Trong khi cả thế giới mừng Giáng Sinh, hàng triệu trẻ em vẫn phải cầm súng thay người lớn

24/12/2019 14:22 PM | Xã hội

Ngày nay, với một khẩu AK47 rẻ tiền dễ dàng được tháo lắp bởi 1 đứa trẻ 10 tuổi, binh lính trẻ em ngày càng được các nhóm vũ trang ưa thích tuyển mộ hay đúng hơn là bắt cóc.

Cậu bé David Zelu mới 16 tuổi nhưng trông tang thương chẳng khác gì một lão binh dày dặn kinh nghiệm. Cậu là 1 trong 7 vệ sĩ của văn phòng sĩ quan trực thuộc quân nổi dậy miền Nam Sudan, hay còn gọi là những "lính trẻ em" vốn đã được dùng nhiều năm nay ở các vùng chiến sự trên thế giới. Trên thực tế, hàng chục nghìn lính trẻ em, từ 10-16 tuổi bị ép buộc phải cầm súng trên nhiều mặt trận, nhất là Châu Phi để chiến đấu vì lợi ích của người lớn.

"Cuộc sống trong vùng chiến sự thật khó khăn. Thật buồn khi phải mất đi những người thân nhưng chúng em có thể làm gì đây? Nếu không cầm súng, chúng em sẽ chẳng thể sống sót", Zelu buồn bã nói.

Câu chuyện về những lính trẻ em này chẳng có gì mới khi các cuộc xung đột liên miên diễn ra ở Sudan, Công, Somalia… và nguồn mộ lính ngày càng cạn kiệt vì chiến tranh. Trẻ em nơi đây chẳng có nhiều lựa chọn khi không có trường học, không đủ ăn và chẳng thể sống sót nếu không cầm súng đầu quân cho một tướng lĩnh nào đó.

Các báo cáo cho thấy có khoảng 375 triệu trẻ em đang phải sống trong vùng chiến sự và hàng chục nghìn em đang phải làm lính, ôm bom cảm tử, làm lá chắn sống, điệp viên, lính truyền tin hay thậm chí là nô lệ tình dục cho các binh sĩ. Hiện nay khoảng 56 vùng lãnh thổ vẫn sử dụng trẻ em làm lính và con số này còn lớn hơn nhiều do không thống kê chính xác được những khu vực nào có trẻ em tham gia chiến sự.

Số liệu của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy khoảng 18.000 lính trẻ em đã được sử dụng trong suốt 4 năm qua ở Nam Sudan. Phần lớn các em nhỏ bị ép buộc cầm súng, bị tẩy não, bị buộc phải tham gia những vụ thiêu người, sát nhân hàng loạt, cướp bóc, cưỡng bức… nhằm ép trở thành những cỗ máy giết người.

Cậu Christopher, một cựu lính trẻ em nhớ lại mình bị bắt vào trại lính khi chỉ mới 10 tuổi. Mẹ cậu đã đến xin tên thủ lĩnh trả cậu về nhà, nhưng bọn chúng đã trao súng vào tay cậu để yêu cầu giết chính mẹ mình.

"Khi bà ấy đến, chúng bắt tôi giết chính mẹ mình hoặc tôi sẽ bị giết. Tôi chẳng có lựa chọn nào khác, tôi đã cầu Chúa tha thứ cho mình", Christopher nói với giọng đầy run rẩy.

May mắn thay, khẩu súng bị kẹt và người mẹ đã nhanh chân chạy thoát. Giờ đây khi được đoàn tụ với gia đình, cha mẹ của Christopher đã tha thứ cho cậu.

"Cuộc sống trong trại lính là vô cùng gian khổ và nếu bạn bỏ trốn, chúng sẽ tìm và bắt lại bạn một lần nữa", một lính trẻ em tên John cho biết.

George, một binh lính trẻ em 17 tuổi khác cho biết em bị bắt khi mới 15 tuổi. Chúng bắt em phải ăn cướp, cưỡng bức bé gái và thậm chí giết người.

"Em không muốn làm những điều này nhưng nếu không thực hiện, chúng sẽ giết em", George sợ hãi khi nhớ lại.

Trong khi cả thế giới mừng Giáng Sinh, hàng triệu trẻ em vẫn phải cầm súng thay người lớn - Ảnh 2.

Trên thực tế, binh lính trẻ em không xa lạ gì với những nước đang có chiến tranh, thậm chí là với giới quân sự. Ngay từ Thế chiến I và II, hàng nghìn binh lính trẻ em đã tham gia quân ngũ với vai trò hỗ trợ, trinh sát hoặc thậm chí là để làm lá chắn sống.

Với việc dễ bị đầu độc tư tưởng, binh lính trẻ em là nguồn lính rất được ưa chuộng tại nhiều quốc gia có nội chiến liên miên, thiếu hụt nguồn trai tráng trẻ. Thêm vào đó, trẻ em tại nhiều quốc gia nghèo không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhập ngũ bởi họ mong muốn có cái ăn trong quân đội.

Ngày nay, với một khẩu AK47 rẻ tiền dễ dàng được tháo lắp bởi 1 đứa trẻ 10 tuổi, binh lính trẻ em ngày càng được các nhóm vũ trang ưa thích tuyển mộ hay đúng hơn là bắt cóc.

Cầm súng hoặc chết đói

Theo UNICEF, vấn đề khó khăn nhất hiện nay không phải là đưa những đứa trẻ thoát khỏi trại lính, mà là giúp những trẻ em đã từng làm binh lính tái hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều trường hợp đã ly tán với người thân và không có việc làm, nơi ở. Những đứa trẻ này bị nhiễm thói bạo lực nơi chiến trường và nhiều khả năng sẽ quay trở lại chiến đấu do tự nguyện hoặc bị ép buộc.

Những nghiên cứu tại Palestine và Uganda cho thấy hơn 50% cựu binh lính trẻ em có các triệu chứng trầm cảm và rối loạn tâm lý hậu chiến, qua đó đem lại nhiều rắc rối cho cộng đồng. Tồi tệ hơn, do đất nước không có hệ thống cơ sở hạ tầng và kinh tế cơ bản nên trẻ em chẳng biết làm gì ngoài cầm súng trở lại để nuôi sống bản thân.

Em Roget Kambule, 14 tuổi, đã tham gia 3 lần nội chiến tại Congo nhớ lại mình đã từng giết rất nhiều người. Khi đó em và các bạn nhỏ bị mờ mắt, chẳng còn biết cái gì là đúng sai nữa, câu chuyện là giết hoặc bị cấp trên giết.

"Em đã giết người, nhưng khi bắn nhau trong rừng thì chẳng xác định được là em đã giết bao nhiêu. Rất khó để nói. Nhưng điều đó chẳng có gì to tát so với những đứa bạn em, nhiều đứa còn đánh hăng hơn em", Roget nhớ lại.

Trong khi cả thế giới mừng Giáng Sinh, hàng triệu trẻ em vẫn phải cầm súng thay người lớn - Ảnh 3.

Khi mới 9 tuổi, Roget nộp đơn tham gia quân chính phủ để có cái ăn. Cậu bé được huấn luyện trong 2 tháng và chẳng hiểu vì sao mình phải chiến đấu. Những ngày tháng sau đó của cậu ngập tràn trong khói đạn, khi những đứa trẻ bị ép tấn công giành quyền kiểm soát những khu mỏ, nguồn lợi nhuận mua súng đạn của các nhóm vũ trang.

Trong "quãng đời binh nghiệp" của mình, Roget đã chiến đấu cho nhiều phe phái, thậm chí có khi đánh lại chính nhóm vũ trang đã đào tạo cậu. Điều đó chẳng quan trọng, miễn là cậu còn sống sót và có cái ăn.

Giờ đây khi đã bị giải giáp và cưu mang bởi UN, những đứa trẻ như Roget vẫn phải sống một cuộc sống vật vờ không tương lai.

Không riêng gì Congo, một cuộc khảo sát cho thấy 36% số trẻ em tại Angola đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp chiến tranh và 7% đã bắn giết một ai đó. Tại Mozambique, những đứa trẻ 6 tuổi cầm súng đứng canh trạm gác, khu mỏ là điều không hề hiếm.

Do chiến tranh và việc tuyển quân, giải ngũ diễn ra phức tạp nên chưa có một số liệu thống kê chính thức nào về số trẻ em đang tham gia cầm súng trên toàn cầu. Hầu hết các con số chỉ là ước tính. Tuy nhiên, điều đáng nói là Liên Hiệp Quốc cũng như nhiều quốc gia chưa thực sự quan tâm đến cuộc sống và quyền lợi của những em nhỏ này.

Số liệu mới nhất cho thấy chưa đến 1% của khoản viện trợ quốc tế từ Liên Hiệp Quốc được sử dụng cho việc giải cứu cũng như tái hòa nhập cộng đồng binh lính trẻ em. Bởi vậy, trong khi nhiều trẻ em hân hoan nhận quà Giáng Sinh, thì nhiều bạn nhỏ vẫn phải cầm súng liều mạng cho lợi ích của người lớn.

Quay trở lại với trường hợp của David Zelu, cậu cho biết mình sẽ chẳng còn gì nếu rơi quân đội: "Em chẳng còn gì nếu rời bỏ quân đội, không có thức ăn, không việc làm, không trường học. Bởi vậy em chẳng có lựa chọn nào khác."

"Ở đất nước của các bạn, trẻ em có trường học, gia đình và tức ăn. Nhưng ở đây chúng tôi chẳng có gì cả. Bởi vậy tất cả mọi người đều phải cầm súng, bất kể già trẻ nếu họ muốn đạt được cuộc sống tốt hơn", chỉ huy Nyeland của David Zelu nói với phóng viên nước ngoài.

Đồng quan điểm, chỉ huy quân sự James Jowang của quân nổi dậy nam Sudan nói: "Ở đất nước của chúng tôi, không có tuổi giới hạn về nhập ngũ. Nếu bạn đủ lớn để cầm súng thì bạn có thể trở thành một người lính."

Trong khi cả thế giới mừng Giáng Sinh, hàng triệu trẻ em vẫn phải cầm súng thay người lớn - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM