Triệu phú tự thân nghỉ hưu năm 30 tuổi: Lập kế hoạch chi tiêu cũng như ăn kiêng, chẳng được mấy ngày, không hiệu quả và khiến chúng ta thêm lo lắng

19/02/2019 15:55 PM | Kinh doanh

Triệu phú tự thân Grant Sabatier, người nghỉ hưu sớm ở tuổi 30 đã tiết lộ một bí quyết tài chính khác thường để độc lập tài chính là không lập kế hoạch chi tiêu.

Không dự trù ngân sách chi tiêu là một phần trong chiến lược gồm bảy bước mà Sabatier tạo ra để đạt tới trạng thái độc lập về tài chính.

Trong cuốn sách của mình, triệu phú trẻ viết: "Đối với nhiều người, theo dõi chi tiêu hàng ngày là rất quan trọng nhưng bạn không nên dành quá nhiều thời gian vào việc này. Trên thực tế, nó chỉ củng cố thêm tư duy khan hiếm và kìm hãm mọi người khỏi việc tiết kiệm và kiếm thêm tiền".

(Những người có tư duy khan hiếm cho rằng tài nguyên và cơ hội trong cuộc sống rất hạn hẹp và phải cạnh tranh gay gắt mới có được thứ mình muốn. Do đó, họ không dễ chia sẻ thành tích, cơ hội và lợi ích với người khác. Vì hay đố kỵ và khó chịu trước thành công của người xung quanh nên họ thường sống khá tiêu cực, ít thỏa mãn với cuộc sống và sự thành công của mình).

Theo Sabatier, lập kế hoạch chi tiêu thậm chí còn trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến một số người găp khó khăn trong việc quản lý tiền:

"Lên kế hoạch chi tiêu cũng giống như ăn kiêng: Bạn càng cảm thấy tội lỗi thì bạn lại càng không có khả năng gắn bó lâu dài với nó. Bạn sẽ nghĩ rằng cách này không hiệu quả và từ bỏ.

Hoặc khi phải cắt giảm mọi khoản chi tiêu để tuân theo ngân sách đã đề ra, nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì không được dành ra một khoản dù nhỏ để chiều chuộng bản thân. Thay vì là một công cụ giúp bạn chi tiêu thông minh, việc lập kế hoạch lại trở thành nguồn gốc của sự lo lắng và căng thẳng về tiền bạc".

Triệu phú tự thân nghỉ hưu năm 30 tuổi: Lập kế hoạch chi tiêu cũng như ăn kiêng, chẳng được mấy ngày, không hiệu quả và khiến chúng ta thêm lo lắng - Ảnh 1.

Theo Sabatier, lên kế hoạch chi tiêu khiến chúng ta thêm lo lắng về tiền bạc.

Duy trì kế hoạch chi tiêu vô hình chung đã trở thành một gánh nặng không hề nhỏ với việc đặt trọng tâm quá lớn vào những hóa đơn mua hàng lặt vặt trong khi chúng không thực sự tác động đến tình hình tài chính chung của bạn. Cắt giảm những khoản chi phí nhỏ tuy giúp chúng ta tiết kiệm nhưng kiểm soát các loại chi phí lớn nhất như nhà ở, phương tiện di chuyển và thực phẩm mới giúp tăng tỷ lệ tiết kiệm lên ít nhất 25%.

Sabatier cho biết ai cũng có thể thực hiện điều này mà không cần lên kế hoạch chi tiêu cụ thể. Hãy chuyển đến một căn hộ nhỏ hơn, đi bộ hoặc đi xe bus tới nơi làm việc hay chăm nấu ăn tại nhà, bạn sẽ nhận ra mình đã tiết kiệm được một khoản đáng kể.

Triệu phú tự thân đưa ra ví dụ về anh Kyle Stimpson, người đã tiết kiệm từ 30% đến 40% thu nhập sau thuế của mình trong vòng ba năm bằng cách sống trong một căn phòng nhỏ, di chuyển bằng phương tiện công cộng và tự nấu ăn. Cuối cùng, những việc này giúp anh tiết kiệm được 80.000 USD và 20.000 USD đã được anh dành cho kế hoạch nghỉ hưu sớm.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, năm 2016, một hộ gia đình trung bình ở nước này chi tiêu khoảng 57.000 USD/năm và 35.000 USD trong số đó là dành cho nhà ở, phương tiện đi lại và thực phẩm. Sabatier nhận định nếu cắt giảm con số 35.000 USD xuống còn một nửa, họ có thể tiết kiệm được 17.500 USD/năm và nếu duy trì trong 20 năm với mức lãi kép là 7% thì khoản tiền này sẽ tăng lên hơn 800.000 USD.

Một chuyên gia phân tích đã nghiên cứu các triệu phú tự thân trong nhiều năm cho biết điểm chung của nhiều triệu phú mà ông từng phỏng vấn là không có kế hoạch chi tiêu. Lý do đưa ra khá hợp lý: Khi kiếm được nhiều tiền và có khả năng kiểm soát tốt, họ không cần lên kế hoạch chi tiêu chi tiết nữa.

Gia Vũ

Từ khóa:  triệu phú
Cùng chuyên mục
XEM