Trên con đường 'đồng hành' cùng DN, không ít công chức đã bỏ quên chữ 'đồng', nhớ mỗi chữ 'hành'

09/08/2016 13:30 PM | Kinh tế vĩ mô

"Trên con đường đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên chữ ‘đồng’... Chi phí hành chính và chi phí vốn còn ở mức cao, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Vẫn có 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, hoặc thua lỗ”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.

Là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đã có những chia sẻ rất thẳng thắn trong phiên họp Quốc hội diễn ra mới đây.

Ông Lộc cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn. Sự phục hồi bước đầu của nền kinh tế 2015 là chưa bền vững bởi lẽ còn phải dựa vào sự tăng sản lượng của một số ngành khai thác tài nguyên.

Còn nhớ, đến cuối tháng 11/2015, thu ngân sách vẫn rất đáng ngại. Nhưng đến hết năm 2015 thì thu ngân sách bất ngờ vượt dự toán gần 86.000 tỷ đồng. Việc vượt dự toán đầy bất ngờ này có đóng góp không nhỏ từ việc tăng khai thác thêm 2 triệu tấn dầu, kéo GDP cả năm 2015 lên 6,68% - con số nhiều người gọi vui là “Lộc, Lộc, Phát”.

Trở lại bức tranh kinh tế 2016, với những số liệu mới được công bố và đặc biệt qua sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc đặt dấu hỏi: Tại sao trong suốt 5 năm qua kể từ năm 2011, chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn trì trệ và phục hồi rất chậm?

“Có những nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan theo tôi ở chỗ chúng ta chưa giải quyết được thực chất những vấn đề lớn còn tồn đọng”, ông Lộc nhìn nhận.

“Trên con đường 'đồng hành' cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên chữ ‘đồng’...”

Sự thôi thúc của cải cách chưa thấm tới hành vi và thái độ của các công chức ở các cơ sở để mỗi người dân và các doanh nghiệp có thể cảm nhận được. Trong khi đó, thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo. Chi phí hành chính và chi phí vốn còn ở mức cao, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, phá sản.

“Vẫn có 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, hoặc thua lỗ. Và 120.000 doanh nghiệp buộc rời khỏi thị trường trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi.

Trong khi đó, trong cải cách thủ tục hành chính, mặc dù Chính phủ đưa ra thông điệp rõ ràng và thể hiện quyết tâm rất cao nhwung nheiefu bộ ngành địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.

Ông Lộc lấy ví dụ việc thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014 và năm 2015 – một nghị quyết quan trọng mang tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng sau hơn 2 năm thực hiện, chỉ có 13/63 địa phương, và 4/22 bộ ngành gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ.

“Hay như việc soạn thảo các Nghị định về Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã ban hành từ 2014, nhưng trong suốt cả năm 2015 và Quý 1/2016, các bộ, ngành vẫn đủng đỉnh, chỉ từ cuộc họp của Chính phủ vào tháng 4/2016, khi Thủ tướng ra lệnh không được bàn lùi, các bộ ngành mới “vắt chân lên cổ” để có được dự thảo nghị định theo yêu cầu của Luật một cách vội vã, và không tránh khỏi những thiếu sót”, ông Lộc thẳng thắn.

“Nhiều giải pháp đúng nhưng chúng ta triển khai thực hiện chậm trễ và không đến nơi đến chốn nên môi trường kinh doanh chưa cải thiện được nhiều như kỳ vọng. Những rào cản trong đầu tư kinh doanh còn nhiều”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM