Tranh luận thu hút hiền tài: “Đừng giáo điều và đừng chụp mũ”

25/10/2019 08:44 AM | Xã hội

Chỉ là một trong hơn 20 nội dung song định nghĩa người tài và quy định chính sách đối với người có tài năng đã làm rộn rã phiên thảo luận sáng 24/10 của Quốc hội...

Tranh luận nối tiếp thảo luận, rồi tranh luận với tranh luận, chỉ là một trong hơn 20 nội dung song định nghĩa người tài và quy định chính sách đối với người có tài năng đã làm rộn rã phiên thảo luận sáng 24/10 của Quốc hội.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là nội dung của phiên thảo luận.

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu tới hơn 20 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, qua thảo luận tại kỳ họp trước của Quốc hội.

Về chính sách đối với người có tài năng (khoản 2 điều 1 của dự thảo luật - sửa đổi, bổ sung điều 6 của Luật Cán bộ, công chức) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong luật này là khó khả thi.

Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chỉ bổ sung khái niệm "người có tài năng trong hoạt động công vụ" và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, nhưng phù hợp với thực tiễn.

Sau một số phát biểu thì vô số tấm biển tranh luận được sử dụng, một số vị hơn một lần đứng lên, tranh luận về chính sách đối với người có tài năng.

Cơ sở được một số ý kiến viện dẫn cho quan điểm của mình là cách chọn hiền tài của Bác Hồ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nói phong cách chọn người của Bác có ba tiêu chí. Một là hỏi bạn học xem ngươi có giỏi không, những người "cạnh tranh tiếng gáy" mà thừa nhận người ấy giỏi thì người đó giỏi thật. Thứ hai là hỏi hàng xóm xem người ấy có hiếu nghĩa với cha mẹ, hiếu đễ với anh em, có tình nghĩa với hàng xóm không, người ấy là người có đức. Thứ ba là vấn đáp xem người ấy hiểu biết về tình hình thế giới, trong nước, chính sự thế nào, lòng dân ra sao, giao trọng trách có đảm nhận được không, nếu như hoàn thành thì người ấy là người có tài.

"Ba tiêu chí của Bác Hồ chính là hiền tài mà chúng ta đang cần và chính vì lẽ đó mà Bác Hồ đã lựa chọn được một thế hệ cán bộ đầu tiên từ khi "phôi thai" cho cách mạng cho đến khi lập ra Chính phủ lâm thời và thế hệ cán bộ đấy đã đi vào lịch sử của chúng ta", ông Vân phát biểu.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng không thể có một định nghĩa chính xác về tài năng để hài lòng tất cả mọi lĩnh vực, mọi người. Mặt khác, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đang được sửa nhằm mục đích nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảm bớt số lượng những người ăn lương nhà nước làm việc không hiệu quả, tạo thuận lợi cho cơ quan tuyển dụng đúng người đúng vị trí. Chính vì vậy, không cần tập trung xây dựng luật theo hướng này.

Nếu chúng ta cứ sa đà vào chuyện định nghĩa tài năng thì sẽ không tìm được người tài năng, ông Hiếu nói.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói, nên bàn về nhân tài ở chính sách khác.

Ông Quốc cũng cho rằng: "Quan trọng nhất chúng ta đánh giá con người phải thể hiện đi cùng với đó là chính sách đãi ngộ. Thời kỳ Bác Hồ là thời kỳ có giá trị lớn hơn cả tiền bạc, đó lòng yêu nước, cho nên phần lớn những người Bác dùng là những người được đào tạo ở chế độ cũ nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả những giá trị vật chất để họ thực hiện mục tiêu yêu nước của mình", ông Quốc nói.

Nghe xong phát biểu của đại biểu Quốc, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nói ông nghi ngờ về sự cần thiết phải có một điều khoản ghi vào luật này rằng như thế nào là nhân tài.

Cũng dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói ông "rất sốc và rất buồn khi nghe đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu". "Tôi nghĩ rằng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị của nó cho dù 70 năm trôi qua", ông Tuấn nhấn mạnh.

 Tranh luận thu hút hiền tài: “Đừng giáo điều và đừng chụp mũ”  - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Tuấn tranh luận với đại biểu Dương Trung Quốc - Ảnh: Quang Phúc.

Vẫn theo đại biểu Tuấn thì cho dù thời cuộc có thay đổi, nhưng nếu dùng tiền để mua được đạo đức, để mua khoa học, kiến thức thì không có nhiều nhà khoa học bỏ đồng lương rất cao về Việt Nam đóng góp cho đất nước. Không có những nhà khoa học, những nhân tài trong nước từ bỏ lương rất cao ở tư nhân để đang ngồi nhận lương công chức, viên chức.

"Tôi rất mong Quốc hội nhìn nhận và đánh giá lại phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc trong vấn đề này, nếu không người dân sẽ hiểu sai là chúng ta đang làm việc nhưng không có lòng yêu nước là không đúng", đại biểu Tuấn nói.

Tiếp tục giơ biển, đại biểu Quốc hồi âm ý kiến đại biểu Tuấn, rằng khi trước ông nhấn mạnh rằng học tập tư tưởng của người xưa thì phải biết vận dụng vào đời nay, chứ không phải giáo điều.

"Tôi xin hỏi đại biểu Tuấn, bây giờ có thể bổ nhiệm giám đốc sở chứ đừng nói là một phó chủ tịch nước hay một Chủ tịch Quốc hội ngoài Đảng không, chắc chắn là không, vì cơ chế thay đổi rồi, vẫn là chế độ do Bác Hồ dựng nên có phải chế độ khác đâu, nên chúng ta phải biết vận dụng", ông Quốc nói.

Theo đại biểu Quốc thì "cốt lõi trong tinh thần của Bác Hồ cũng là tiếp thu của người xưa là dụng nhân như dụng mộc, biết dùng người, biết dùng đúng lúc, đúng chỗ và có một hệ thống giá trị để thu hút. Hiện nay, có những vấn đề liên quan đến hệ thống giá trị, tại sao một người y tá giỏi luôn luôn phải đứng dưới một bác sĩ tầm thường, kể cả lương bổng, kể cả thưa gửi trong một hội nghị".

Hơn nữa, Quốc hội đang bàn luật của công chức, công chức là một bộ phận rất quan trọng nhưng không phải tất cả, vì thế ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến một yếu tố là chúng đã vận dụng nhưng đừng giáo điều, nhất là chúng ta đừng chụp mũ, đại biểu Quốc dừng tranh luận.

Theo Nguyễn Lê The

Cùng chuyên mục
XEM