Trời sắp lạnh rồi, hãy làm theo cách này để chọn quần áo mặc bền tới đông năm sau

08/12/2016 09:02 AM | Sống

Timo Rissanen – đồng tác giả cuốn sách Zero Waste Fashion Design đã đưa ra những lời khuyên giúp chọn lựa quần áo tốt hơn, chất lượng cao hơn.

Không phải mọi loại quần áo đều bền bỉ. Chúng ta mua sắm liên tục, và lúc nào cũng muốn có đồ mới, từ đó tạo ra một thứ nhu cầu về các loại quần áo nhanh hỏng và có chất lượng kém.

Nhưng để tránh được những sản phẩm của thời trang mì ăn liền rẻ tiền thật không dễ. Ví dụ, nếu muốn mua quần áo với chất lượng tốt hơn, bạn phải biết cần chú ý đến những gì khi mua sắm.

Dưới đây là những gợi ý cơ bản từ Timo Rissanen – đồng tác giả cuốn sách Zero Waste Fashion Design và là giảng viên ở Trường thiết kế Parsons tại New York – cùng các nguồn thông tin khác, nhằm giúp bạn biết một món đồ có chất lượng tốt hay không.

Kiểm tra chất liệu ghi trên nhãn

Chất vải của một loại quần áo là yếu tố hết sức quan trọng.

Công nghệ có thể cải thiện kết cấu, độ sáng và nếp gấp của chúng. Một số loại vải tổng hợp còn có khả năng co giãn. Chúng thường được trộn với các vật liệu tự nhiên để tạo ra loại vải giống như làm từ sợi tự nhiên. Nhưng khi bị giặt nhiều lần, chúng không thể giữ được phẩm chất như vật liệu tự nhiên.

Ngay cả quần áo 100% cotton cũng có thể là loại chất lượng kém. Các loại vải có thể rẻ hơn nếu dùng loại sợi vải chất lượng thấp, không chắc hoặc mật độ không nhiều. Để giảm chi phí, các nhà sản xuất có thể bỏ qua vài bước để sản xuất nhanh hơn – dẫn đến chất lượng thấp. Đó là lý do sẽ rất có ích nếu biết được vải tốt thì có hình thức và tạo cảm giác khi chạm vào ra sao.

Dùng tay sờ thử

Cách tốt nhất để kiểm tra chất vải, dù là đan hay dệt, là sờ thử. Nó có mỏng, dễ nhăn hay thô ráp không? Hay nó mịn, mềm và chắc chắn?

Đặc điểm này rất quan trọng vì như Rissanen giải thích, “Càng có nhiều sợi vải thì quần áo càng bền”. Vải có vẻ nặng chưa chắc đã tốt. Nếu các sợi vải được đan chặt vào nhau nhưng mỏng thì cả miếng vải vẫn nhẹ.

Xem lại tủ đồ của mình cũng mang lại những thông tin hữu ích. Món đồ nào bạn dùng nhiều mà vẫn bền? Cái nào thì nhanh hỏng? Hãy cảm nhận và tự kiểm tra quần áo của mình để tự nhận biết loại quần áo nào bền (dựa vào phong cách cá nhân, sự quay vòng trang phục và thói quen giặt giũ của bạn). Sau đó hãy tìm kiếm những phẩm chất ấy ở những bộ đồ mà mình sắp mua.

Giơ ra chỗ sáng và thử kéo căng

Không phải lúc nào bạn cũng đánh giá được chất lượng vải nếu chỉ chạm vào mà thôi. Theo Rissanen, nhà sản xuất có thể thêm vào vải các chất hóa học, hoặc đơn giản như hồ để giúp vải tạo cảm giác chắc chắn và mịn hơn, tạo ra bề mặt dễ nhìn nhưng nó có thể sẽ biến mất sau khi giặt. Rissanen khuyên nên cầm vải hướng về phía ánh sáng và nhìn thật kỹ, đặc biệt là với các loại quần áo như sơ mi cài cúc.

Hãy chú ý cả đến từng sợi chỉ. Chúng càng được đan chặt vào nhau thì vải càng tốt.

Đối với đồ đan, thử kéo dãn một phần nhỏ miếng vải ở chỗ ít thấy. Nếu nó trở lại hình dạng cũ ngay thì đây là vải tốt. Nếu không, nó chắc chắn sẽ bị biến dạng khi bạn mặc nhiều lần.

Chú ý đến đường may, cả trong và ngoài

Vải tất nhiên không phải là yếu tố quan trọng duy nhất. Bạn cũng cần phải kiểm tra những đường may nối các mảnh vải lại với nhau nữa. Các mũi chỉ cần đồng đều, cách đều nhau, và nằm phẳng trên bề mặt vải.

Hãy nhìn vào cả bên trong. Chẳng hạn kiểm tra đường viền trên một chiếc áo sơ mi, hoặc phần bên trong phần đũng của một chiếc quần. Nếu đường may có vẻ cẩu thả, hoặc có nhiều chỗ lỏng hoặc được khâu chồng lên nhau nhiều lần, thì đó là những dấu hiệu cảnh báo đáng chú ý.

Để mắt đến những chi tiết bị cắt giảm

Những dấu hiệu cảnh báo chất lượng thấp không phải lúc nào cũng dễ nhận biết, vì chúng thường là kết quả của những bước bị làm quấy quá hoặc bỏ qua. Chẳng hạn, Rissasen nói rằng cách tốt nhất để khâu phần đũng quần là sử dụng 2 đường chỉ có độ dài khác nhau, đường này nằm trên đường kia để gia cố cho đường may, và điều này rất quan trọng vì đây là một trong những vị trí chịu lực nhiều nhất của một chiếc quần.

Vải của món đồ phải được cắt dọc theo thớ, hoặc nếu trong trường hợp cắt xéo thì phải có một góc rõ rệt, thường là 45 độ, để vải có thể co giãn được. Nếu không được cắt đúng kiểu, bộ đồ bạn mặc sẽ bị mất phom sau một thời gian sử dụng hoặc giặt giũ.

Cổ áo và cổ tay, cạp quần và các bộ phận khác nên có phần lót giữa hai lớp vải, giúp tạo kết cấu và hình dạng và bạn có thể cảm nhận được khi chạm vào. Nếu thiếu lớp lót này, các bộ phận nêu trên sẽ bị xô lệch theo thời gian

Quần áo chất lượng có thể rất tốn kém

Nhưng cần chú ý điều này: Trong khi món đồ rẻ thường là loại chất lượng kém, thì đồ đắt tiền chưa chắc đã có chất lượng cao.

Quần áo rẻ tiền là có lý do của nó. “Hai thứ có chi phí cao nhất khi sản xuất quần áo là vải và lao động”, Rissanen giải thích, “Để giảm giá thành, bạn phải giảm chi phí của một trong hai thứ đó xuống”.

Vải được làm từ nguyên liệu giá rẻ sẽ có giá thấp hơn, hoặc nhà sản xuất có thể dùng ít vải hơn để tiết kiệm chi phí.

Họ giảm chi phí lao động bằng cách giảm một số công đoạn để sản xuất được số lượng quần áo nhiều hơn mỗi giờ.

Nhà sản xuất còn giảm chi phí bằng những cách tinh vi hơn, như sử dụng loại chỉ rẻ tiền dễ bị bục khi chịu lực tác động hơi mạnh một chút. Những chi tiết này rất khó nhận biết nếu chỉ nhìn bằng mắt, nhưng chỉ cần kéo căng một chút sợi chỉ có thể bung ra.

Hãy mặc bộ đồ mình mua đến lúc hỏng

Những gợi ý nêu trên chỉ có tác dụng nếu bạn tìm mua các loại quần áo bạn muốn mặc trong nhiều năm. Vì ngay cả loại quần áo chất lượng thấp cũng có vẻ bền nếu bạn chỉ dùng một vài lần trước khi bỏ quên trong tủ đồ.

Khi bạn bị mất một chiếc cúc hoặc bị bục chỉ, đừng vội vứt món đồ đó đi. Hãy học một số kỹ thuật may vá đơn giản, hoặc tìm đến một thợ may gần nhà.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM