Trốn thuế với "hai người Ireland" và một "chiếc bánh kẹp Hà Lan"

12/05/2016 09:12 AM | Xã hội

Ireland và Hà Lan đã trở thành bộ đôi giúp các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận đến các thiên đường thuế hòng trốn thuế.

Tháng 11/2005, các cán bộ hải quan ở cảng Rotterdam ở Hà Lan đều nhận được một thông báo: trong mỗi chuyến măng tây được chuyển đến từ Peru đều có một thứ khác ngoài rau củ.

Khoảng 1 tuần sau, 60 thùng măng tây trắng đóng hộp cập cảng Rotterdam trong 3 container. 80% số hộp đúng là có chứa măng tây, nhưng phần còn lại là cocaine với tổng khối lượng lên tới 1.360 kg.

Giới chức Hà Lan và Peru cho biết đứng sau vụ buôn lậu quy mô lớn này là một người Peru có tên Ment Dijkhuizen Cáceres. Hắn cùng với luật Eduardo Gallardo Arciniega đã sử dụng một loạt công ty vỏ bọc ở nước ngoài (offshore shell companies) để rửa tiền.

Dijkhuizen và Gallardo đã sử dụng dịch vụ của một công ty luật đến từ Panama: Mossack Fonseca. Giờ thì công ty này đã trở nên nổi tiếng và không có gì lạ khi Hà Lan cũng xuất hiện dày đặc trong bản danh sách được Tổ chức nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tung lên mạng ngày hôm qua.

Từ lâu nay Hà Lan vẫn được biết đến là một “thiên đường” cho các công ty vỏ bọc. Ngoài rửa tiền, buôn lậu, một trong những lý do lớn nhất tạo nên sức hấp dẫn cho vùng đất này là cơ chế thuế tạo điều kiện thuận lợi để các công ty đa quốc gia sử dụng kỹ thuật “Dutch Sandwich” (tạm dịch: bánh sandwich Hà Lan) hòng trốn thuế.

Bánh sandwich Hà Lan

Các công ty lớn như Yahoo, Google, Merck và Dell đã chuyển lợi nhuận sang đây để trốn thuế. Theo dữ liệu từ NHTW Hà Lan, sử dụng kỹ thuật được biết đến với tên gọi “Dutch Sandwich” (tạm dịch: bánh sandwich Hà Lan), các công ty đa quốc gia đã gửi đến Hà Lan khoảng 10.200 tỷ euro thông qua 14.300 "đơn vị tài chính đặc biệt".

Các đơn vị này thường chỉ tồn tại trên giấy tờ và được pháp luật công nhận.

Vai trò của Hà Lan được khởi nguồn từ cuối những năm 1970, khi nước này bắt đầu thực hiện cơ chế thỏa thuận giá trước (advance- pricing agreements) nhằm thu hút các công ty đa quốc gia. Theo đó, các công ty đa quốc gia đồng ý để lại một phần thu nhập ở lại chi nhánh ở Hà Lan và phần thu nhập đó sẽ phải chịu thuế. Tuy nhiên, đổi lại, họ được phép chuyển lợi nhuận ra nước khác mà không phải đóng thuế.

Do đó, trước khi chuyển lợi nhuận đến các thiên đường tránh thuế như quần đảo Cayman hay Bermuda, các công ty này chuyển vòng qua chi nhánh ở Hà Lan.

Ở những nước phát triển khác, các công ty thường phải chịu mức thuế có thể lên đến 33% khi các công ty chuyển lợi nhuận đến những vùng có mức thuế suất bằng 0 như Bermuda và đảo Cayman.

Ngược lại, Hà Lan không đánh thuế, bất chấp điểm đến là nơi nào đi chăng nữa.

Ví dụ, Yahoo đã đạt được thỏa thuận trả số thuế tương đương với 1,35% tổng doanh thu của chi nhánh tại Hà Lan. Dữ liệu cho thấy trong năm 2009, chi nhánh này nộp khoản thuế thu nhập trị giá 1,28 triệu euro cho chính phủ Hà Lan.

Tuy nhiên, đổi lại, chi nhánh này đã giúp Yahoo chuyển 101,5 triệu euro lợi nhuận tới các thiên đường thuế . Do đó, có thể dễ dàng nhận thấy Yahoo chỉ phải trả chi phí rất nhỏ để trốn được lượng thuế lớn.

Hai người Ireland

Kết hợp giữa kỹ thuật "hai người Ireland" và "sandwich Hà Lan" là kỹ thuật thường được sử dụng mà người đi tiên phong trong phong trào này là Apple.

Apple là một công ty có trụ sở ở Mỹ, nơi có thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 35%. Có hai trường hợp xảy ra. Nếu sản phẩm của Apple được bán ra ở Mỹ và ghi nhận toàn bộ lợi nhuận cho chính Apple, số thuế mà công ty này phải nộp là rất lớn, lên đến 35% lợi nhuận.

Do đó Apple phải tìm cách né thuế và công cụ chính là một công ty (tạm gọi là A) ở Ireland. Công ty A sẽ sở hữu các tài sản trí tuệ của Apple dù chúng được phát triển ở Mỹ. Lợi nhuận mà Apple thu được sẽ được chuyển đến A dưới dạng chi phí bản quyền sở hữu trí tuệ.

A đem lại hai lợi thế cho Apple: thứ nhất là thuế suất ở Ireland chỉ có 12,5% và điều còn lại quan trọng hơn là cơ chế đánh thuế. Ireland quy định nếu A được quản lý bởi một công ty ở quốc gia khác, lợi nhuận sẽ được chuyển về công ty quản lý mà không phải chịu thuế.

Do đó ở thiên đường thuế Bermuda sẽ có 1 công ty là đơn vị quản lý A và lợi nhuận được chuyển về đây, chịu mức thuế 0%.

Trường hợp thứ hai là sản phẩm của Apple được bán ra ở nước ngoài. Lúc này xuất hiện thêm một công ty khác cũng ở Ireland (tạm gọi là B). Doanh thu từ sản phẩm này được ghi nhận cho B. Tuy nhiên A mới là người chủ thực sự sở hữu tài sản trí tuệ. B chỉ đứng ra nhận doanh thu và sau đó tương tự như mối quan hệ giữa Apple và A, lợi nhuận lại được chuyển sang cho A.

Phần lời lãi còn lại đối với công ty thứ nhất vẫn chịu mức thuế 12,5% của Ireland (nhưng phần lời này không đáng kể). Cuối cùng lợi nhuận của Apple đã được chuyển sang thiên đường thuế.

Thêm vào đó, để không thất thoát phần lợi nhuận phải chịu mức thuế 12,5% của Ireland, lợi nhuận của B còn được chuyển sang chi nhánh ở Hà Lan trước khi vòng về A. Ireland và Hà Lan có ký hiệp ước miễn thuế đánh vào phần lợi nhuận chuyển nhượng này.

Các công ty công nghệ và dược phẩm đã sử dụng thành thạo các kỹ thuật này, tìm ra những kẽ hở của luật pháp để che giấu hàng tỷ USD lợi nhuận mà không hề làm điều phạm pháp.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM