Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi âm nhạc thế giới?

03/11/2018 15:20 PM | Xã hội

Theo The Guardian, những đột phá trong trí tuệ nhân tạo (AI) giúp việc soạn nhạc dễ dàng hơn bao giờ hết, vì một cỗ máy đã làm một nửa công việc.

Liệu máy tính có sớm tự làm hết mọi việc?

Những buổi thử nghiệm đầu tiên của SampleRNN - một phần mềm AI (hay dịch vụ Dadabots), được phát triển bởi 2 nhà khoa học máy tính CJ Carr và Zach Zukowski - giống như biểu diễn la hét hơn. Tuy nhiên, CJ và Zach hy vọng SampleRNN có thể sản xuất ra những album nhạc black metal và math rock đầy đủ bằng cách cung cấp cho nó những đoạn âm thanh ngắn.

AI hiện cũng được sử dụng trong những dịch vụ phát trực tuyến như Spotify Creator Technology Research La. Nhưng AI cũng đang được mong đợi là có thể tự sáng tác nhạc và đây là vấn đề khiến nhiều nhà khoa học máy tính phải đau đầu.

Trên thực tế, một số nhạc sĩ nổi tiếng từng thử nghiệm hay dùng AI trong suốt 3 thập niên qua. Vào những năm 1990, David Bowie từng hỗ trợ phát triển một ứng dụng (app) mang tên Verbasizer, với khả năng tập hợp những tài nguyên âm thanh và ghép các ca từ theo một thứ tự ngẫu nhiên để tạo ra một tác phẩm âm nhạc hoàn toàn mới.

Nhà lý luận âm nhạc Brian Eno dùng AI để sáng tạo không chỉ âm nhạc trong album Reflection, mà còn thiết kế một đoạn video hình ảnh cho The Ship năm 2016. Trong năm này, Sony cũng sử dụng phần mềm Flow Machines để tạo ra một âm điệu với phong cách giống Beatles. Những sự sắp xếp trong album Visions of Space (2017) của nhà soạn nhạc Ivan Paz (Mexico) được thực hiện bởi những thuật toán tự tạo.

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi âm nhạc thế giới? - Ảnh 1.

Gần đây, nhà sản xuất Baauer - người từng thống trị các bảng xếp hạng của Mỹ năm 2012 với Harlem Shake - đã sáng tác Hate Me với Lil Miquela - một nghệ sĩ ảo trên Instagram. Và thời điểm hiện tại có Logic - phần mềm có khả năng tập hợp và tạo ra các âm điệu trống độc đáo nhằm hỗ trợ cho quá trình sáng tác nhạc nhanh chóng hơn, hay các phần mềm soạn nhạc được hỗ trợ bởi AI gồm Flow Machines, IBM Watson Beat, Google Magenta NSynth Super, Jukedeck, Melodrive và Amper Music...

Tuy nhiên, Illiac Suite - sáng tác đầu tiên của máy tính dành cho tứ tấu đàn dây, được phát triển vào năm 1957 bởi Lejaren Hiller - đã gây ra tranh cãi kịch liệt trong cộng đồng nhạc cổ điển. Chuyên gia âm nhạc David Cope giải thích: "Phần lớn nhạc sĩ, viện sĩ viện hàn lâm hay nhà soạn nhạc vẫn luôn giữ suy nghĩ rằng vốn dĩ chỉ con người mới có thể tạo ra âm nhạc. Vì vậy, chương trình máy tính đó là một mối đe dọa đối với khía cạnh con người là độc nhất vô nhị trong sự sáng tạo".

Đến năm 1980, trong một lần "bí" ý tưởng soạn nhạc, David Cope bắt đầu xây dựng một phần mềm có thể đọc âm nhạc từ cơ sở dữ liệu được viết bằng mã dạng số. Và sau 7 năm, ông chế tạo thành công phần mềm Emi có thể "tiếp thu" nhạc của Bach, Mozart và những nhạc sĩ cổ điển khác để tạo ra bản nhạc theo phong cách của họ.

Ngôi sao YouTube Taryn Southern đã tham khảo quá trình của David để cho ra lò một bản nhạc được soạn và sản xuất hoàn toàn bởi AI. Trong album I am AI ra mắt năm ngoái, Taryn đã sử dụng nền tảng AI soạn nhạc mở có tên Amper Music. Dự án hiện tại của Taryn là thu một album nhạc pop với sự trợ giúp của phần mềm AI trong các khâu tạo nhịp bộ gõ, âm điệu và nốt nhạc giúp cho nó trở nên độc nhất vô nhị khi là bản "hợp tấu" giữa con người và AI.

AI không chỉ là công cụ hữu dụng, nó còn có thể được sử dụng để khám phá những biểu hiện ở con người. Đây là chủ đề của dự án See Sound của Công ty The Mill đã ra mắt tại Liên hoan South by Southwest ở Mỹ năm ngoái. Và See Sound là một ví dụ thú vị về cách nghệ sĩ và AI có thể học hỏi lẫn nhau để tạo ra một thứ gì đó mới mẻ.

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi âm nhạc thế giới? - Ảnh 2.

Vừa qua, Spotify cũng đã thuê François Pachet - một chuyên gia AI, để củng cố thêm vị thế. François từng làm việc cho dự án Flow Machines của Sony - một chương trình sử dụng AI để soạn các bài nhạc pop. Spotify từng bị tố thêm những nghệ sĩ giả vào các danh sách nhạc, liệu Hãng có ý định sản xuất âm nhạc bởi AI? Trợ lý ảo Alexa của Amazon cũng mới được bổ sung kỹ năng mới DeepMusic có khả năng liên kết các mẫu âm thanh sao cho hợp với âm hưởng được người dùng thiết lập.

Năm ngoái, tờ Guardian từng đưa tin công ty khởi nghiệp AI Music đang làm những dự án có sử dụng AI. Patrick Stobbs - đồng sáng lập phần mềm soạn nhạc bằng AI có tên Jukedeck, từng sáng tác cho Coca-Cola và Google, gần đây cho biết Jukedeck sẽ đổi từ chế độ tinh chỉnh nhạc thành hoàn toàn tự tổng hợp.

Theo đó, trong tương lai, AI sẽ soạn nhạc cho quảng cáo, chương trình truyền hình, những ca khúc nhẹ nhàng cho tiệc tối. Và những nhân viên cổ cồn trắng và xanh dần bị thay thế bởi AI. Bản thân các nhà soạn nhạc cũng có thể sẽ đối mặt với nguy cơ tương tự.

Vậy điểm yếu của âm nhạc được tạo ra bằng AI là gì? Đó là tuy khá dễ nghe và có sức thuyết phục riêng, nhưng càng nghe càng cảm thấy không có "hồn" chút nào. Taryn cho rằng các phần mềm AI sẽ là những công cụ mạnh mẽ và cộng sự đắc lực cho quá trình viết nhạc của con người, nhưng chúng sẽ không bao giờ có thể thay thế vị trí của các nhà soạn nhạc.

Các tác phẩm do AI tạo ra chắc chắn sẽ khó có thể đạt được những giải thưởng về âm nhạc trong thời điểm hiện tại. Và tuy ảnh hưởng của AI lên ngành âm nhạc trong tương lai chưa thể đánh giá ngay được, song ý tưởng AI sao chép khả năng sáng tạo của con người luôn rất đáng sợ. Dù vậy, như Taryn đã nói ở trên, một quy trình sáng tạo giữa máy móc và con người vẫn có thể tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.

Theo Phúc Như Thủy

Cùng chuyên mục
XEM