Trâu đằm suối, bò, dê uống nước kênh dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà

18/10/2019 14:05 PM | Xã hội

Hồ Đồng Bài nổi rác, chai nhựa; suối đổ vào hồ đục ngầu, có trâu đằm; dê, bò vô tư uống nước trong kênh dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà...

Trong buổi họp báo về nguồn nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải ngày 17/10, UBND tỉnh Hòa Bình nêu khó khăn về bảo vệ, kiểm soát chất lượng nước đổ về hồ Đồng Bài: Lưu vực lớn, nhiều suối nhỏ dẫn nước vào hồ. Thực tế ghi nhận của Báo Giao thông chiều cùng ngày, mặt hồ nổi nhiều váng rác, chai nhựa của người dân bẫy tôm.

Trâu đằm suối, bò, dê uống nước kênh dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà - Ảnh 1.

Một phần hồ Đồng Bài, nổi nhiều chai nhựa được sử dụng làm phao bẫy tôm

Do vậy, cơ quan chức năng tỉnh kiến nghị Công ty nước sạch Sông Đà xây kênh dẫn nước kín để dẫn nước từ sông Đà về nhà máy, không sử dụng hồ Đồng Bài là hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện nay.

Trâu đằm suối, bò, dê uống nước kênh dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà - Ảnh 2.

Bò, dê vô tư uống nước trong kênh dẫn nước từ hồ Đồng Bài về nhà máy

Theo ghi nhận, nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sạch Sông Đà lấy từ Sông Đà và các nguồn nước từ suối tự nhiên trên núi chảy xuống, suối Trâm là một ví dụ. Tất cả các nguồn nước này đều đổ vào hồ Đồng Bài, từ đây dẫn về nhà máy.

Chiều 17/10, ghi nhận của Báo Giao thông cho thấy, nước suối Trâm đục ngầu (do đầu nguồn đang phải đào, xúc đất nhiễm đầu thải); thậm chí trâu vẫn tắm trong lòng suối.

Kênh dẫn nước từ hồ Đồng Bài vào nhà máy không có gì che chắn ngoài hàng rào dây thép gai mắc đơn xơ, thưa thớt. Người dân vô tư chăn thả gia súc ven hồ và ven kênh dẫn nước, trước biển cấm mà không có ai kiểm soát, nhắc nhở.

Trâu đằm suối, bò, dê uống nước kênh dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà - Ảnh 3.

Trâu tắm dưới lòng suối dẫn nước vào lòng hồ Đồng Bài

Hồ Đồng Bài được xây dựng năm 1994, đưa vào sử dụng năm 1998. Ban đầu, hồ tưới tiêu cho 500 ha lúa và hoa màu của ba xã Phú Minh, Hợp Thịnh, Hợp Thành của huyện Kỳ Sơn.

Ngày 21/02/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn và Ủy ban nhân dân xã Phú Minh, xã Hợp Thành thẩm định Phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình và hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Đồng Bài. Căn cứ vào bản đồ địa hình khu vực hồ Đồng Bài sẽ quy hoạch với chu vi hành lang công trình khoảng 15.000m; Chiều dài đập 270m; Số lượng mốc: 86 mốc. Tại vị trí công trình đầu mối: Đập đất 07 mốc, xả tràn lũ 04 mốc; xung quanh lòng hồ chưa 75 mốc; lộ trình phương án phê duyệt cắm mốc trong thời gian 30 ngày.

Trâu đằm suối, bò, dê uống nước kênh dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà - Ảnh 4.

Dê đi lại tung tăng trên bờ kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà

Phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và hành lang bảo vệ nguồn nước. Hồ Đồng Bài có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 645ha/năm đất sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của các xã Phú Minh, Hợp Thành, Hợp Thịnh huyện Kỳ Sơn và sử dụng hồ làm bể sơ lắng cho nhà máy nước sạch Sông Đà để cung cấp nước cho thành phố Hà Nội.

Theo Mã Lương - Tạ Hải

Cùng chuyên mục
XEM