition mua hàng loạt những lọ kem dưỡng da ngoài chợ về để xét nghiệm. Kết quả không có gì bất ngờ khi hàm lượng thủy ngân trong những hộp kem chỉ có giá 5 USD này lên tới 23.000ppm, cao hơn rất nhiều mức độ an toàn 1ppm.

Tất nhiên, với những chỉ số như vậy, các loại kem này bị chính phủ Philippines cấm lưu hành, nhưng lợi nhuận không ngăn được các tiểu thương tuồn chúng ra ngoài chợ còn người dân thì chẳng đủ tiền để mua những mỹ phẩm đắt tiền.

Trong khi nhiều người sợ phơi nhiễm thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông thì hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới vẫn bôi chúng hàng ngày lên mặt - Ảnh 1.

Trên thực, câu chuyện của EcoWaste chỉ là một phần trong cuộc chiến chống mỹ phẩm thủy ngân toàn thế giới. Hàng năm, ngành kinh doanh kem làm trắng và xà bông làm sáng da có tổng giá trị vào khoảng 20 tỷ USD và đây là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ làm giả hay các sản phẩm kém chất lượng chứa thủy ngân.

Hiện rất khó để xác định mỹ phẩm nào trên thị trường là an toàn để sử dụng, kể cả những sản phẩm đắt tiền bởi người tiêu dùng chẳng thể biết chúng có đúng hàng thật hay không. Thậm chí nếu là hàng chính hãng thì bên trong có chứa đúng thành phần ghi trên bao bì hay không. Tất cả đều là do niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu và những cuộc kiềm tra chất lượng, chứng chỉ… chỉ mang tính hình thức.

Trong khi những tổ chức như EcoWaste cố gắng chống lại mỹ phẩm chứa thủy ngân thì nhiều thương hiệu địa phương lại cảm thấy bất bình. Giám đốc Arslan Tariq của hãng mỹ phẩm Goree Cosmetics tại Pakistan cho rằng Eco chỉ thử nghiệm những hàng trôi nổi, sản phẩm giả nhưng lại làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu chính hãng. Ông cho biết 100% các sản phẩm mà Eco thí nghiệm tại thủ đô Manila là hàng giả còn hàng thật hoàn toàn đủ chất lượng.

Thủy ngân có thể gây ung thư da cũng như kích ứng, hoặc thậm chí tác động đến hệ thần kinh con người. Vậy nhưng hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới vẫn mù quáng sử dụng kem làm trắng da cùng mỹ phẩm mà không truy tra nguồn gốc. Thậm chí ngày càng nhiều nam giới cũng ưa dùng hóa chất hay các sản phẩm làm đẹp mà không biết bên trong chứa những gì.

Thị trường kèm làm trắng và xà bông làm sáng da đang bùng nổ ngày một mạnh khi tiêu chuẩn sống của nhiều nước đi lên, nhất là Châu Á. Khảo sát của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy 40% phụ nữ Châu Á sử dụng thường xuyên sản phẩm làm trắng da. Nữ giới tại Châu Phi cũng dùng ngày một nhiều mỹ phẩm làm trắng trước xu hướng "trắng là đẹp" như lời quảng cáo của các công ty sản xuất.

Vào năm 2020, một bản cam kết của 128 nước trên thế giới sẽ có hiệu lực khi những công ty mỹ phẩm sử dụng thủy ngân không rõ nguồn gốc sẽ bị cấm. Tuy nhiên rất nhiều nước vẫn chấp nhận việc cho thủy ngân vào mỹ phẩm và chỉ truy tra nguồn gốc, điều này là quá nguy hiểm với sức khỏe người tiêu dùng.

Lý do các nhà sản xuất vẫn cho thủy ngân vào mỹ phẩm là bởi chúng có thể ức chế sự hình thành các hắc tố (Melanin) của tế bào biểu bì, khiến da trông có vẻ sáng hơn tức thì. Tuy nhiên trong dài hạn, việc sử dụng thủy ngân thường xuyên trên da sẽ khiến da bị mất màu không đồng đều. Nghiêm trọng hơn, chất này có thể tổn thương đến các dây thần kinh và gây hại thận nặng.

Trong khi nhiều người sợ phơi nhiễm thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông thì hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới vẫn bôi chúng hàng ngày lên mặt - Ảnh 2.

Tồi tệ hơn, thủy ngân trong mỹ phẩm sẽ trôi theo nước mỗi lần tẩy trang, ngấm vào nguồn nước ngầm, đất đai và thậm chí là chuỗi thực phẩm của con người.

Một ví dụ điển hình là vụ nhà máy hóa chất ở thị trấn Minamata-Nhật Bản thập niên 1950 thải thủy ngân ra sông, khiến chúng ngấm vào đất đai, nguồn nước và thủy sản. Khi người dân sử dụng chúng và nhiễm thủy ngân, khoảng 900 người đã thiệt mạng và hơn 2.000 người nhiễm độc với các triệu chứng yếu cơ, bị thần kinh, liệt cơ hay thậm chí là vô sinh.

Vụ việc này đã khiến không chỉ Nhật Bản mà toàn thế giới chấn động, qua đó khiến mọi người cảnh giác hơn với thủy ngân cũng như việc tiêu thụ các sản phẩm có chứa chất này.

Dẫu vậy, con người vẫn sử dụng rất nhiều thủy ngân trong cuộc sống, từ bóng đèn cho đến ắc quy. Đây là lý do nhà máy bóng đèn Rạng đông của Việt Nam cháy lại gây nhiều lo ngại đến vậy. Trong hàng loạt ngành như khai khoáng, công nghiệp… thủy ngân đóng vai trò khá quan trọng. Ví dụ khai thác vàng, thủy ngân có thể tách vàng ra khỏi nhiều tạp chất. Tuy vậy nếu không quản lý tốt, thủy ngân thừa sẽ ngấm vào nguồn nước, đất của vùng và hủy hoại môi trường.

Ranh giới mong manh

Đường phân cách giữa việc dùng thủy ngân hay không trong ngành mỹ phẩm là rất mong manh. Đối với những tập đoàn nổi tiếng thế giới, sản phẩm làm trắng của họ thường chứa các dẫn xuất của Vitamin C và Hydroquinone, qua đó tạm thời ức chế sự hình thành Hắc tố của tế bào biểu bì và có thể coi là an toàn nếu dùng vừa phải.

Tuy vậy, một người lao động nghèo như ở Philippines chẳng thể nào mua một lọ kem làm trắng L’Oreal Paris White Perfect có giá tới 11,5 USD. Đây là lỗ hổng cho những mặt hàng trôi nổi, không có nguồn gốc vẫn tồn tại trên thị trường.

Năm 2018, chính phủ Pakistan đã có cuộc kiềm tra với 59 nhãn hàng mỹ phẩm trên thị trường và chỉ có 3 thương hiệu là chứa hàm lượng thủy ngân dưới 1ppm. Mặc dù không công bố tên các nhãn hàng nhưng số liệu này cũng làm nhiều người sợ hãi.

Năm 2017, một cuộc thử nghiệm tại Trinidad and Tobago cũng cho thấy toàn bộ 15 thương hiệu mỹ phẩm ở quốc gia này đều có chứa thủy ngân vượt mức cho phép.

Trong khi nhiều người sợ phơi nhiễm thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông thì hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới vẫn bôi chúng hàng ngày lên mặt - Ảnh 3.

Cô Grace Reguyal

Trên thực tế, cơn nghiện làm trắng và việc dùng thủy ngân trong mỹ phẩm đã tồn tại từ lâu. Từ thời xa xưa như Ai Cập cổ đại đến đế chế La Mã, từ thời cận đại Pháp cho đến giai đoạn thuộc địa, màu da trắng thường được coi trọng hơn trong xã hội do chúng thể hiện một con người ăn sung mặc sướng, ít phải lặn lội ngoài trời.

Đến thời kỳ thuộc địa, làn da trắng được truyền bá nhiều hơn khi chúng là tiêu chuẩn cho giới thượng lưu. Ví dụ như ở Philippines, Tây Ban Nha đã cai trị đất nước này 300 năm rồi đến lượt Mỹ đã khiến quan điểm đẹp là phải trắng, cao ngấm vào máu người dân. Trớ trêu thay, người Philippines đa số là đen, lùn và hơi đậm nên các sản phẩm làm trắng da luôn được ưa chuộng ở đây.

Tuy vậy với mức thu nhập thấp, không phải ai cũng mua được hàng đắt tiền và hệ quả là nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra. Ví dụ như cô Grace Reguyal bị nhiễm độc thủy ngân sau khi dùng sản phẩm của Goree Cosmetics.

Phía Goree phản hồi rằng sản phẩm cô Grace mua là hàng giả và họ không chịu trách nhiệm với những trường hợp như vậy. Công ty cũng đã gửi mẫu sản phẩm đến hãng tin Bloomberg chi nhánh Hong Kong để đem đi thử nghiệm. Kết quả là hộp kem Beauty Cream của hãng chứ 5.430 ppm còn hộp Whitening Cream chứa 43 ppm, đều cao hơn tiêu chuẩn 1 ppm.

Goree cho biết kết quả trên là bất khả thi và từ chối công nhận chúng.

Không riêng gì Goree, rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm đang được rao bán trên mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử mà không có bảo đảm gì về nguồn gốc xuất xứ. Ví dụ như hãng kem Feique của Trung Quốc được bán trên eBay với quảng cáo chứa dưỡng chất tự nhiên nhưng EcoWaste kiểm tra lại cho thấy chứa 19.200 ppm thủy ngân. Khi kết quả được gửi cho các nhà chức trách ở Quảng Châu thì họ nói rằng không tìm thấy địa chỉ cũng như thông tin liên lạc của sản phẩm.

Vậy đó, đằng sau ngành công nghiệp mỹ phẩm là cả một câu chuyện đen tối, được các tập đoàn tô vẽ che phủ bởi ham muốn làm đẹp của phụ nữ. Mấy ai biết rằng đằng sau những hộp kem làm trắng da lại là cá tá chất độc như vậy.

AB

Cùng chuyên mục
XEM