Triều Tiên duy trì nền kinh tế như thế nào trước các lệnh trừng phạt của thế giới trong nhiều năm liền?

19/05/2017 13:45 PM | Xã hội

Mặc dù UN đã áp đặt 7 vòng trừng phạt lên Triều Tiên trong hơn 11 năm qua, bao gồm lệnh cấm chuyển khoản tiền mặt với số lượng lớn, các tuyến đường thương mại lớn vẫn mở cửa với Triều Tiên, cho phép quốc gia này thu về ngoại tệ khá lớn để duy trì nền kinh tế.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên bắt đầu với lệnh cấm vận kinh tế gần như hoàn toàn được thông qua vào năm 1950 vào thời gian đầu của cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Trong những năm qua, có một số hình thức trừng phạt đã được dỡ bỏ, một số khác được thêm vào.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến tháng 7 năm 2016, sau một loạt các cuộc thử tên lửa. UN đã cấm các nước bán nguyên liệu chế tạo tên lửa hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt cho quốc gia này.

Triều Tiên đã kích hoạt thiết bị hạt nhân đầu tiên vài tháng sau đó, tiếp đó là các cuộc thử nghiệm bổ sung vào năm 2009, 2013 và 2 cuộc thử nghiệm vào năm ngoái. Hội đồng Bảo an đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt sau mỗi lần thử nghiệm cũng như sau việc phóng vệ tinh của Triều Tiên vào năm 2013. Các lệnh trừng phạt nhắm vào các nguồn cung cấp vũ khí quân sự và hàng cao cấp, loại Bình Nhưỡng ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế và gần đây nhất là cấm xuất khẩu nhiều loại khoáng sản.

Triều Tiên vẫn còn nghèo và phụ thuộc vào viện trợ lương thực, nhưng nền kinh tế của quốc gia này dường như đang phát triển. Thương mại với nước ngoài, chủ yếu là với Trung Quốc cũng tăng gấp đôi so với năm 2000, mặc dù đã có xu hướng giảm xuống trong 3 năm qua.

Điều này cũng nêu bật lên giới hạn biện pháp trừng phạt do UN áp đặt lên Triều Tiên với mục đích (chủ yếu được định nghĩa bởi Trung Quốc) là để trừng phạt giới cầm quyền của Triều Tiên trong khi không gây ảnh hưởng đến người dân của nước này.

Vậy Triều Tiên đã làm cách nào để duy trì nền kinh tế trong khi gần như đóng cửa với phần còn lại của thế giới?

Nhân công của Triều Tiên

Nằm ở gần cửa sông Áp Lục, Đan Đông là thành phố biên giới lớn nhất của Trung Quốc và phần lớn thương mại của Triều Tiên với thế giới thông qua những cây cầu cũ hoặc qua các cảng nước sâu ở thành phố này.

Ở Đan Đông, có 10.000 người Triều Tiên đang làm việc tại các nhà máy may mặc từ 12 -12 giờ/ngày với chỉ 2 – 4 ngày nghỉ/tháng và lương không vượt quá 260 USD. Theo trang web của phòng Thương mại Đan Đông, các công nhân Triều Tiên đã được kiểm tra chặt chẽ trước khi được nhận. Cũng trên trang web này thì họ là những người tuân theo kỷ luật và dễ quản lý. Không có chuyện vắng mặt hay can thiệp vào công tác quản lý, không lấy lý do ốm để trốn việc hoặc trì hoãn hay làm mất thời gian làm việc.

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã bị cáo buộc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thu lại hầu hết tiền lương của họ. Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động này đã được mở rộng kể từ khi ông Kim lên nắm quyền, với hơn 50.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc tại 40 quốc gia.

Ngoài việc đưa công nhân vào làm việc ở Trung Quốc và các quốc gia khác, Triều Tiên cũng có thể kiếm ngoại tệ từ mác “Made in China” trên các sản phẩm may mặc. Theo Paul Tjia, giám đốc điều hành của GPI Consultancy, một công ty của Hà Lan cung cấp tư vấn về kinh doanh tại Bắc Triều Tiên, nói rằng một số khách hàng châu Âu đã đặt hàng trăm nghìn sản phẩm may mặc.

Các sản phẩm này có thể được sản xuất tại các nhà máy ở Đan Đông với sự tham gia của các công nhân Triều Tiên hoặc tại các nhà máy ở Triều Tiên (do các công ty ở Trung Quốc thuê ngoài ngoại biên). Dù được sản xuất tại đâu thì quần áo đều được dán mác “Made in China” để dễ bán ra nước ngoài.

Theo các chuyên gia, một sản phẩm được sản xuất tại Triều Tiên nhưng có mác sản xuất tại Trung Quốc có thể bị coi là gian lận và vi phạm quy tắc xuất xứ ở các quốc gia nhập khẩu quần áo. Nhưng theo Paul, mác “Made in China” có thể trở nên chính đáng bằng cách thức hiện các hoạt động gia công trên các sản phẩm may mặc này ở nội địa Trung Quốc.

Theo các số liệu thương mại, việc làm này đã hỗ trợ nền công nghiệp may mặc ở Triều Tiên và mang lại 500 triệu USD cho quốc gia này vào năm ngoái.

Nhiều lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt

Các ngành công nghiệp của Triều Tiên có giá trị kinh tế với Trung Quốc được chính quốc gia này bảo vệ. Trung Quốc đã loại bỏ ngành may mặc của Triều Tiên khỏi danh sách các ngành công nghiệp bị các biện pháp trừng phạt của UN nhắm tới. Chính phủ Trung Quốc lập luận rằng lệnh trừng phạt đối với ngành này sẽ làm tổn thương đến dân thường chứ không phải các chương trình quân sự. Ngành chế biến hải sản và xuất khẩu than của Triều Tiên cũng được bảo vệ bởi Trung Quốc những lập luận tương tự.

Các biện pháp trừng phạt cũng không bao gồm việc xuất khẩu lao động có tổ chức. Mặc dù Mỹ đã thúc giục các quốc gia đuổi các công nhân Triều Tiên vì cho rằng tiền họ gửi về có lợi cho quân đội chứ không phải gia đình của họ. Nhưng Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác vẫn tiếp tục thuê họ.

Những biện pháp mới nhắm vào việc hạn chế khả năng kiếm tiền thông qua các đại sứ quán của Triều Tiên. Ví dụ ở Berlin, các nhà chức trách vừa đóng cửa một nhà nghỉ gần khu ngoại giao trước đây của nước này. Thêm vào đó, du lịch từ Trung Quốc đến Triều Tiên đang bùng nổ. Theo Cha Yong Hyok, công ty Indprk của ông đưa các đoàn khách du lịch bằng tàu hỏa tới Bình Nhưỡng, và sẽ sớm sử dụng tuyến bay mới đến thủ đô Triều Tiên từ Đan Đông.

Triều Tiên thường đối phó với các biện pháp trừng phạt về ngành ngân hàng bằng cách sử dụng các công ty và đại lý đại diện ở nước ngoài, và thường xuyên gửi và nhận thanh toán thông qua các trung gian Trung Quốc, những người nhận được hoa hồng, bất chấp lệnh cấm chuyển tiền mặt với số lượng lớn.

Làm ăn với Triều Tiên

Theo Daniel L. Glaser, một cựu quan chức Bộ Tài chính của Mỹ tham gia vào việc thực thi biện pháp trừng phạt, Triều Tiên chỉ thực sự chịu áp lực nếu Trung Quốc đưa ra một quyết định chiến lược để siết chặt quốc gia này. Ông cũng nói Trung Quốc đôi khi đã thực hiện những hành động hữu ích nhưng quốc gia này chưa bao giờ thực sự muốn cố hết sức. Điều này được thể hiện trong cách một số doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc vẫn tiếp tục làm ăn với Triều Tiên.

Nhiều công ty nổi tiếng của Trung Quốc vẫn làm ăn với Triều Tiên dù họ đã tìm kiếm khách hàng và các nhà đầu tư ở Mỹ hoặc phụ thuộc vào các linh kiện và bộ phận của Mỹ. Theo hồ sơ hải quan Trung Quốc, ZTE, một công ty sản xuất điện thoại di động và đồ điện tử, đã vận chuyển khoảng 15 triệu USD hàng hóa cho Triều Tiên vào năm 2015. Công ty này đã đồng ý nộp phạt 1,19 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên.


Một salon cắt tóc ở Triều Tiên với các đồ điện tử được sản xuất bởi các công ty của Trung Quốc

Một salon cắt tóc ở Triều Tiên với các đồ điện tử được sản xuất bởi các công ty của Trung Quốc

Hầu hết các nhà sản xuất thiết bị gia dụng (tử lạnh, điều hòa, TV, và các thiết bị điện tử khác) và ô tô lớn của Trung Quốc cũng kinh doanh với Triều Tiên. Trong một số trường hợp, các công ty của Trung Quốc có công nghệ tiên tiến cũng làm ăn với Triều Tiên. Các công ty con của công ty sản xuất vũ khí quốc phòng Norinco đã vẫn chuyển 7 lô hàng trị giá 1,5 triệu USD đến Triều Tiên vào nửa cuối năm ngoái.

Bà Li, một nhà quản lý của một công ty vận chuyển ở Đan Đông cho biết việc vận chuyển một gói hàng điện tử sang Triều Tiên là rất đơn giản miễn là nó không có nhãn hiệu rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về trọng lượng. Trên thực tế, việc giao hàng dễ gặp trở ngại ở biên giới bên phía Triều Tiên hơn là ở hải quan Trung Quốc.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM