Tránh làm "bia đỡ đạn" trên sân bóng hội nhập, kinh tế Việt Nam cần lối chơi thực dụng

31/01/2018 19:08 PM | Kinh tế vĩ mô

Một trong những thách thức của năm 2018 là việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do - FTA có thể khiến Việt Nam thành "bia đỡ đạn", thành nơi xuất khẩu hộ theo tiêu chuẩn của đối tác.

Báo cáo kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh kinh tế năm 2017 về cơ bản đã ổn định hơn nhờ vào sự tập trung cải cách thể chế cũng như chuyển biến về điều hành của Chính phủ cũng như các bộ ngành.

Như ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) nói thì tăng trưởng đã không còn dựa vào "lượng" như trước đó. Điều này biểu hiện qua việc GDP vẫn vượt chi tiêu trong bối cảnh khai khoáng và giải ngân đầu tư công chậm, tăng trưởng tín dụng không vượt so với các năm. Theo đó, nó sẽ là tiền đề tốt cho kinh tế đất nước cho năm tiếp theo.

Tuy nhiên, năm 2018 Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thách thức. Trong đó, ông Dương nhấn mạnh đến việc hội nhập khi Việt Nam có thể trở thành "bia đỡ đạn" do tham gia quá nhiều FTA. Những FTA với EU hay những FTA quan trọng như CPTPP, RCEP có thể là "con dao hai lưỡi" đối với Việt Nam với những tồn đọng hiện tại (chưa có nền tảng thị trường thực sự hay Việt Nam đang là nước gia công có hàm lượng giá trị gia tăng thấp… ). Do vậy, ông Dương cho rằng Việt Nam cần phải thực dụng hơn trong cuộc chơi hội nhập. Báo Trí Thức Trẻ đã có trao đổi với ông Nguyễn Anh Dương về chủ đề này.

Ông nhận định Việt Nam phải thực dụng hơn từ các FTA, thực dụng ở đây cụ thể là gì?

Rõ ràng Việt Nam đã đạt được quy mô xuất nhập khẩu tương đối lớn, bản thân độ mở về xuất khẩu trên GDP đều đã vượt trên 100%, so với nhiều nước, độ mở này là rất lớn. Nhiều nước, kể cả phát triển đang thấy "sốc" vì tiến trình hội nhập của nước ta.

Nhưng rõ ràng, nhìn ngược lại trong bối cảnh hiện nay khi mà các đối tác đã thận trọng hơn trong cán cân thương mại của mình, đặc biệt họ thường nhìn vào đối tác khiến họ chịu nhiều thâm hụt nhất, Việt Nam phải tỉnh táo hơn trong việc xuất khẩu.

Chúng ta có thể tập trung vào các mặt hàng, thị trường trọng điểm, nhưng chúng ta cũng phải tính đến những rủi ro, những biến động có thể ảnh hưởng tác động đến những yếu tố đó.

Ví dụ, Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác quan trọng của Việt Nam. Hiện hai nước này đang có những vấn đề về cạnh tranh thương mại. Như vậy, là người đứng giữa, Việt Nam phải làm thế nào?

Hay con số xuất khẩu của Việt Nam là khá ấn tượng nhưng nền kinh tế có hoàn toàn được hưởng lợi hay không? Việt Nam nhập khẩu đầu vào nhưng không có độ gia công cần thiết mọi mặt, không hưởng lợi từ chuỗi giá trị. Thay vào đó, chúng ta lại trở thành đích để nhiều đối tác hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam do không đạt được độ gia công cần thiết, tức không phải hàng của Việt Nam mà là của một nước khác.

Chính vì vậy, Việt Nam cần phải tỉnh táo để bảo đảm mình vừa tham gia vào chuỗi giá trị hiệu quả vừa hưởng lợi từ việc tham gia ấy nhưng cũng tránh câu chuyện trở thành "bia" giữa hai nước trả đũa thương mại với nhau.

Câu chuyện Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế cao đối với pin mặt trời có phải là một biểu hiện và Việt Nam cần rút bài học từ đó?

Hoàn toàn có thể. Tuy nhiên tôi cho rằng cần theo dõi nhiều hơn. Câu chuyện này không chỉ là hành động đơn phương của Mỹ mà còn là các đối tác khác phản ứng như thế nào cũng như bản thân cộng đồng doanh nghiệp trong ngành sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh như thế nào?

Tình huống ở giữa của Việt Nam khá khó khăn, ông có khuyến nghị gì không?

Như tôi đã nói, nên thực dụng, theo nghĩa mình hưởng lợi như thế nào, được bao nhiêu giá trị gia tăng từ hoạt động ấy rồi quyết định.

Cảm ơn ông!


Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM