Trong khi người Việt loay hoay không biết học thầy nào là hay, thì startup giáo dục này lại sẵn sàng làm cầu nối miễn phí, giúp học từ tiếng Anh, marketing tới…yoga

12/04/2017 09:27 AM | Startup

Startup BeeTutors được đánh giá như một "Uber của ngành giáo dục", bởi cách thức hoạt động của mô hình này là kết nối giáo viên với người học trong tất cả các lĩnh vực, như ngôn ngữ, lập trình, thiết kế… cho tới rèn luyện sức khỏe.

2016 kết thúc với 10 điều khiến giáo dục Việt Nam tụt hậu, trong đó 6/10 lí do xuất phát từ phía giảng dạy, 3 lí do đến từ sự thụ động và không yêu thích của người học, thì chúng ta lại nhìn thấy những bước phát triển vượt bậc khác của giáo dục không chỉ trong nhà trường.

Đó là sự nở rộ của các mô hình e-learning học trực tuyến với hơn 300 dự án đào tạo, với quy mô thị trường không dưới 2 tỉ USD, cho thấy sức nóng về nhu cầu học tập và chia sẻ đang ngày một gia tăng tại Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung.

Với 40% dân số kết nối Internet, chủ yếu là giới trẻ, nhu cầu học hành cao. Mỗi năm, người Việt Nam chi 3-4 tỉ USD để con cái du học. Vì thế, thị trường giáo dục đào tạo đang đầy tiềm năng với quy mô lớn, cùng tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm.

Trong bối cảnh này, startup giáo dục BeeTutors đã xuất hiện và được đánh giá như một "Uber của giáo dục", bởi cách thức hoạt động của mô hình này là kết nối giáo viên với người học trong tất cả các lĩnh vực như ngôn ngữ, lập trình, thiết kế… cho tới rèn luyện sức khỏe.


Mô hình BeeTutors

Mô hình BeeTutors

Với mô hình này, BeeTutors sẽ đóng vai trò là nền tảng trung gian giữa chuyên gia và học viên, đồng thời kiểm soát chất lượng các khóa học.

Về phía chuyên gia, giáo viên - những người sở hữu tri thức và sẵn sàng chia sẻ tới cộng đồng giờ đây có thêm cơ hội chủ động kết nối theo thời gian phù hợp, lựa chọn những chủ đề thế mạnh mà bản thân yêu thích để giảng dạy.

Tiếp cận nhiều đối tượng học viên, tham gia nền kinh tế chia sẻ giúp giáo viên có nhiều góc nhìn và kinh nghiệm khác nhau để nâng cao năng lực.

Còn về phía học viên, họ sẽ được tự do lựa chọn theo học các lĩnh vực mà mình ưa thích, được trao đổi về lộ trình học, thậm chí là đánh giá bằng cách "chấm sao" về giảng viên. Và quan trọng là BeeTutors sẽ kích thích tinh thần tự học và phát triển bản thân ở người Việt trẻ.


Chân dung CEO Nguyễn Đình Quyền (bên phải ngoài cùng)

Chân dung CEO Nguyễn Đình Quyền (bên phải ngoài cùng)

Ông Nguyễn Đình Quyền - CEO BeeTutors chia sẻ: "Tôi mong muốn mang lại một không gian học tập chủ động và chất lượng; loại bỏ mọi rào cản về khoảng cách, thời gian, chi phí giúp cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận đam mê của mình".

Được biết, startup BeeTutors là một thành viên của tổ chức giáo dục EIV có gần 9 năm trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam - chuyên cung cấp giải pháp ngoại ngữ cho hệ thống giáo dục tại Việt Nam, dẫn dắt và điều hành bởi CEO Nguyễn Đình Quyền.

Trong đó, chìa khóa giúp BeeTutors bùng nổ nhanh chóng chính là tính linh hoạt trong mô hình đào tạo, bởi bất kỳ học viên nào đều có thể chủ động chọn giáo viên, đưa ra mục tiêu của bản thân, thông tin về năng lực, trình độ hiện tại và sẽ được tư vấn một lộ trình học tập riêng cho bản thân.

Sẽ không còn tình trạng một giáo trình được sử dụng lặp lại, người học được đào tạo "lò" giống hệt nhau. Và trên thực tế, giải pháp giáo dục này đang mang tới cho giáo viên, cũng như học sinh một phương thức kết nối dễ dàng, và phần nào đã phát huy được hiệu quả.

Bởi sau khoảng nửa năm hoạt động thử nghiệm tại Việt Nam, BeeTutors đã cung cấp tới học viên được hơn 1.000 bài giảng, đào tạo thành công 18.000 giờ, có khoảng 4.000 học viên, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. HCM.

Với mục tiêu kết nối thêm hàng ngàn giáo viên và học viên trên cả nước dường như BeeTutors đang giải một bài toán giáo dục rất lớn để có thể kế hợp hình thức học online/offline, thời gian chủ động, địa điểm linh hoạt với lộ trình riêng biệt và được cá nhân hóa cao.

Đây cũng đồng thời là một thách thức lớn với những nhà điều hành BeeTutors để duy trì và phát triển mô hình giáo dục mới nhưng rất toàn diện này.

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM