Trong cuộc chiến Internet, vì sao Google thắng thế còn Yahoo thua đau?

05/06/2016 15:33 PM | Kinh doanh

Vì sao hai kẻ sinh ra gần như cùng một thời điểm, huy hoàng cùng nhau mà bởi lựa chọn hai hướng đi khác nhau nên trở thành “người thắng kẻ bại”?

Những gì chúng ta đang chứng kiến trong hiện tại có thể là những tháng ngày cuối cùng của Yahoo với tư cách một công ty độc lập. Chẳng ai ngờ được, cách đây chỉ một thập kỷ, Yahoo từng là đối thủ sát sườn với Google, công ty hiện giữ vị trí doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.

Vì sao sinh ra gần như cùng một thời điểm, huy hoàng cùng nhau mà bởi lựa chọn hai hướng đi khác nhau nên họ trở thành “người thắng kẻ bại”?

Nhớ lại năm 2003, thời điểm đó cả 2 gã khổng lồ công nghệ này đang cạnh tranh mạnh mẽ với nhau để thống trị nền tảng World Wide Web ngày càng phát triển nhanh chóng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng, nhưng một trong những yếu tố cụ thể tạo nên sự khác biệt trong số phận của Google và Yahoo, đó chính là cách tiếp cập cơ sở hạ tầng lõi.

Tư duy về cơ sở hạ tầng của Google tương phản mạnh mẽ so với Yahoo

Vào thời kỳ đầu của thiên niên kỷ mới, Google và Yahoo bắt đầu những kế hoạch rất khác nhau nhằm mở rộng quy mô để đáp ứng với yêu cầu của một nền kinh tế Internet (tìm kiếm, email, bản đồ...) ngày càng lớn lên về cả lượng và nhu cầu. Về phía Yahoo, công ty này chọn giải pháp sử dụng các thiết bị lưu trữ dữ liệu NetApp, cho phép công ty bổ sung thêm không gian máy chủ với tốc độ chóng mặt. Hầu hết mọi dịch vụ của Yahoo cung cấp đều phải chạy trên các thiết bị lưu trữ dễ sử dụng và thiết lập nhanh của NetApp, giúp Yahoo nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của thị trường (và sớm trở thành khách hàng lớn nhất của NetApp).

Thế nhưng, anh “hàng xóm” ở Mountain View - Google - lại bắt đầu bằng cách xây dựng nên chính cơ sở hạ tầng phần mềm của mình, hay còn được biết đến với cái tên Google File System. Hệ thống này là nền tảng phục vụ nhiều mục đích sử dụng khác nhau cho tất cả các dịch vụ của Google thuộc hệ sinh thái tương lai của công ty. Thay vì sử dụng các thiết bị lưu trữ tân tiến nhất làm nền tảng, Google File System sử dụng các máy chủ doanh nghiệp hỗ trợ cấu trúc linh hoạt và bền bỉ, có thể xử lý các vấn đề về khả năng mở rộng và sự bền bỉ, đơn giản hóa và đẩy nhanh tốc độ những lần triển khai ứng dụng web trên diện rộng, từ ứng dụng bản đồ đến ứng dụng lưu trữ.

Cách tiếp cận của Yahoo bộc lộ những điểm yếu

Phải mất tới 4 năm phát triển liên tục và rất nhiều tài nguyên kỹ thuật thì Google File System mới đạt tới cấp độ mà công ty đã đề ra khi xây dựng hệ thống này. Trong khi đó, Yahoo có thể bổ sung các thiết bị lưu trữ NetApp gần như ngay lập tức để đáp ứng với nhu cầu dịch vụ ngày càng tăng lên. Trong cuộc chiến thống trị mảnh đất Internet, Yahoo dường như đã bỏ xa Google.

Thế nhưng, cách tiếp cận của Yahoo bắt đầu bộc lộ một số lỗ hổng. Khi nhu cầu mở rộng và đa dạng hơn, một nền tảng hạ tầng dựa trên thiết bị xuất hiện các nhược điểm như công tác kỹ thuật ngày càng nhiều, môi trường ngày càng phức tạp và không hiệu quả, và hơn hết là tốn chi phí. Khi Yahoo mở thêm một dịch vụ mới, công ty này buộc phải thiết lập lại nền tảng của NetApp cho phù hợp với mục đích sử dụng

Kết quả là mỗi một dịch vụ mới được đưa ra lại gặp những khó khăn giống nhau, ví dụ như Yahoo Search và Yahoo Mail đều từng phải xử lý rất nhiều vấn đề trên những nền tảng khác nhau. Chính nền tảng phân tán đó đã làm lãng phí tài nguyên, bởi mỗi một trường hợp lại phải sử dụng một không gian máy chủ riêng và các tính năng lại không thể chia sẻ trên các nền tảng.

Điều quan trọng nhất là chi phí để chạy các thiết bị NetApp ngày càng tăng lên, chiếm một phần không nhỏ trong doanh thu của Yahoo.

Yahoo "vất vả", Google "nhàn tênh"

Trái lại, Google đã xây dựng hệ thống dữ liệu có khả năng đoán trước những khó khăn, vì thế việc bổ sung thêm các tính năng sử dụng mới hoặc chỉnh sửa hạ tầng kiến trúc có thể được thực hiện một cách hiệu quả. Ví dụ như sau khi mua xong YouTube, Google có thể đơn giản nói rằng “hãy ném cái của bạn đi và chúng tôi sẽ sử dụng nền tảng của mình cho bạn”. Các kỹ sư có thể cập nhật hạ tầng kiến trúc một lần và giải pháp này có thể được áp dụng trên toàn bộ dịch vụ của Google.

Cuối cùng, sự linh hoạt trên nền tảng cho phép chia sẻ tài nguyên và sức mạnh của điện toán trên khắp các nền tảng, vì thế khi các máy chủ tìm kiếm đang bận rộn, những tác vụ liên quan đến tìm kiếm có thể được chia sẻ sang các máy chủ email. Điều này không làm ảnh hưởng đến hiệu năng do tất cả đều được xây dựng trên một nền tảng phần cứng chung, giúp giảm chi phí.

Khi chi phí và độ phức tạp của nền tảng hạ tầng Yahoo lựa chọn ngày càng tăng lên, công ty này đã đuối sức trong nỗ lực bắt kịp với tốc độ của Google khi triển khai và phát triển các ứng dụng mới.

Hiểu rõ vấn đề trước khi đưa ra giải pháp

Đây có thể là một câu chuyện đơn giản về tầm quan trọng của một kiến trúc mềm dẻo, nhưng bài học ở đây không chỉ liên quan đến hạ tầng kiến trúc hoặc kỹ thuật ứng dụng, mà còn là việc xây dựng một nền tảng kinh doanh bền vững. Một bài học quan trọng hơn hết đó là: cần phải hiểu vấn đề hoàn toàn trước khi cân nhắc đưa ra giải pháp.

Khi bạn hình dung ra một vấn đề, bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất. Dù bạn có là một kỹ sư hay một chủ doanh nghiệp (hoặc cả hai), hãy nhắm mắt, không nhìn vào những vấn đề hiện có và cách giải quyết chúng, lờ đi những gì bạn đã làm trước đây và xây dựng một giải pháp lý tưởng. Sau khi đã hoàn thành xong điều đó, bạn có thể quyết định nên sử dụng giải pháp hiện có nào và cần xây dựng lại những gì.

Đây là một yếu tố then chốt để thành công cho rất nhiều startup đã tạo nên huyền thoại trên thị trường. Đương nhiên, sẽ có lúc lựa chọn giải pháp “bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất” đồng nghĩa với việc hy sinh khả năng phát triển ngay lập tức để đánh đổi bằng sự bền vững lâu dài, đặc biệt trong một thế giới vận hành với tốc độ cao như Thung lũng Silicon, điều này lại càng là một thách thức.

Những giải pháp sửa chữa nhanh lại đem lại nhiều nguy cơ lớn hơn về độ phức tạp cũng như không hiệu quả. Google đã xây dựng một nền tảng rộng hơn có thể mở rộng ra toàn bộ các trang web, tập trung vào sự đơn giản và linh hoạt, trong khi đó, sự phức tạp của cơ sở hạ tầng của Yahoo có thể là lý do dẫn đến việc Yahoo có ngày hôm nay.

Theo Lê Nga

Cùng chuyên mục
XEM