“Triệu phú Áo thun” với 9 lần khởi nghiệp: Nếu bỏ cuộc, hãy là người bỏ cuộc sau cùng!

08/01/2022 08:59 AM | Kinh doanh

Trong hành trình gần 15 năm kinh doanh, chân tôi đã rất nhiều lần bước trên những mảnh đất chưa có đường. Có những con đường tôi dày công xây dựng rồi mới biết nó dẫn đến thất bại và có những con đường lại giúp tôi ‘hái nhiều quả ngọt’. Nhưng dù là con đường thành công hay thất bại thì nó đều có ý nghĩa với tôi. Nó là mồ hôi, nước mắt, tiền bạc, thời gian, ý chí… mà tôi đã bỏ ra.

Anh Nguyễn Phương Nam - Founder Aothun.vn đang livestream bán hàng.
Anh Nguyễn Phương Nam - Founder Aothun.vn đang livestream bán hàng.

Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 22 tuổi, sau 15 năm, anh Nguyễn Phương Nam đã sáng tạo ra 9 mô hình kinh doanh. Trong 9 dự án đó, có những cái thất bại, có những cái thành công – như Aothun.vn.

Không những thế, anh còn khởi nghiệp ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau: nhân sự - cung cấp lao động phổ thông, vật liệu liệu in ấn ngành may mặc từ Mỹ - Stahls, xây chuỗi 2.300 phòng trọ cho thuê, thời trang, giáo dục – Học viện thiếu niên Doanh nhân Israel…. Và những trải nghiệm quý báu trong 15 năm thăng trầm đó, được anh thể hiện trọn vẹn của quyển sách "9 lần khởi nghiệp' vừa xuất bản gần đây.

---------

Như bao nhiêu người thế hệ 8x, tôi cũng lớn lên trong một gia đình nhiều khó khăn về tiền bạc, nên khát khao thoát nghèo và làm giàu nó thôi thúc tôi từ nhỏ.

Năm 22 tuổi, tôi bắt đầu khởi nghiệp, để rồi 11 tháng sau tôi mất hết số tiền má tôi đã cực khổ tích góp cho tôi mượn. Kể từ đó, kiếm tiền không còn là khát khao, đam mê nữa mà nó trở thành trách nhiệm nặng nề mà tôi phải thực hiện bằng mọi giá.

Nhớ lại những tháng ngày đó, tôi thật sự đã rất nghiêm khắc và cực đoan với bản thân, ngoài việc làm tất cả mọi việc có thể để kiếm tiền từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm mỗi ngày. Hơn nữa, ngày nào hết việc lúc 11 giờ đêm tôi cũng không cho phép mình nghỉ ngơi, cũng phải tìm cái gì đó có giá trị cho công việc để làm cho hết 1 giờ còn lại. Có như thế, tôi mới cảm thấy bản thân đã tận lực của ngày hôm nay và sẵn sàng để ngày mai chiến đấu tiếp.

Thời đó, phần vì không có tiền, phần vì tự ti bản thân công việc không tới đâu, quan trọng nhất là tôi không cho phép bản thân vui vì cảm thấy điều đó quá xa xỉ, mà tôi không xứng đáng có được; nên tôi đã không gặp bạn bè trong 1 thời gian dài...

Sau gần 1 năm làm việc 1 mình, với văn phòng là phòng khách nhà ông anh ruột, thì công việc bắt đầu có tín hiệu tốt và khả quan hơn. Vài tháng sau đó, tôi bắt đầu có doanh thu đầu tiên, 6 tháng sau tôi có lợi nhuận đều đặn gần 200 triệu/tháng. Tôi cảm thấy đời mình sang trang thật rồi!!! Tôi cởi mở hơn, lấy lại tự tin và bắt đầu gặp gỡ lại bạn bè.

Doanh nhân Nguyễn Phương Nam với 9 LẦN KHỞI NGHIỆP: Nếu bỏ cuộc, hãy là người bỏ cuộc sau cùng! - Ảnh 1.

Công việc ngày càng tốt hơn và tôi bắt đầu mở rộng quy mô doanh nghiệp một cách thuận lợi. Tôi cứ thế đều đặn đi về công tác giữa các tỉnh miền Tây và Bình Dương, vẫn giữ lịch làm việc từ 7 giờ sáng tới 12 giờ đêm mỗi ngày.

Tôi cảm thấy mình thật nhiều năng lượng, kiểu như tối 20h thi xong (hồi đó tôi học thêm văn bằng 2) đi uống cà phê với anh chị cùng lớp, 21h xe khách đi ngang gọi điện tôi leo lên xe, 4h sáng tới Kiên Giang, bắt xe ôm về nhà trọ ngủ, sáng 7h vác máy chiếu, màn chiếu vào các UBND xã ở huyện Gò Quao tư vấn tuyển dụng, rồi tối 19h lại lên xe khách chạy ngược về Bình Dương để sáng đi gặp các công ty đối tác.

Thời đó, lao động phổ thông như một tài nguyên quý hiếm mà tất cả doanh nghiệp ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đều tranh giành nhau. Cuộc chiến giành lao động về Bình Dương nói chung và với các doanh nghiệp khác tại Bình Dương nói riêng thật sự khốc liệt.

Nó đòi hỏi tôi gần như phải căng mình hết cỡ, sử dụng hết tất cả các kỹ năng trắng, đen, xám để có được lợi thế. Và sau mỗi trận chiến, tôi trở về nhà với ngà ngà hơi men, nằm chông chênh ở phòng khách trên sofa không đủ thẳng chân, một mình, tối om cùng âm thanh vo ve trong đầu.

Tôi tự hỏi: "Mày đang làm gì vậy Nam? Mày cày mỗi ngày như vậy vì điều gì? Là kiếm tiền hả? Mày có tiền rồi mà? Nhiều hơn rất nhiều số tiền mày cần để sống thoải mái?! Mày có thật sự cảm thấy vui khi làm những việc hiện tại không?".

Và những câu hỏi đó cứ ám ảnh tôi mỗi tối, khiến tôi dần nhận ra: động lực làm việc của mình bây giờ không phải là vì tiền như hồi trước nữa. Tôi cảm thấy, mình bắt đầu do dự trong các quyết định phải dấn thân, tôi chần chừ và tôi không còn xông xáo như trước nữa, tôi thấy mình không phải là mình nữa...

Tôi bắt đầu đi học, học mọi lớp mà tôi nghĩ một doanh nhân cần học để tìm câu trả lời cho các câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu. Cuối cùng, ở lớp CEO khoá 38 của trường Doanh nhân PACE năm 2009, tôi tìm được câu trả lời cho mình từ lời dạy của thầy Giản Tư Trung: "Kinh doanh là kiếm tiền, bằng cách phụng sự xã hội". Kể từ giây phút đó, tôi tìm lại được sự hào hứng, năng lượng của mình và động lực làm việc của tôi không chỉ là kiếm tiền mà còn là phụng sự xã hội.

Doanh nhân Nguyễn Phương Nam với 9 LẦN KHỞI NGHIỆP: Nếu bỏ cuộc, hãy là người bỏ cuộc sau cùng! - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Phương Nam đang trong phòng thực nghiệm, nghiên cứu - sáng tạo chất liệu cho doanh nghiệp Aothun.vn của mình.

Tôi tự định nghĩa lại mô tả công việc của bản thân: cứ việc gì phụng sự được cho xã hội, mà kiếm ra tiền là tôi sẽ làm, không quan trọng việc lớn hay việc nhỏ, kiếm tiền nhiều hay kiếm tiền ít. Nếu tôi thấy vấn đề của xã hội, mà tôi có thể giải quyết được là tôi sẽ làm. Đó cũng là lý do quyển sách này ra đời!

Tôi đã xây dựng rất nhiều công ty với những ngành nghề không liên quan nhau. Và bây giờ, ngay cả khi đã có tuổi, tôi vẫn còn đam mê khởi nghiệp, đam mê theo đuổi sứ mệnh (cũng là sở thích) phụng sự xã hội để kiếm tiền.

Trong hành trình gần 15 năm kinh doanh, chân tôi đã rất nhiều lần bước trên những mảnh đất chưa có đường. Có những con đường tôi dày công xây dựng rồi mới biết nó dẫn đến thất bại và có những con đường lại giúp tôi ‘hái nhiều quả ngọt’.

Nhưng dù là con đường thành công hay thất bại thì nó đều có ý nghĩa với tôi. Nó là mồ hôi, nước mắt, tiền bạc, thời gian, ý chí…mà tôi đã bỏ ra và tin chắc nó có ý nghĩa cho những người khởi nghiệp giống tôi ở những ngày đầu. Tôi không muốn lãng phí nó, tôi không muốn nó bị cỏ phủ đầy làm mất dấu; để rồi những thế hệ doanh nhân kế tiếp lại tiếp tục trả giá và cái vòng lập vô tận, lãng phí cứ diễn ra như vậy.

Tôi không có ý kêu gọi hậu bối hãy đi theo dấu chân mà mình đã đi để đạt được thành công, cũng không có ý kêu người sau tránh né những dấu chân đã dẫn mình đến thất bại. Mỗi bối cảnh, nguồn lực và cá tính tại từng thời điểm là khác nhau, nên không thể áp dụng rập khuôn được.

Tôi chỉ muốn để lại 1 số kịch bản đã thất bại và thành công một cách chân thật nhất, để người sau có cái nhìn tổng quát và tự quyết định đường đi cho riêng mình nhằm hạn chế thất bại, nhanh chóng tìm được con đường thành công. Hoặc nữa, ít nhất họ sẽ cảm thấy, trên con đường khởi nghiệp đã có rất nhiều người như mình: từng rất nỗ lực, rất cô đơn, thất bại ê chề và thành công đích đáng.

Qua đó, các bạn sẽ không cảm thấy đơn độc, rằng còn đó rất nhiều người có cùng đam mê, khát khao làm giàu và ngày đêm trăn trở để mang lại giá trị cho xã hội. Và cũng để các bạn có thêm động lực, nguồn cảm hứng bước tiếp.

Doanh nhân Nguyễn Phương Nam với 9 LẦN KHỞI NGHIỆP: Nếu bỏ cuộc, hãy là người bỏ cuộc sau cùng! - Ảnh 3.

Ngoài đam mê khởi nghiệp, doanh nhân Nguyễn Phương Nam còn một đam mê khác là thể dục thể thao - đặc biệt là chạy marathon.

Thông qua quyển sách này, tôi cũng muốn tạo cảm hứng và kêu gọi các anh em doanh nhân đừng đợi mình trở thành vĩ nhân, đừng đợi đến khi mình thành công vang dội rồi mới nghĩ đến chuyện viết sách. Bởi vì những kinh nghiệm thất bại, thành công của bạn những ngày đầu mới giúp được đại đa số người đang bắt đầu mò mẫm bước vào con đường khởi nghiệp.

Chứ đợi đến khi bạn quá thành công, quy mô công ty bạn lớn thì thường những người mới khởi nghiệp họ không có bối cảnh và bài tập tương tự bạn, để có thể học hỏi và ứng dụng.

Mà tại sao lại nên ưu tiên viết cho người mới khởi nghiệp? Vì họ còn non nghề, thiếu đủ thứ - cả về vật chất lẫn tinh thần, nên quyển sách là phương tiện dễ dàng tiếp cận nhất với họ. Chứ đợi họ bắt được nhịp rồi, công ty bắt đầu hoạt động tốt rồi, họ có nhiều cách để học tập lắm, bạn có viết cho họ, họ cũng không đọc đâu.

Hãy suy nghĩ 1 cách đơn giản: nếu 1 quyển sách của 1 doanh nhân Việt Nam, có thể giúp cho 1.000 người khởi nghiệp mới, mỗi người tiết kiệm được 1 năm mò mẫm - thất bại thì bạn đã góp phần tiết kiệm 1.000 năm thời gian khởi nghiệp cho thế hệ trẻ rồi.

Đừng suy nghĩ nhiều nhé, hãy để lại quyển sách ngay bây giờ luôn đi, hãy mạnh dạn suy nghĩ: Nam nó có làm được mẹ gì đâu mà còn viết được được quyển sách, không lẽ mình không viết được!!!!

Hay nói cách khác, quyển sách như một huy chương lớn mà tôi đã tự tay giành được với 1 tinh thần: "Nếu bỏ cuộc, hãy là người bỏ cuộc sau cùng!"

Nguyễn Phương Nam - Founder Aothun.vn

Cùng chuyên mục
XEM